Friday, December 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga khuynh đảo Trung Đông nhờ chơi đẹp hơn Mỹ

Nga khuynh đảo Trung Đông nhờ chơi đẹp hơn Mỹ

Nga đang khuynh đảo Trung Đông nhờ thể hiện là một đối tác nghiêm túc, luôn đứng về phía một chính phủ hợp pháp và không “đâm sau lưng”.

Vũ khí năng lượng

Ngày 10/10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự Đại Hội đồng Năng lượng Thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận, với sự tham gia của những người đứng đầu các tập đoàn, công ty năng lượng, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các tổ chức môi trường đến từ 90 quốc gia.

Trong khuôn khổ diễn đàn được tổ chức ở thành phố Istanbul, ông Putin đã có cuộc gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và lãnh đạo các quốc gia Azerbaijan, Venezuela, Saudi Arabia.

Trả lời phỏng vấn báo Sự thật của Nga, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu Slavo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Pyotr Iskenderov, cho rằng: “Việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng có thể mang tới những mối quan hệ đối tác chính trị có chiều sâu giữa Nga với các quốc gia hàng đầu của OPEC, đặc biệt là các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (gồm Bahrain, Qatar, Kuwait, UAE, Oman, Saudi Arabia).

Theo chuyên gia này, nếu Nga có thể tạo ra mối quan hệ hợp tác hiệu quả, trước hết là với Saudi Arabia và Qatar trong lĩnh vực năng lượng thì hai bên có thể đạt được sự đồng thuận về quan điểm chính trị đối với một số vấn đề về Syria, Iraq và nhiều vấn đề khác.

Iskenderov đánh giá sự hiện diện của ông Putin tại Đại Hội đồng Năng lượng Thế giới lần này rõ ràng không chỉ có ý nghĩa trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao.

Nga khuynh dao Trung Dong nho choi dep hon My

Nhà lãnh đạo Nga trở thành nhân vật trung tâm tại sự kiện vừa diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Tập đoàn Gazprom đã định hướng lại chiến lược chuyển khí đốt từ châu Âu sang Trung Quốc, và như vậy thì quốc gia vận chuyển chính nguồn khí đốt từ Qatar sang châu Âu chỉ còn lại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy mà Moskva và Ankara đã gần đạt được thỏa thuận hợp tác về năng lượng lớn là dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.

Mắt xích Thổ Nhĩ Kỳ

Có thể so sánh vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Syria với vị trí của Pakistan trong việc giải quyết tình hình ở Afghanistan. Và nếu trong hợp tác với Nga, chính quyền Erdogan thực sự đã loại bỏ hết những khác biệt thì trong hợp tác với Mỹ vẫn tồn tại không chỉ một mà rất nhiều trở ngại như vấn đề dẫn độ Giáo sĩ Gullen đang tị nạn chính trị ở Mỹ hay liên minh giữa Mỹ với người Kurd ở Syria.

Liên quan đến vấn đề người Kurd ở Syria, Tổng thống Putin chỉ hỗ trợ họ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây chính là lý do giải thích vì sao Moskva không chỉ trích chính quyền Erdogan khi nhà lãnh đạo này giành thắng lợi trước lực lượng người Kurd ở phía Bắc Syria.

Bây giờ thì Nga không cần đến quyền tự trị của người Kurd, và sau đó, có thể sẽ thảo luận về vấn đề này, nhưng không phải với Mỹ mà với chính quyền Bashar Al-Assad. Chính ông Assad (không phải Tổng thống Mỹ) là người phải trao quyền tự trị cho người Kurd.

Một số thông tin gần đây cho biết tất cả các nhóm nổi dậy “ôn hòa” như Turkomans, Quân đội Syria Tự do và Assyria đã từ bỏ vị trí ở Aleppo và tiến tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tín hiệu từ Ankara, Moskva tuyên bố sẵn sàng sơ tán các tay súng al-Nusra ra khỏi Aleppo và chấm dứt giao tranh ở thành phố này.

Theo kịch bản này, chủ đề Syria sẽ được thảo luận trong bối cảnh tiếp tục phát triển theo hướng mà Nga mong muốn với sự tham gia của các nước Arập.

Nhiều khả năng sẽ có cuộc họp bàn về cách thức hợp tác với quân đội Syria sau khi Aleppo được giải phóng. Cụ thể là các quốc gia trong khu vực sẽ hợp tác với Nga bằng cách nào và ngược lại, Moskva sẽ mang gì ra để đánh đổi.

Máy bay chiến đấu Su-30 của Nga ở căn cứ Hmeimim, Syria

Theo tờ Sự thật của Nga, rõ ràng tất cả các quốc gia ở Trung Đông sẽ không bị mất mặt nếu Nga gặt hái được thành công trong các chiến dịch ở Syria. Không ai trong số lãnh đạo các quốc gia ở khu vực này đe dọa gán cho Nga là “tội phạm chiến tranh”.

Trong mọi trường hợp, họ không thể không cho rằng Nga đã giải quyết các vấn đề ở Syria một cách nghiêm túc và lâu dài; rằng Tổng thống Putin là một đối tác nghiêm túc, người luôn đứng về phía một chính phủ hợp pháp và không thể “đâm sau lưng”.

