Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngĐằng sau cuộc tập trận chung Philippines-Mỹ

Đằng sau cuộc tập trận chung Philippines-Mỹ

Đại sứ quán Mỹ tại Philippines  ngày 22-9, chính thức xác nhận thông tin về cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ với quân đội Philippines vào tháng 10.

Và đây là cuộc tập trận quy mô lớn đầu tiên dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người vừa khẳng định rằng, Manila cần Washington ở Biển Đông. Cuộc tập trận dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 12-10, với sự tham dự của khoảng 1.400 lính Mỹ đóng quân tại Okinawa, Nhật Bản và khoảng 500 binh sĩ thuộc Lực lượng vũ trang Philippines.

Chuẩn tướng John Jansen của Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết, cuộc tập trận chung nhằm tăng cường năng lực của quân đội 2 nước trong việc ứng phó với các thảm họa tự nhiên và các cuộc xung đột vũ trang. Do đó, tập trận sẽ có tấn công đổ bộ và bắn đạn thật tại nhiều địa điểm thuộc khu vực đảo Luzon và tỉnh Palawan, Philippines.

Cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ với quân đội Philippines diễn ra trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc và Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi mới lên nắm quyền từ 30-6, nhưng ông Rodrigo Duterte đã khiến mọi người phải “giật mình thon thót” sau những tuyên bố của mình.

Giới bình luận cho rằng, ông Rodrigo Duterte đang áp dụng chính sách đối ngoại trái ngược với người tiền nhiệm Benigno Aquino, khi muốn tái lập tình bằng hữu với Bắc Kinh và thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Quyết định ngừng đa phương hóa tranh chấp Biển Đông của ông Rodrigo Duterte được coi là bước khởi đầu để thực hiện chính sách này. Theo nhận định của học giả Richard Javad Heydarian, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte muốn xác định rõ “đối tượng, đối tác” trong chính sách đối ngoại của Philippines.

Theo đó, tập trung giải quyết vấn đề an ninh trong nước, giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ và thiết lập một thỏa thuận với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài.

Ngày 23-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, Bắc Kinh và Manila đang giữ liên hệ để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông Lục Khảng còn nói, dù có xuất hiện bất đồng, nhưng Trung Quốc và Philippines vẫn muốn giải quyết vấn đề, thì quan hệ song phương không có gì không vượt qua.

Theo giới truyền thông, trong bài phát biểu dài 20 phút trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22-9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài, chỉ gián tiếp nhắc đến vấn đề Biển Đông bằng cụm từ “tranh chấp hàng hải”.

Ngày 24-9, tờ New York Times cho rằng, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ lâu được coi là mục tiêu cải tạo tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng tình hình đã thay đổi kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Bởi Trung Quốc chỉ tạm hoãn kế hoạch xây đảo ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham để lôi kéo Philippines “tránh xa” Mỹ.

Học giả Thời Ân Hoằng, Giáo sư Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho rằng, các cuộc thảo luận giữa Philippines với Trung Quốc không ảnh hưởng tới mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuyên bố của ông Kim Xán Vinh, Giáo sư Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh đang khiến giới chuyên môn quan tâm khi cho rằng, phải mất 4 năm để xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, nhưng Bắc Kinh phải hoàn thành việc này mới có thể kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.

Và ông Kim Xán Vinh còn dẫn lời của Tư lệnh Hải quân Ngô Thắng Lợi, khi nói tại một cuộc họp với các chỉ huy hải quân: “Chúng ta đã từng không dám mong đợi Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ cho mình mạnh mẽ như vậy, chúng ta không mong đợi khả năng kỹ thuật của mình mạnh như vậy, và chúng ta không mong đợi Mỹ phản ứng chậm như vậy”.

Ngày 23-9, tờ The Diplomat đăng bài “Biển Đông: Làm sao ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng?” của 2 tác giả Dennis Blair và Jeffrey Hornung thuộc Quỹ Hòa bình Sasakawa. Theo 2 tác giả, Mỹ phải làm rõ tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham về cơ bản phải khác với các tranh chấp khác. Washington cũng cần thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong bảo vệ các thực thể địa lý thuộc lãnh thổ của Nhật Bản và Philippines.

Trong khi đó, Manila và Tokyo nên có kế hoạch dự phòng để bảo vệ các thực thể địa lý của mình. Nhật Bản và Philippines cần phát tín hiệu cho Trung Quốc thấy rõ quyết tâm của họ trong việc bảo vệ quyền lợi đối với tranh chấp trên biển. Hai chuyên gia Dennis Blair và Jeffrey Hornung cũng cho rằng Mỹ, Nhật Bản và Philippines không nhất thiết phải có phản ứng đối với bất kỳ hành động nào của Trung Quốc, ngoại trừ một vụ tấn công thực tế.

Ngày 21-9, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, quan chức quốc phòng Philippines và Nga đã gặp nhau ở Moskva, và bắt đầu thảo luận về việc hợp tác trong lĩnh vực thiết bị quân sự. Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Sorreta cùng các quan chức quốc phòng nước này đã gặp ông Vladimir Drojob, Phó tổng giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang để thương đàm về việc mua vũ khí.

Theo tờ Inquirer, giới chức Nga đã giới thiệu cho Philippines thiết bị và công nghệ tiên tiến. Philippines đang muốn hiện đại hóa năng lực phòng vệ, để đối phó với nguy cơ đến từ tranh chấp tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Nhưng trước đó, Philippines đã cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc để đàm phán, tìm giải pháp cho những mâu thuẫn hiện nay.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã không mời Đài Loan dự họp tại Canada (từ 27-9 đến 7-10), cho thấy áp lực của chính sách “1 Trung Quốc” không thể xem nhẹ.

Nên nhớ Trung Quốc từng đề nghị ICAO mời Đài Loan dự hội nghị năm 2013, nhưng sau khi bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan (từ tháng 5-2016), Bắc Kinh lập tức thay đổi thái độ. Bởi bà Thái Anh Văn không công nhận quan điểm “1 Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới