Ủy viên Bộ chính trị ĐCSTQ Trương Xuân Hiền – “người từng từ chối tỏ lòng trung thành với Tập Cận Bình” rất có khả năng sẽ trở thành Bí thư thành ủy Bắc Kinh vào năm 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: pbs.org)
Nếu Bí thư thành ủy Bắc Kinh về hưu
Gần đây, hàng loạt lãnh đạo cấp thành phố và ban ngành tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc được điều động thuyên chuyển chức vụ.
Theo giới quan sát, chính trường Bắc Kinh đang phát đi tín hiệu về một vòng thay đổi nhân sự mới nhất ngay trước thềm Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Đa chiều (Mỹ) cho hay, nếu đề cập đến việc cải tổ nhân sự cấp cao của Bắc Kinh, vị trí Bí thư thành ủy sẽ được dư luận để mắt đầu tiên.
Bởi Bắc Kinh là đầu não chính trị Trung Quốc, chức vụ Bí thư thành ủy Bắc Kinh không chỉ có vị trí đặc thù hơn hẳn so với chức vụ Bí thư tại các địa phương mà còn trực tiếp quyết định ứng viên Ủy viên Bộ chính trị khóa 19.
Và trước tình hình Bí thư thành ủy Bắc Kinh đương nhiệm Quách Kim Long sắp về hưu thì vấn đề ai sẽ trở thành người kế nhiệm Quách là một trong những điểm quan tâm hàng đầu trên chính trường Trung Quốc.
Ông Quách Kim Long sinh năm 1947. Năm 2017, ông này vừa tròn 70 tuổi – độ tuổi về hưu đối với các ủy viên Bộ chính trị trung Quốc.
Đặc biệt, khi các địa phương trên toàn quốc đang trong quá trình “thay máu” nhân sự mạnh mẽ thì nhân vật trở thành tân Bí thư thành ủy Bắc Kinh chắc chắn sẽ trở thành “quân cờ siêu cường” trên đại bàn cờ nhân sự ĐCSTQ.
“Người từ chối tỏ lòng trung thành với Tập Cận Bình” sẽ kế nhiệm?
Giới phân tích nhận định, hiện nay, đội ngũ nhân sự lãnh đạo cao cấp của thành phố Trùng Khánh và tỉnh Quảng Đông khá ổn định.
Trong các địa phương trọng điểm chính trị hiện nay, chỉ có Thượng Hải và Bắc Kinh chưa có sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo cấp cao.
Theo giới phân tích, Thượng Hải hiện đã phát tín hiệu manh nha cho sự “thay máu” vào năm tới nhưng Bắc Kinh với vị trí là trung tâm chính trị đầu não Trung Quốc lại chưa hề có bất cứ động tĩnh nào.
Tuy nhiên, ngày 29/9 vừa qua, cựu Bí thư đảng ủy khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Trương Xuân Hiền – người từng từ chối tỏ lòng trung thành với ông Tập – bất ngờ xuất hiện trên bản tin thời sự chương trình Xinwenlianbo của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
Trương Xuân Hiền là người đã từng khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng với câu trả lời cụt lủn “Để nói sau”, khi được truyền thông hỏi về việc có ủng hộ vai trò “lãnh đạo cốt lõi” mà Trung Nam Hải muốn xây dựng cho Tập Cận Bình hay không.
Đây là lần xuất hiện công khai thứ hai sau khi Trương sau khi được điều chuyển công tác từ Tân Cương về Bắc Kinh.
Lần đầu xuất hiện công khai trước giới truyền thông là vào ngày 23/9 khi ông này cùng với 5 Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị tham gia buổi triển lãm tại Bảo tàng quân sự cách mạng nhân dân Trung Quốc.
Đến nay, tuy được gọi về kinh nhưng chức vụ mới của Trương vẫn chưa được tiết lộ. Do đó, hướng đi tiếp theo của ông này hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Đa chiều cho biết, hiện có rất nhiều lời suy đoán xung quanh chức vụ mới của Trương. Rất nhiều ý kiến cho rằng, ông có thể sẽ trở thành cấp phó tại một tiểu tổ phụ trách xây dựng đảng ở Bắc Kinh.
Hiện tại, hai tổ phó của tiểu tổ này là Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn – nhân vật “quyền lực số hai” Trung Quốc và Trưởng ban tổ chức trung ương Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu Thị trưởng Thượng Hải Hàn Chính được gọi về kinh thì Trương Xuân Hiền có thể sẽ cạnh tranh với Ứng Dũng, thay thế vị trí của Hàn.
Đáng chú ý nhất, một số nguồn tin tiết lộ, Trương Xuân Hiền sẽ được cất nhắc thay thế Bí thư thành ủy Bắc Kinh Quách Kim Long khi ông này về hưu.
Giới phân tích nhận định, khi cuộc chuyển giao quyền lực trước thềm Đại hội 19 tại Trung Quốc vẫn đang tồn tại nhiều cơn sóng ngầm thì mọi khả năng về “thay máu” nhân sự, đặc biệt những vị trí chủ chốt đều có thể xảy ra những bất ngờ.
Với thành tích trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ giao thông (2002 – 2005), Bí thư tỉnh ủy Hồ Nam (2005 – 2010) và đặc biệt là những dấu ấn khá rõ nét ở Tân Cương với nhiều chính sách để quản lý người Duy Ngô Nhĩ, kiềm chế làn sóng cực đoan, Trương Xuân Hiền được coi là một cán bộ có năng lực, đủ khả năng nắm giữ chiếc ghế nóng ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thái độ của ông này với Tập Cận Bình liệu có thể trở thành rào cản cho con đường thăng quan tiến chức hay không thì còn phải chờ xem. Nếu thực sự Trương được cất nhắc như một số dự đoán, thì rõ ràng, chính sách dùng người của ông Tập vẫn còn nhiều điểm thú vị để quan sát.