Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuyết không tha cho Nga, EU quyết tâm ra "đòn" mạnh hơn

Quyết không tha cho Nga, EU quyết tâm ra “đòn” mạnh hơn

Tức giận trước việc Nga tăng cường không kích vào phe nổi dậy ở Syria, Liên minh Châu Âu (EU) được cho là ít có khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt với Moscow vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Thậm chí, một số nước còn đề nghị gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Như vậy, quan hệ Nga-EU đến thời điểm này không những không xuất hiện “ánh sáng cuối đường hầm” mà còn có chiều hướng ngày một xấu đi.

Trong khi EU nói rằng cuộc xung đột ở Syria và Ukraine cần phải được tách bạch rõ ràng thì chiến dịch tấn công mạnh mẽ của Damascus dưới sự hậu thuẫn của Moscow nhằm vào khu vực miền đông Aleppo hiện nay đã làm cho mối quan hệ Nga-EU càng trở nên nghiêm trọng. Diễn biến này làm suy yếu nhóm nước trong EU đang đấu tranh đòi dỡ bở các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

“Rõ ràng, chiến dịch tấn công vào Aleppo đã làm thay đổi cách nghĩ của một số nước. Sẽ không thể có chuyện nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong tình hình hiện nay”, Ngoại trưởng của một nước thành viên EU đã tuyên bố như vậy.

Một nguồn tin ngoại giao Pháp cũng xác nhận lập trường trên, nói rằng, “triển vọng tháo bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine trên thực tế đã trở về con số 0 sau vụ Aleppo”.

Pháp nói rằng, các cuộc tấn công nhằm vào Aleppo chẳng khác gì tội phạm chiến tranh và rằng Syria cũng như Nga nên bị điều tra. Trước đó, hôm 10/10, giới chức EU và NATO cũng tuyên bố, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nên được giữ nguyên.

Được biết, giới lãnh đạo EU sẽ thảo luận về mối quan hệ của liên minh này với Nga trong cuộc họp kéo dài trong 2 ngày 20-21/10 sắp tới ở Brussels. Hiện tại, gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ có thời hạn đến tháng 1 năm sau.

Mỹ và EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu gần đây đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt. Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường ở Syria đang có nguy cơ phá hỏng nỗ lực của một số nước thành viên EU trong việc khôi phục lại quan hệ với Nga.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới