Tổng thống Philippines Duterte sẽ không nêu “đến cùng” phán quyết của Toà trọng tài quốc tế khi đến thăm Trung Quốc vào hôm nay, các nhà phân tích dự đoán.
Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: Inquirer
“Tôi cho rằng việc ông Duterte mới tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông là bởi ông cảm nhận được “sức nóng” của giới tinh hoa Philippines”, Ei Sun Oh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, trao đổi với VnExpress.
Tổng thống Philippines hôm 16/10 cho biết sẽ thảo luận với Trung Quốc về phán quyết của Toà trọng tài quốc tế, không mặc cả ở bất cứ đâu và tiếp tục khẳng định chủ quyền của Manila ở Biển Đông. Ông cũng đồng ý rằng có thể bị luận tội nếu nhượng bộ ở bãi cạn Scarborough như thẩm phán tòa án tối cao Philippines đã nêu.
Toà trọng tài Liên Hợp Quốc ngày 12/7 ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, trong đó bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông và cho rằng Bắc Kinh đã xâm phạm một số quyền của Manila ở bãi cạn Scarborough. Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết.
Theo Ei Sun Oh, Tổng thống Philippines phải thể hiện mình là người bảo vệ các quyền của Philippines.
Đồng tình với ý kiến này, Joseph Franco, chuyên gia của Đại học Nanyang, đánh giá dường như phát ngôn của ông Duterte chỉ mang tính chất “hướng tới người dân trong nước”. Tổng thống Philippines đã thể hiện sự nhất quán trong quan điểm rằng ông sẽ không dùng phán quyết của Toà trọng tài để “lên án” Trung Quốc. Ông sẽ không thúc ép Trung Quốc rút các lực lượng ra khỏi bãi cạn Scarborough.
“Có thể ông Duterte sẽ chỉ nhắc đến quyền đánh cá của ngư dân và kết thúc nhanh chóng. Ông sẽ không đề cập tới nó một cách dứt khoát”, Franco nói.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte đã được lên kế hoạch rõ là tập trung vào thương mại. Một nhóm đông đảo doanh nhân người Philippines gốc Hoa sẽ tháp tùng ông. Các thoả thuận được ký kết có thể là các dự án cơ sở hạ tầng và giao thông, nông nghiệp, chẳng hạn như Trung Quốc sẽ dỡ lệnh cấm nhập chuối của Philippines.
Khoảng 200 thành viên doanh nghiệp sẽ tháp tùng ông Duterte khi thăm Trung Quốc, mở đường cho cái ông gọi là liên minh thương mại mới.
Các thoả thuận về thương mại và cơ sở hạ tầng dự kiến được ký kết giữa Philippines và Trung Quốc, tái khởi động những lĩnh vực bị ngưng trệ hợp tác trong vài năm qua do tranh chấp Biển Đông.
Ei Sun Oh cho rằng tổng thống Philippines muốn truyền thông điệp “khó có thể giành phần thắng nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc” và tìm cách tiếp cận được cho là “thực tế” hơn.
“Ông ấy chỉ nêu các vấn đề chủ quyền của Philippines, và phía Trung Quốc thì dù thế nào họ cũng sẽ không nhượng bộ”, Ei Sun Oh nói.