Tuesday, November 5, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 17/10

Bản tin Biển Đông ngày 17/10

 Bản tin Biển Đông ngày 17/10/2016.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sắp thăm Trung Quốc. Ảnh: AP.

1) Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines: tranh chấp Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Duterte đến Bắc Kinh

Ngày 14/10, trang GMA News đưa tin:

Ngày 14/10, trong một cuộc họp báo tại Phủ Tổng thống trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự kiến từ 18 – 21/10, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Charles Jose tái khẳng định “lập trường của Philippines đối với vấn đề Biển Đông vẫn luôn nhất quán”. Theo đó, ông Jose tuyên bố vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình, bên cạnh những vấn đề trọng tâm khác trong quan hệ giữa hai nước đang cần được thúc đẩy qua chuyến thăm của ông Duterte, cụ thể là thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân. Ông cho biết “Tổng thống đã thể hiện sự rõ ràng và nhất quán của mình trong các tuyên bố trước đó về lập trường của ông đối với Phán quyết Trọng tài quốc tế” và do đó, bày tỏ sự tin tưởng vào “hiểu biết và sự đánh giá của riêng Tổng thống về thời điểm Ngài cho là thích hợp để đưa vấn đề này ra với phía Trung Quốc”.

2) Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines cảnh báo Tổng thống Duterte: Phát ngôn của ông có thể gây nguy hiểm cho đất nước

Ngày 15/10, trang InquirerFilipino Times đưa tin:

Ngày 14/10, khi trình bày lập trường của mình về việc thực thi chủ quyền lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông trước các luật sư và sinh viên tại Viện Quản lý Châu Á Brewing, thành phố Makati, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống Duterte cần thận trọng khi phát ngôn bởi các tuyên bố công khai của ông này “có thể gây nguy hiểm cho đất nước”. Lo ngại của ông Carpio được đưa ra trong bối cảnh Philippines đang đứng trước nguy cơ ông Duterte có thể sẽ bắt tay với Trung Quốc để thực hiện “một chương trình phát triển chung” khiến Philippines phải chịu sức ép nhượng bộ một số khu vực ở Biển Đông mà nước này đang yêu sách một phần vùng đặc quyền kinh tế. Ông cho hay, bất cứ tuyên bố chính thức hay không chính thức nào do một lãnh đạo của quốc gia đưa ra đều mang tính ràng buộc đối với quốc gia đó. Bởi lẽ đó, ông nhấn mạnh Tổng thống nên hết sức thận trọng khi đưa ra tuyên bố “không có chủ quyền” đối với bãi cạn Scarborough, vùng lãnh thổ mà Philippines yêu sách chủ quyền và quyền tài phán bởi một tuyên bố như vậy có thể “chống lại Philippines trong vụ kiện tiếp theo” và như vậy, ông Duterte hoàn toàn có thể bị luận tội theo Hiến pháp nếu nhượng lại chủ quyền bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc. Nhìn lại thời điểm trước khi phiên điều trần xét xử vụ kiện Trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra, ông Carpio cho biết, phía Trung Quốc đã liên tục đưa ra đề nghị “hào phóng” về thứ họ gọi là “giải pháp đôi bên cùng có lợi” để đòi hỏi Philippines phải nhượng bộ chủ quyền của nước này trên Biển Đông.

Lo lắng trước “phong cách kỳ lạ” và “cách thức xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ của ông Duterte”, ông Antonio Carpio khẳng định đang nỗ lực hết sức để thông  tin cho Tổng thống Duterte về lập trường của mình đối với các khu vực lãnh thổ tranh chấp, đồng thời ông đã đề nghị được chuẩn bị một bài diễn thuyết trước Tổng thống trước khi diễn ra chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc ngày 20/10.

