Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCông chức cắp ô tiêu tốn 17.000tỷ: Ai trì trệ nhất?

Công chức cắp ô tiêu tốn 17.000tỷ: Ai trì trệ nhất?

Bà Lê Thị Thu Ba khẳng định để xảy ra tình trạng công chức cắp ô tiêu tốn 17.000 tỷ đồng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu.

Trách nhiệm người đứng đầu

Con số hiện nay ở Việt Nam có tới 30% công chức, viên chức không làm được việc, tương đương khoảng 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm theo ước tính của các chuyên gia được ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra mới đây khiến dư luận không khỏi xôn xao.  Trao đổi với Đất Việt, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH đặt ra nhiều điều nghi vấn.

Theo bà Thu Ba, cá nhân bà không bất ngờ trước thực trạng một bộ phận cán bộ công chức nhà nước cắp ô, làm việc không việc quả. Tuy nhiên cần phải làm rõ con số thống kê 700.000 cán bộ không làm được việc, tiêu tốn một khoản tiền lớn ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở nào.

“Hiện tượng công chức cắp ô là có. Nhưng tôi thấy việc đánh giá cán bộ cuối năm của chúng ta đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Rất ít trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Liệu con số 30% có chính xác hay không? Trong bối cảnh nợ công cao như vậy thì nhà nước cần phải đề ra chủ trương cải cách. Chúng ta đề cập đến việc cải cách bộ máy hành chính từ rất lâu rồi nhưng không làm được. Đó là cái trì trệ nhất”, bà Ba nhấn mạnh.

Cong chuc cap o tieu ton 17.000ty: Ai tri tre nhat?
Bà Lê Thị Thu Ba khẳng định để xảy ra tình trạng công chức cắp ô tiêu tốn 17.000 tỷ đồng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu. Ảnh minh họa

Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH để xảy ra tình trạng cán bộ cắp ô, gây lãng phí nguồn ngân sách của nhà nước thì những người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan phải chịu trách nhiệm trước chính phủ và nhân dân.

“Nhiều người nói quyết định dựa trên ý kiến của tập thể. Tôi cho rằng nói như vậy không đúng. Anh là người đứng đầu thì phải có trách nhiệm đánh giá sát cán bộ, phân công kiểm điểm đàng hoàng. Trong quá trình làm việc, lãnh đạo cơ quan biết được anh A, anh B không làm được việc thì phải yêu cầu tập thể phải đánh giá lại.

Tôi nghĩ chẳng có tập thể nào lại từ chối việc này. Có điều là người đứng đầu qua loa đại khái, không sát sao nên mới dẫn đến tình trạng như vậy. Hoặc cũng có thể người ta lợi dụng tập thể để làm những chuyện sai trái. Nếu người đứng đầu không muốn và sáng suốt, công tâm thì tập thể không thể nào thông qua dễ dàng được”, bà Ba đặt vấn đề.

Thay đổi tư duy người đứng đầu

Một vấn đề khác mà nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH đưa ra, đó là sự lúng túng của các Bộ, ngành trong vấn đề tinh giản biên chế.

Theo bà Ba, ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý khi những người đứng đầu khẳng định “vào công chức để làm giàu là rất sai lầm” nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu để chạy được một vị trí cán bộ.

Thực tế là, chúng ta nói nhiều đến giảm biên chế nhưng khi thực hiện không phải như vậy. Nhiều cơ quan làm ồ ạt một thời gian nhưng không giải quyết được triệt để vấn đề.

Lý giải tình trạng này, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng không có gì khó hiểu bởi lẽ mọi việc đều bắt nguồn từ tâm lý chung của người Việt. Muốn vào công chức để ổn định sự nghiệp, để có điều kiện thăng quan tiến chức

“Khi đã vào công chức nhà nước thì đương nhiên họ sẽ trở thành người của nhà nước. Anh muốn làm gì cũng có thế mạnh hơn chạy lông bông bên ngoài. Tiếp theo là sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về thì cũng đảm bảo đồng lương. Cứ đến hẹn lại lên lương. Không sợ thất nghiệp, không có thu nhập.

Ngoài ra dựa vào cơ quan nhà nước thì còn có tiền nọ, tiền kia, chế độ chính sách, làm các dự án để giải ngân có thu nhập.

Chỉ những người thực sự giỏi, không chịu cảnh tượng quan chức cắp ô với những đồng lương còm cõi thì người ta mới mạnh dạn đi ra ngoài làm.

Với mức lương công chức cơ bản hiện nay thì nhiều cán bộ, lãnh đạo không thể có tiền cho con đi học nước này nước nọ, mua nhà lầu xe hơi. Như vậy rõ ràng ngoài đồng lương ra thì họ còn có khoản thu nhập khác. Mà cái này thì nhà nước chưa quản lý được”, bà Ba chỉ rõ.

Từ kinh nghiệm của bản thân, bà Thu Ba nhận định, để tinh giản biên chế đạt hiệu quả, tránh tình trạng công chức nhà nước “cắp ô”, “ngồi chơi xơi nước” thì chúng ta cần phải thay đổi. Từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhà nước đến cách thức lựa chọn cán bộ.

RELATED ARTICLES

Tin mới