Bản tin Biển Đông ngày 18/10/2016.
Tổng thống Duterte bắt tay người dân Philippines sống ở Brunei khi ông
có mặt ở nước này trước khi lên đường đến Trung Quốc. (Ảnh: AFP)
1) Malaysia kiên định lập trường trước những ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc
Ngày 17/10, hãng Anadolu Agency đưa tin:
Ngày 17/10, trước Nghị viện Malaysia, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố các yêu sách lãnh thổ sẽ được giải quyết theo cách thức “không đối đầu” và sẽ không có thoả hiệp nào về chủ quyền dù ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đang tăng lên. Ông khẳng định, việc Trung Quốc đóng vai trò là nhà đầu tư lớn của Malaysia sẽ không phải là rào cản đối với lập trường kiên định của Malaysia về các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết trên Biển Đông. Bên cạnh đó, ông Razak cũng kêu gọi các bên cần tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) mà theo ông “chỉ có thông qua DOC, các bên mới có thể làm tốt hơn việc xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau trong vấn đề Biển Đông”. Trước đó, Malaysia cũng đã từng thể hiện ý định gây sức ép ngoại giao nhằm cảnh báo Trung Quốc về các hoạt động trên biển của nước này tại Đá Chữ Thập trên Biển Đông, cụ thể là hoạt động bay thử nghiệm và bồi đắp đảo nhân tạo đang tạo ra tình thế không có lợi và thúc đẩy nguy cơ gia tăng căng thẳng.
2) Tân Hoa xã mỉa mai chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte là “cơ hội muộn màng” để nối lại quan hệ với Bắc Kinh
Ngày 18/10, Hãng Tân Hoa xã đăng tải bài bình luận “chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte là “cơ hội muộn màng” để nối lại quan hệ với Bắc Kinh”
Trong bài báo, Hãng Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức và là cơ quan ngôn luận lớn nhất của Trung Quốc, đã lên giọng đầy mỉa mai, cho rằng “chuyến thăm đầy bất ngờ” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho thấy “thiện chí nhằm khôi phục lại mối quan hệ đã bị làm tổn hại nghiêm trọng”, bị “xuống dốc thảm hại nhất trong lịch sử” bởi “vụ kiện Trọng tài Biển Đông đáng chê cười” do người tiền nhiệm của ông Duterte khởi xướng “chống lại Trung Quốc”. Dù chưa có bằng chứng nào để khẳng định song tác giả bài báo đã sớm dành ra rất nhiều mỹ từ sáo rỗng để “ca ngợi” Tổng thống Duterte “đã biết tránh không lặp lại cách hành xử của người tiền nhiệm nhằm cấu kết với các quốc gia bên ngoài có ý đồ can thiệp, thay vào đó là đã nêu được nhu cầu đối thoại và đàm phán”, “một cách tiếp cận được cho là phù hợp với lập trường của Bắc Kinh”. Tác giả bài viết không quên vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp rằng sẽ có nhiều lợi ích nếu quan hệ hai nước được nối lại, vì đó là “thắng lợi của tất cả các quốc gia yêu chuộng hoà bình và đang trên đà phát triển, bởi nó sẽ giảm đi các căng thẳng và thúc đẩy một môi trường có lợi cho khu vực”. Tuy nhiên, bài báo vẫn lớn tiếng cảnh báo ông Duterte không được đưa Phán quyết Trọng tài ra các cuộc đàm phán song phương liên quan đến vấn đề Biển Đông vì “Phán quyết được đưa ra bởi một Toà Trọng tài “lạm dụng luật” sẽ hoàn toàn không có chỗ tồn tại trong các cuộc đàm phán”.