3) Đại sứ Trung Quốc “khua môi múa mép”: một giải pháp giữa hai bên đối với bãi cạn Scarborough là “hoàn toàn có thể”

Ngày 15/10, tạp chíThe Japan TimesManila Bulletinđưa tin:

Ngày 14/10, trước thềm chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa đã ngang nhiên “khua môi múa mép” rằng với việc Tổng thống Duterte “nối lại quan hệ với Trung Quốc đã đánh dấu một cú lật ngược đáng kinh ngạc trong chính sách đối ngoại của Philippines kể từ khi Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông được đưa ra”, hai bên đã hình thành “một lập trường chung” để có thể tìm ra một giải pháp nào đó đối với bãi cạn Scarborough, “vấn đề khó nhằn nhất” trong tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông nhằm hướng đến xây dựng “một vùng biển hòa bình và hợp tác”. Ông này úp mở rằng giải pháp này có thể là nhằm giải quyết “vấn đề nghề cá một cách thỏa đáng” hoặc mở ra “các cuộc thảo luận trong tương lai nhằm nối lại việc hợp tác chung đối với trữ lượng dầu khí ngoài khơi với Philippines” đã bị dừng lại vào thời điểm căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền lên cao. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì để chứng minh cho cái ông Triệu gọi là “lập trường chung” khi Bắc Kinh trước sau vẫn tìm cách tránh né và từ chối thảo luận về Phán quyết Tòa Trọng tài còn Tổng thống Philippines Duterte vẫn cam kết với người dân rằng sẽ tiếp tục tôn trọng những nội dung của Phán quyết này.

4) Học giả Trung Quốc xôn xao về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông

Ngày 15/10, tạp chí The Strait Times đưa tin:

 Trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, các học giả người Trung Quốc đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về ý nghĩa của chuyến thăm này đối với tình hình tranh chấp Biển Đông. Một số học giả “lạc quan” cho rằng, Trung Quốc sẽ “tóm được cơ hội” nhân chuyến thăm này để thúc đẩy đàm phán với Philippines. Ông Li Jinming, một chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Hạ Môn cho biết “Bắc Kinh vẫn muốn đàm phán với Philippines mà không có sự can thiệp của một quốc gia thứ ba”. Mặc dù vậy, về vấn đề quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, ông cho rằng “sẽ rất khó để Trung Quốc chấp nhận lời đề nghị của ông Duterte” (về việc cho những ngư dân này tiếp cận Scarborough) bởi “như vậy khác nào gián tiếp công nhận Phán quyết” khi nước này đã tuyên bố “không chấp nhận cũng như không thừa nhận” Phán quyết. Tiến sĩ Li Kaisheng thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải thì mong đợi Bắc Kinh có thể “lật một trang mới” đối với vấn đề Biển Đông.

Bên cạnh đó, một số học giả tỏ ra tỉnh táo hơn khi đề phòng Trung Quốc có thể sẽ “ăn dưa bở” nếu cho rằng Philippines đang thay đổi quan hệ của nước này với Mỹ. Tiến sĩ Xu Liping, chuyên gia nghiên cứu về Châu Á, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, thực ra, ông Duterte đang thực hiện chiến lược “cân bằng” giữa hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Ông Zhang Mingliang, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Đại học Tế Nam cũng đồng tình, vì dù ông Duterte tỏ thái độ chống đối Mỹ và dọa sẽ chấm dứt các cuộc tập trận với Mỹ nhưng những điểm cơ bản trong quan hệ Mỹ – Philippines sẽ không có gì thay đổi.

5) Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên tiếng khẳng định sẽ đưa vấn đề Phán quyết Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc

Ngày 16/10, các trangFox News, GMA News, The Strait Times, The Washington Post, The Rappler, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, The Japan Times… đưa tin:

Ngày 16/10, trong một cuộc họp báo tại thành phố Davao, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ đưa vấn đề Phán quyết Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông ra thảo luận với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và tuyên bố sẽ không nhượng bộ vấn đề chủ quyền hay né tránh vấn đề Phán quyết. Ông cũng khẳng định rõ ràng, không có chuyện Trung Quốc có thể tác động đến chủ quyền lãnh thổ của Philippines chỉ vì một số động thái nhanh chóng nhằm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc gây lo ngại gần đây. Trước bình luận của Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio, ông Duterte không phản đối và thừa nhận rằng những phát ngôn của ông có thể sẽ bị “luận tội” nếu “vi phạm những gì Hiến pháp không cho phép”. Bên cạnh đó, ông cho biết, Phán quyết, cũng như những nội dung trong đó sẽ được thảo luận song ông sẽ không “tìm cách mặc cả” hay “thúc ép quá đáng” cuộc thảo luận này trong chuyến thăm Trung Quốc, thay vào đó “sẽ chỉ tiếp tục tái khẳng định lập trường của Philippines”.

RELATED ARTICLES

Tin mới