Thượng tướng Lưu Nguyên, người từng là “cánh tay phải” của Tập Cận Bình trong quân đội, cũng phải nể phục nhân vật đáng gờm này.
Diệp Kiếm Anh, một trong số nhân vật quyền lực hàng đầu “nước Trung Quốc mới”, cùng lãnh tụ Trung Quốc
Mao Trạch Đông (đứng) duyệt đội Hồng vệ binh trên quảng trường Thiên An Môn năm 1966. (Ảnh: Getty Images)
Ông Diệp Tuyển Ninh, con trai thứ của nguyên soái “khai quốc công thần” Trung Quốc Diệp Kiếm Anh, trong nhiều năm qua vẫn được xem là “anh cả” trong nhóm những hậu duệ của các lãnh đạo thế hệ đầu tiên (“Hồng nhị đại”) tham gia cách mạng Trung Quốc trong quá khứ.
Ông Diệp đã qua đời hôm 10/7 vừa qua, hưởng thọ 77 tuổi.
Tháng 2/2012, sau khi có thông tin cáo buộc các “hổ béo” Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai âm mưu “loại” ông Tập Cận Bình khỏi vị trí người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, gia tộc họ Diệp ở Quảng Đông đã có những hành động mạnh mẽ “chống lưng” ông Tập.
Phải đến 3 năm sau đó, truyền thông Trung Quốc với công bố thông tin nhóm Chu, Bạc “âm mưu hoạt động chính trị”.
Theo hãng thông tấn tiếng Hoa Tân Đường Nhân, sau sự kiện cựu Cục trưởng Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, thân tín của Bạc Hy Lai, bỏ trốn tới Lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Đông tháng 2/2012, ông Diệp được cho là đã tiên phong gửi thư lên lãnh đạo Trung Nam Hải yêu cầu Bạc từ chức, thậm chí đứng ra đại diện cho lập trường của “Hồng nhị đại”.
Năm 1984, Diệp Tuyển Ninh là Phó hội trưởng Hiệp hội liên lạc hữu nghị quốc tế và gia nhập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cùng năm. Chỉ 4 năm sau, Diệp được phong hàm Thiếu tướng vào tháng 9/1988.
Ngoài chức vụ trong PLA, Diệp Tuyển Ninh còn từng làm lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và giữ chức vụ cao trong Ủy ban thường vụ Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Lý Đức Tài, người giữ chức cảnh vệ trưởng của Diệp Kiếm Anh trong 8 năm (1949-1956) nói rằng Diệp Tuyển Ninh được con cháu của nguyên soái Chu Đức và cả Lưu Nguyên, con trai Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ kính nể.
Theo Tân Đường Nhân, từ khi ông Diệp được giao phụ trách Cục liên lạc thuộc Tổng cục chính trị của PLA, hiệu quả mà hoạt động tình báo của cơ quan này đạt được thậm chí lấn át cả Bộ tổng tham mưu.
Từ năm 1990, cơ quan trên đã đưa trên 3.000 hậu duệ các thế hệ cách mạng Trung Quốc ra nước ngoài đào tạo và sinh hoạt “thầm lặng”. Những người này cũng được kiểm soát để không gây bất ổn trên chính trường khi trở về nước.
Tân Đường Nhân hé lộ, sau khi Tập Cận Bình được xác định là lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc tại Hội nghị trung ương 5 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2010, thế lực “Hồng nhị đại” này đã được Diệp Tuyển Ninh “chuyển giao” cho ông Tập.