Hiểu những gì đe dọa và đặc biệt là nhận diện đúng tín hiệu Bắc Kinh đang cố gắng gửi đi sẽ rất quan trọng.
Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, ảnh: hindustantimes.com
Tiến sĩ Feng Zhang, một học giả Trung Quốc trợ giảng tại Viên Nghiên cứu Biển Đông ở tỉnh Hải Nam ngày 6/1 viết bài bình luận gửi cho The Straits Times nhận định, Trung Quốc bắt đầu chính sách ngoại giao cưỡng chế đối với Singapore vì lập trường của quốc đảo này trong vấn đề Biển Đông.
Theo học giả này, các tranh cãi ngoại giao gần đây giữa Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh và Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến là rất bất thường trong lịch sử quan hệ Trung Quốc – Singapore. Feng Zhang nhận định:
“Hiểu những gì đe dọa và đặc biệt là nhận diện đúng tín hiệu Bắc Kinh đang cố gắng gửi đi sẽ rất quan trọng đối với hai nước, để chỉ đạo mối quan hệ ổn định và ngăn chặn nó suy giảm hơn nữa.
Nếu Singapore không thể nắm bắt những mối dọa trong các tranh chấp là gì, nó sẽ là điềm xấu cho mối quan hệ Singapore – Trung Quốc.
Đại sứ Stanley Loh muốn giải quyết các tranh cãi như một vấn đề thực tế, đơn giản và hoàn toàn kiểm chứng được. Nhưng với Trung Quốc, ngay từ đầu đó là vấn đề chính trị.
Thậm chí nếu Singapore không đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết, thực tế đơn thuần các hoạt động của họ thay mặt cho ASEAN yêu cầu cập nhật vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị cũng đủ khiêu khích một cơn giận dồn nén từ Bắc Kinh.
Nói thẳng ra, Bắc Kinh không quan tâm quá nhiều đến các phản ứng căng thẳng như gửi một thông điệp ngoại giao, mà Trung Quốc muốn Singapore phải tự hiểu: Hãy biết thân biết phận, đừng gây rối với chúng tôi ở Biển Đông!
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin về sự kiện này có thể bình thường, nhưng trong lòng Trung Quốc thì nhận thức Singapore đang đứng về phía Hoa Kỳ, Philippines và Việt Nam để phản đối (sự bành trướng của) Trung Quốc ở Biển Đông là điều phổ biến.
Tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về Phán quyết Trọng tài trong tháng Tám (khi thăm Mỹ) đã khiến Trung Quốc, hoặc ít nhất là một bộ phận người Trung Quốc nghĩ rằng đó là một sự khiêu khích.
Như vậy không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh đang bắt đầu áp dụng một chính sách ngoại giao cưỡng chế để gây áp lực, thậm chí trừng phạt Singapore.
“Sự cố” tại hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết là đỉnh điểm của sự suy thoái quan hệ Trung Quốc – Singapore trong năm nay.
Nhưng nó chỉ là sự khởi đầu của một cách tiếp cận mới Trung Quốc sẽ đi theo trong chính sách ngoại giao cưỡng chế đối với Singapore.
Người Trung Quốc có thể nghĩ rằng phương pháp này có thể buộc Singapore chịu thua, nhưng nó cũng có thể phản tác dụng bằng cách đẩy Singapore xa hơn về phía Mỹ.
Bất chấp những điều này, Bắc Kinh muốn Singapore và có lẽ cả các nước khác trong khu vực phải hiểu rằng, sự nổi lên của Trung Quốc đã làm giảm không gian vận động của các nước này giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Các tín hiệu cơ bản là, bây giờ đã đến lúc bắt đầu thời kỳ của siêu cường Trung Quốc, các nước hoặc thích nghi với lợi ích của Trung Quốc, hoặc nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả.
Những bài báo vừa qua của Thời báo Hoàn Cầu, bất kể tính xác thực của nó đến đâu, nó không nằm ngoài một lời cảnh báo rõ ràng của Trung Quốc đối với các hoạt động của Singapore trong vấn đề Biển Đông.”
The Straits Times cho hay, một học giả Singapore sẽ có bài phản biện lại các quan điểm mà Feng Zhang nêu ra trong bài viết này.
Còn theo người viết, dọa nạt Singapore là Feng Zhang hay Thời báo Hoàn Cầu đã nhầm đối tượng. Trong thời buổi hội nhập, hợp tác cùng có lợi đã trở thành đặc điểm của hầu hết các mối quan hệ quốc tế.
Ứng xử dựa trên luật pháp quốc tế, xử lý tranh chấp khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế chính là rường cột gìn giữ và bảo vệ thế giới hòa bình và phát triển.
Một số nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc hễ động một tí là lại lôi vị thế “nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới” ra đe dọa nước này nước khác, nhưng cứ thử “trừng phạt” xem ai thiệt hại trước tiên?
Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ lên tiếng về các hiện tượng này, thậm chí ông Tập Cận Bình còn nói với Thủ tướng Lý Hiển Long bên lề G-20, phải làm sâu sắc thêm quan hệ “đặc biệt” giữa hai nước.
Nhưng dư luận Singapore, khu vực và quốc tế vẫn khó có thể yên lòng với những lời hứa từ lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, khi thuộc hạ của ông thường phản ứng và hành động ngược lại.
Thậm chí ngay cả khi Qiao Mu, một giáo sư Trung Quốc chuyên nghiên cứu về truyền thông từ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đã phải thốt lên trên trang cá nhân Tencent Weibo của mình rằng:
“Thời báo Hoàn Cầu đã tự gọi nó là một con chó, vì vậy nếu một con chó cắn một quý ông, thì quý ông ấy có nên cắn lại?
Đại sứ Loh không nên chấp và không nên tiếp tay cho Thời báo Hoàn Cầu để giúp nó phao tin giật gân. Đó là một tờ báo kiếm tiền bằng cách bán chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Một bài báo mà thiếu đạo đức, thiếu thông tin chuyên nghiệp thì không đại diện cho chính phủ.”
Người ta vẫn cứ bán tín bán nghi, liệu đó chỉ là trò câu khách rẻ tiền của ông Hồ Tích Tiến, hay mang thông điệp nào đó từ Trung Nam Hải chuyển đến các nước láng giềng, hoặc là cả hai?
Sự bán tín bán nghi ấy không phải không có nguyên nhân của nó, khi ông Dương Khiết Trì thời còn làm Ngoại trưởng đã trừng mắt nói với các đồng nghiệp ASEAN trong lúc tham dự ARF tại Hà Nội tháng 7/2010 rằng:
“Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế”.
Tiến sĩ Ian Storey cho biết, ông Trì nói điều này khi nhìn chằm chằm vào mặt đối tác Singapore.
Nếu thực sự Trung Quốc muốn thông qua Thời báo Hoàn Cầu để truyền thông điệp đến láng giềng, thì họ tưởng họ “khôn” vì không để lại dấu vết, họ vô can với lập luận, đó chỉ là quan điểm của riêng một tờ báo khi bị các nước khác chất vấn.
Nhưng mặt trái của chiêu trò này sẽ là mất uy tín quốc tế, bởi không ai có thể yên tâm, tin tưởng hợp tác lâu dài được với những người thích ném đá giấu tay.