Liên doanh xe Nga- Belarus và Việt Nam sẽ sớm được hoàn thiện các thủ tục để thực hiện lắp ráp và tiến tới sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (Hiệp định VN-EAEU FTA) có hiệu lực từ ngày 5/10 vừa qua sẽ thúc đẩy các cơ hội thu hút đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh vào Việt Nam như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất năng lượng, chế tạo máy… đặc biệt là trong sản xuất ô tô.
Nghị định thư về hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam với Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus trên cơ sở vận dụng tối đa các điều khoảng vệ dự án đầu tư ưu tiên.
Theo đó, các công ty ô tô của Nga và Belarus đang gấp rút triển khai thành lập liên doanh tại Việt Nam và sớm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để liên doanh và được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch theo quy định.
Đánh giá của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho thấy, việc thành lập liên doanh nêu trên góp phần phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước nhờ chuyển giao công nghệ, trao đổi kiến thức trong các lĩnh vực KH-KT.
Dự kiến, liên doanh với Nga sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2020 là 25% đối với xe chuyên dụng, 30% đối với xe tải và xe địa hình và 35% đối với xe từ 10 chỗ trở lên và đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2025 là 40% đối với xe chuyên dụng và xe địa hình, 45% đối với xe tải và 45% đối với xe từ 10 chỗ trở lên.
Riêng Belarus cam kết tỷ lệ nội địa hóa cao hơn: Đến năm 2020 là 40% và đến năm 2026 là 60%.
Ngoài thị trường trong nước, các bên trong liên doanh còn định hướng sản xuất ô tô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là Đông Nam Á do ô tô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước ASEAN.
Hiện tại, các công ty sản xuất ô tô của Nga và Belarus đang gấp rút triển khai thành lập liên doanh tại Việt Nam và sớm hoàn thiện các thủ tục để liên doanh sau khi thành lập được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, thông tin từ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Belarus, sẽ có 2 công ty liên doanh được thành lập trên cơ sở các nhà máy hiện có tại Việt Nam để lắp ráp các bộ phận, phụ tùng của xe Belarus thành sản phẩm.
Ngành công nghiệp phụ tùng ô tô đang là lĩnh vực chủ chốt của Belarus xuất khẩu sang Việt Nam.
Để mở rộng hợp tác sản xuất, vào đầu năm nay, những chiếc xe BelAz đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam đã được đưa vào sử dụng cùng với đó là kế hoạch xuất xưởng xe buýt và xe ben Belarus.
Trước đó, Việt Nam và Nga, Belarus đã ký các Nghị định thư ô tô, nội dung cơ bản của các Nghị định về ô tô bao gồm việc các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ…) và Belarus (MAZ) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải (KAMAZ, GAZ, UAZ, MAZ), xe từ 10 chỗ trở lên (KAMAZ, MAZ), xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam với cam kết là các xe lắp ráp tại Việt Nam.
Chưa hề có giá xe ô tô UAZ chính thức
Gần đây, dư luận mạng xôn xao về bảng giá được cho là của Công ty cổ phần đầu tư và XNK ô tô Hà Nội, thương hiệu Auto K về giá bán dòng xe UAZ Patriot của Nga với mức giá 700, 800 triệu đồng.
Trong khi theo các điều kiện của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, các xe này đã được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu bằng 0% gây nên các tranh cãi trái chiều.
Bảng giá xe UAZ lan truyền trên mạng. |
Trao đổi với Đất Việt, ông Tô Đình Lâm, Giám đốc Auto K cho hay đây là thông tin chưa chính xác.
“Hiện tại tôi chưa ký một bản báo giá nào cho dòng xe UAZ sắp tới chứ chưa kể là mức giá 700- 800 triệu đồng. Nếu có bất kỳ thông tin nào về giá xe cũng phải được công khai sau khi xe về tới Việt Nam”, ông Lâm khẳng định.
Trước đó, ông Lâm cho hay, theo hạn ngạch, Auto K được nhập nguyên chiếc 350 xe hưởng thuế nhập khẩu bằng 0. Dự tính, Auto K sẽ nhập nguyên chiếc tới 500 chiếc UAZ Patriot và UAZ Pickup. Còn xe lắp ráp trong khoảng 1.500- 2.500 xe.
Dẫu được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, xe Nga khi tới tận tay người tiêu dùng vẫn phải chịu một số khoản thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), các loại phí vận chuyển, kho bãi….
Chưa kể, hết hạn ngạch xe được hưởng thuế nhập khẩu, xe Nga vẫn phải chịu các khoản thuế nhập khẩu theo quy định.