Tờ The Jakarta Post khẳng định Trung Quốc sẽ khó sử dụng “con bài kinh tế” để ép buộc Indonesia khi hai nước có xung đột.
Indonesia đánh chìm tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép
Cảnh giác cao độ
Indonesia đang ngày càng tỏ rõ sự cảnh giác cao đối với Trung Quốc. Quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục có những đánh giá cụ thể để đưa ra đối sách hợp lý.
Tờ The Jakarta Post nhận định Trung Quốc không còn đơn thuần sử dụng thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình”, “tấn công quyến rũ” hay “cùng thắng” đối với các nước trong khu vực cũng như thế giới mà đã chuyển sang việc sử dụng sức mạnh của mình để ức hiếp, đe dọa các nước láng giềng.
Ví dụ mới nhất cho việc này là vừa qua Trung Quốc đã đe dọa, ức hiếp Singapore khi nước này yêu cầu đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 17 diễn ra tại Venezuela ngày 17-18/9 vừa qua.
Trung Quốc còn có các hành động gây chia rẽ ASEAN, làm suy yếu vai trò trung tâm của khối này.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay ngày 12/7, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa, đồng thời tích cực vận động các nước trên toàn thế giới ủng hộ lập trường của mình, vận động một số nước ASEA) không đưa vấn đề này vào Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cũng như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29.
Hành động này của Trung Quốc đã gây lo ngại cho các nước trong khu vực cũng như quốc tế, đặt ra vấn đề đồng thuận của ASEAN trong giải quyết các vấn đề chung của khối.
Tính từ tháng 3/2016 đến nay, Trung Quốc đã 4 lần đưa các tàu cá của nước này xâm phạm đánh bắt cá trái phép trong vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia mà Trung Quốc luôn khăng khăng cho rằng thuộc “ngư trường truyền thống của mình”.
Điều đó gây quan ngại rất lớn cho Indonesia, khiến nước này phải lập tức tiến hành các hành động để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, hiện nay vì lợi ích quốc gia của mình trong quan hệ với Trung Quốc, Indonesia dường như vẫn chưa sẵn sàng trong việc đối đầu với Trung Quốc mà mới chỉ có một số động thái phòng ngừa ngăn chặn bị động.
Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Tổng thống Indonesia Jokowi cam kết thực hiện chiến lược trở thành “trung tâm hàng hải toàn cầu” của mình, muốn biến đất nước vạn đảo trở thành một cường quốc biển.
Để thực hiện chiến lược này, Indonesia cần một nguồn vốn rất lớn để xây dựng các cơ sở hạ tầng, trong đó có các hải cảng và nguồn vốn đầu tư với những lời hứa hẹn hấp dẫn từ Trung Quốc,
Tuy nhiên, có một thực tế rằng không phải các cam kết đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia đều trở thành hiện thực. Một số dự án lớn chưa thể thực hiện được do những phức tạp trong thủ tục giải ngân, đồng thời Trung Quốc đưa kèm các điều kiện về việc sử dụng lao động của mình, sử dụng các thiết bị, vật tư được vận chuyển từ Trung Quốc sang để thi công.
Sách lược lâu dài
Do đó, Indonesia cần phải tỉnh táo để có thể hoạch định được đường lối chính sách của mình, cần có chiến lược phát triển khu vực phòng thủ phía Bắc của đất nước để ngăn chặn sự xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tờ The Jakarta Post cho rằng việc cân bằng quan hệ với các nước lớn, trong khi giữ độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, duy trì các lợi ích quốc gia đang đòi hỏi Indonesia phải thể hiện vai trò tích cực hơn, có cách xử lý linh hoạt, hiệu quả hơn đối với các vấn đề khu vực quan tâm.
Điều này có nghĩa là Jakarta nên tiếp tục làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác chiến lược của mình. Trong quan hệ với Trung Quốc cần phải có sự bình đẳng, tự chủ không bị lệ thuộc, đặc biệt tránh bị ép buộc trong các điều kiện về kinh tế có liên quan đến yếu tố chính trị.
Việc cho rằng Indonesia quá cần nguồn vốn từ Trung Quốc mà quên đi các đối tác khác là không cần thiết và có thể kéo theo những hậu quả.
Trong một nghiên cứu mới được công bố năm 2016, trong quan hệ kinh tế với Indonesia, Trung Quốc thực ra được hưởng lợi nhiều hơn. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Indonesia sang thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu là các tài nguyên thiên nhiên (xuất khẩu khoáng sản đạt 5,82 tỷ USD trong năm 2010, chiếm 41,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này).
Tờ The Jakarta Post khẳng định Trung Quốc sẽ khó sử dụng “con bài kinh tế” để ép buộc Indonesia khi hai nước có xung đột.
Indonesia và các nước ASEAN không chỉ có việc hợp tác với Trung Quốc mà còn có các mối quan hệ rộng rãi về kinh tế, chính trị với các nước lớn trong khu vực cũng như trên thể giới.
Indonesia cùng với các quốc gia ASEAN khác cần linh hoạt trong xử lý các mối quan hệ đối ngoại của mình nhằm duy trì tốc độ phát triển kinh tế và bảo đảm cuộc sống của người dân.
Thông điệp cứng rắn
Từ ngày 6/10, Indonesia bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay tại quần đảo Natuna, nơi đang bị các tàu cá của Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động xâm nhập đánh bắt cá trái phép.
Cuộc tập trận kéo dài 2 tuần (6-20/10) với nội dung chính là tác chiến bảo vệ đảo của Indonesia trong tình huống bị tấn công xâm lược.
Trong cuộc tập trận này, Indonesia đã huy động 2.300 quân nhân cùng 50 máy bay chiến đấu các loại, trong đó có tiêm kích Su-27/30, tiêm kích F-16 cùng chiến đấu cơ hạng nhẹ T-50.
Đích thân Tổng thống Joko Widodo đã đến thị sát cuộc tập trận và thử cảm giác mạnh bằng cách ngồi lên khoang lái chiến đấu cơ Su-27.
Phát ngôn viên Không quân Indonesia, Jemi Trisonjaya, tuyên bố: “Chúng tôi muốn khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực. Chúng tôi sở hữu lực lượng không quân đủ mạnh để phòng vệ”.
Dù địa điểm cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển không tranh chấp với Trung Quốc nhưng việc Bắc Kinh tuyên bố 2 nước có “chủ quyền chồng lấn” tại vùng biển Natuna khiến Indonesia phải tăng cường phòng thủ ở quần đảo này.
Tuy nhiên, Indonesia chỉ khiêm tốn cho rằng cuộc tập trận khai mạc hôm 6/10 của không quân nước này tại quần đảo Natuna chỉ nhằm bảo vệ nguồn dầu khí của họ tại đây.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuyên bố: “Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi tổ chức tập trận tại vùng biển Natuna và mục đích của cuộc tập trận là để kiểm soát nguồn dầu khí và hoàn toàn không có tính khiêu khích”.
Vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở phía tây nam Biển Đông, nằm giữa bán đảo Mã Lai, đảo Kalimantan và đảo Sumatra. Đây rõ ràng là vị trí quan trọng đối với Indonesia trong chiến lược bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình cũng như kiểm soát Eo biển Sunda.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Natuna, Indonesia đã quyết định chi 35 triệu USD để hiện đại căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna.
Tờ báo Indonesia cho rằng trong tình hình phức tạp hiện nay, nước này phải có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng, tập trung mọi lực lượng, biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.