Một cựu quan chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa đưa ra bình luận rằng, tân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres có vẻ phù hợp hơn với NATO.
Ông Antonio Guterres được chọn làm Tổng thư ký LHQ
Truyền thông quốc tế ngày 6/10 hồ hởi đưa tin, Liên Hiệp Quốc đã có tân Tổng thư ký, thay thế cho cựu Tổng thư ký người Hàn Quốc Ban Ki-moon đã hết nhiệm kỳ. Theo đó, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres đã chính thức được bầu chọn trở thành Tổng thư ký tiếp theo.
Theo Reuters, ông Guterres đã vượt qua vòng bỏ phiếu của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là “cửa ải” rất quan trọng bởi đây là vòng bỏ phiếu mà 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an có quyền phủ quyết.
Để đắc cử, tân Tổng thư ký phải nhận được ít nhất là 9 phiếu thuận và không bị bất cứ một thành viên nào trong 5 Ủy viên thường trực bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc phủ quyết, hoặc ít nhất là không phản đối (bỏ phiếu trắng).
Với 13 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không bị phủ quyết, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres đã chính thức trở thành người kế nhiệm của ông Ban Ki-moon và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm trên cương vị Tổng thư ký của Liên Hợp Quốc từ ngày 1/1/2017.
Được biết, ông Guterres là Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002. Ông là một nhà lãnh đạo chính phủ lão luyện và được cho là có kiến thức rất rộng, cùng với có khả năng thông thạo 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Viên kỹ sư trẻ 27 tuổi Antonio Guterres lần đầu tiên tham gia vào chính trường vào năm 1976 trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Bồ Đào Nha, sau khi cuộc cách mạng Carnation giành thắng lợi, chấm dứt 5 thập kỷ độc tài.
Ông nhanh chóng thăng tiến, trở thành lãnh đạo Đảng Xã hội năm 1992, được bầu làm Thủ tướng năm 1995, khi đó ông mới 46 tuổi.
Tiếp đó, ông trở thành người đứng đầu Văn phòng Cao uỷ LHQ về tị nạn (UNHCR) từ năm 2005-2015, dẫn dắt cơ quan này qua nhiều cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất thế giới như cuộc khủng hoảng Syria, Afghanistan, Iraq…
Trong thời gian đó, ông liên tiếp kêu gọi các nước phương Tây nỗ lực hơn nữa, trợ giúp người tị nạn chạy thoát khỏi khỏi các khu vực xung đột và tìm kiếm cơ hội định cư cho họ ở những vùng đất mới. Trên cương vị này, ông đã để lại rất nhiều dấu ấn.
Cựu Tổng thống Bồ Đào Nha Cavaco Silva đánh giá, cựu Thủ tướng Guterres để lại những di sản đáng quý cho cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc, điều đó đã khiến cho đến nay ông vẫn là người có tiếng nói quan trọng, đáng kính và toàn bộ thế giới đang lắng nghe ông.
Cựu quan chức Serbia: Nga-Mỹ thỏa thuận ngầm về chức vụ TTK LHQ
Ghi nhận của phóng viên Reuters cho thấy, hàng loạt tờ báo giấy của Bồ Đào Nha đều đưa ảnh cựu Thủ tướng Antonio Guterres lên trang bìa. Trên trang nhất tờ Publico giật tít: “Tất cả chúng tôi đều chiến thắng” cùng hình ảnh của ông Guterres.
Các trang báo điện tử cũng đồng loạt đưa tin người dân Bồ Đào Nha cũng tỏ ra rất vui mừng trước thông tin vị cựu lãnh đạo 67 tuổi của mình, người đã dẫn dắt Cơ quan tị nạn của LHQ trong vòng 10 năm qua, trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Cựu Thủ tướng Antonio Guterres đã trở thành Tổng Thư ký LHQ |
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều về việc ông Antonio Guterres đắc cử Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ví dụ như bình luận của cựu Đại diện thường trực của Serbia ở LHQ Vladislav Jovanovic, khi ông này cho rằng, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha phù hợp hơn với…NATO.
Vị cựu quan chức Serbia nói với hãng phát thanh đa phương tiện Sputnik rằng, ông đã rất ngạc nhiên trước sự kiện ông Antonio Guterres được bầu chọn vào chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bởi ông này không xuất thân từ một nước Đông Âu mà Nga ủng hộ.
Theo ý kiến của ông, Nga và Mỹ đã đạt được thỏa hiệp ngầm nhất định, bởi vì Nga sẽ không đồng ý một cách dễ dàng như vậy về ứng viên từ một quốc gia trong khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, hơn nữa lại là một trong những quốc gia thành viên NATO lâu đời nhất.
Ông Jovanovic nhận định, không rõ là để Nga chấp thuận để ông Guterres ngồi vào cương vị này, Mỹ-NATO đã đưa ra đề nghị gì với Moscow. Có lẽ, để nhận được sự chấp thuận này của Điện Kremlin, phương Tây cũng đã nhượng bộ về một số vấn đề khác.
“Tôi không tin rằng, Moscow chỉ đơn giản là gật đầu ngay với lựa chọn bất lợi cho mình, để cho người đại diện của nước trong cùng một khối với Hoa Kỳ trở thành Tổng thư ký LHQ. Tôi từng nghĩ rằng, có nhiều khả năng Nga sẽ bỏ phiếu cho ứng viên từ Bulgaria” – vị cựu quan chức Serbia nói.
Khi được hỏi, ông chờ đợi gì từ Guterres trong chức vụ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Jovanovic nói rằng, chắc chắn ông này sẽ không phản đối lập trường của Mỹ-NATO, có nghĩa là những “thế lực phương Tây” trong tổ chức này.
Có thể trong một số sự vụ, ông Guterres sẽ thể hiện sự bất đồng, nếu một quốc gia nào khác có biểu hiện thiếu tính nguyên tắc trong LHQ, nhưng vì là đại diện cho nước thành viên Liên minh NATO, thì ông thực sự buộc phải tuân thủ phù hợp với chính sách của khối.
Tất nhiên, ông sẽ không công khai làm điều đó, và cũng không có ai sẽ yêu cầu ông, nhưng dù sao cũng đừng nên hy vọng rằng, Tân Tổng thư ký sẽ phản đối hành động nào đó của NATO, ngay cả khi chúng không tương ứng với nghị quyết của Liên Hợp Quốc – ông Jovanovic nói.
Đồng thời vị cựu quan chức Serbia ở Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng, đó chính là những gì Liên minh đã làm vào năm 1999, khi bắt đầu ném bom Nam Tư mà không có quyết nghị trừng phạt tương ứng của LHQ, còn Liên Hiệp Quốc cũng không thể làm gì để ngăn chặn hành động này.