Chuyên gia Iskenderov cho rằng Trung Đông có một vị trí địa chính trị khá quan trọng và Nga đang có nhiều đồng minh trong khu vực này. Bên cạnh Syria còn có Iran, quốc gia đang có các dự án riêng trong khu vực và sau đó là Iraq, quốc gia đang muốn dần thoát khỏi sự ảnh hưởng của phương Tây và chú trọng phát triển quan hệ song phương với Nga. Ngoài ra còn có Ai Cập, nước ủng hộ quan điểm của Nga về Aleppo.

Cách chơi của Nga

Trang mạng của Reuters mới đây có bài viết đánh giá Tổng thống Nga Putin luôn biết cách biến điểm yếu của mình thành điểm mạnh. Hai năm trước, ngoài việc có một căn cứ hải quân tại Syria, sự hiện diện của Nga trong khu vực này gần như là “vô hình”. Tuy nhiên, hiện nay các máy bay chiến đấu và tên lửa của Nga hoàn toàn có thể hoạt động ở Syria, Iran và cả Iraq.

Trong năm qua, nhà lãnh đạo Nga đã tạo ra một liên minh bán quân sự với Iran, cho phép Nga triển khai vũ khí trong vùng Vịnh – điều mà Nga đã để tuột mất từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Nếu điều này vẫn chưa đủ chứng minh sự hiện diện của Nga trong khu vực, thì một bằng chứng nữa chính là sự cải thiện rõ rệt trong mối quan hệ ngoại giao giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Moskva và Ankara từng vô cùng căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga tại vùng biên giới Syria vào năm ngoái, song mối quan hệ này hiện đã được cải thiện đáng kể và được củng cố tới mức hai nhà lãnh đạo đã bắt đầu tính đến việc khôi phục toàn bộ quan hệ ngoại giao.

Bên cạnh đó, suốt thời gian qua, ông Putin vẫn luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Nga có thể thực hiện các mục tiêu tại Trung Đông hiệu quả hơn Mỹ?

Nga gây bất ngờ khi cho các máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 xuất kích từ Iran

Theo Reuters, Tổng thống Nga Putin là người có thể nhanh chóng xác định những lợi ích mà Nga sẽ có được từ chính sách đối ngoại trong từng cuộc xung đột cụ thể và sẵn sàng dành các nguồn lực để đạt được những lợi ích này, để rồi sau đó đột ngột thay đổi thái độ khi những lợi ích cơ bản của Nga đã đạt được hoặc thay đổi.

Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Mỹ đã gắn liền lợi ích của mình với những nước theo chế độ quân chủ Hồi giáo dòng Sunni ở vùng Vịnh như Saudi Arabia, Kuwait và Qatar. Đổi lại, các nước này phải đầu tư mạnh mẽ vào Mỹ, từ việc mua trái phiếu chính phủ, cho đến đầu tư vào bất động sản và mua hàng tỷ USD khí tài quân sự của Mỹ.

Các nước Arập cũng đã đầu tư mạnh vào Washington, để đổi lấy việc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, rót tiền cho các viện nghiên cứu chính sách và công ty PR, nhằm mục đích nhấn mạnh vì sao Mỹ cần các quốc gia để đạt được lợi ích ở Trung Đông.

Mối quan hệ giữa Riyadh và Washington trên thực tế vẫn rất khăng khít ngay cả khi công chúng Mỹ phải đặt ra câu hỏi về mối liên minh mà Mỹ xây dựng với một quốc gia thường xuyên có những hành động đi ngược lại lợi ích của mình.

Những quốc gia như vậy cho rằng Washington buộc phải ủng hộ họ cho dù cuộc xung đột mà họ dấn thân vào có ảnh hưởng tới các lợi ích của Mỹ hay không.

Tuy nhiên, họ lại không có được ảnh hưởng như vậy đối với Moskva. Dù Nga ủng hộ chính quyền Iran theo dòng Hồi giáo Shi’ite và chế độ Assad tại Syria, thì giới lãnh đạo Arập dòng Sunni vẫn luôn tìm cách “ve vãn” Putin và mong muốn hợp tác với nhà lãnh đạo này.

Các phi công Nga tại Syria

Điển hình như việc Saudi Arabia đang cố gắng hợp tác với Moskva để tìm cách tốt nhất ổn định thị trường dầu mỏ và mong muốn ông Putin gây áp lực để Iran làm điều tương tự.

Một điểm đáng chú ý khác là Tổng thống Putin thúc đẩy các mối quan hệ với các nước Arập trong khi vẫn duy trì sự gần gũi với Israel. Nga tiếp tục hợp tác với Israel trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp và vũ khí. Nga và Israel cũng giữ quan hệ quân sự chặt chẽ trong khi Moskva luôn thận trọng tránh cung cấp cho các đối thủ của Israel (Syria và Iran,…) các vũ khí tấn công tân tiến.

Mặc dù Mỹ là một cường quốc lớn và có thể có nhiều ảnh hưởng tới các chính sách của các đối tác như Saudi Arabia và Israel, song điều trớ trêu là các nước này thường tìm cách hạn chế những lựa chọn chiến lược của Washington, do lo ngại nguy cơ bị bỏ rơi hoặc vì chính những lợi ích của riêng họ.

Reuters kết luận, nếu Nga linh hoạt và biết cách chớp lấy các cơ hội trong quá trình tiếp cận khu vực này thì Washington sẽ bước vào một giai đoạn đầy khó khăn khi ảnh hưởng của Moskva ngày càng gia tăng.

RELATED ARTICLES

Tin mới