Uy tín của Hoa Kỳ trong khu vực do chính các hành động và quyết sách của Washington quyết định, chứ chẳng có ai “giáng đòn” vào nó.
Ông Rodrigo Duterte và những người ủng hộ, ảnh: The Wall Street Journal.
The Wall Street Journal ngày 16/10 bình luận, chuyến thăm chính thức Trung Quốc 4 ngày trong tuần này của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ khiến Hoa Kỳ có thể phải thiết lập lại các tính toán chiến lược của mình ở Đông Nam Á.
Trung Quốc và Philippines đã bất hòa kể từ cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, khi Manila bị Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát bãi cạn rất giàu tài nguyên hải sản này, nơi chỉ cách căn cứ hải quân ở vịnh Subic chưa đầy 200 km.
Chính điều này đã thúc đẩy Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III gần gũi hơn với Hoa Kỳ.
Năm 2014, hai nước ký hiệp ước hợp tác quốc phòng mở rộng, cho Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự Philippines, gần những điểm nóng ở Biển Đông.
Nhưng chỉ sau khoảng 100 ngày kể từ khi nhậm chức, ông Rodrigo Duterte đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Hoa Kỳ, có khả năng phá hỏng những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các nhà ngoại giao phương Tây đóng tại Manila và giới phân tích cho biết, nước cờ “thí tốt” của ông Rodrigo Duterte là một chiến lược mạo hiểm.
Vì ông đánh cược quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ vào việc theo đuổi một mối quan hệ chưa có gì đảm bảo với Trung Quốc, cho đến gần đây vẫn được Manila xác định là mối đe dọa an ninh chủ yếu.
Ông Gregory Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ nhận định:
“Đó là một chiến thuật đàm phán lạ đời. Rodrigo Duterte đã đơn phương vứt bỏ đòn bẩy duy nhất ông có để đàm phán với Bắc Kinh – chiếc ô an ninh của Mỹ.”
Một quan chức tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Manila cho hay:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết liên minh của chúng tôi, cũng như nghĩa vụ hiệp ước. Chúng tôi hy vọng Philippines cũng làm như vậy.”
Trương Bảo Huy, một giáo sư từ Đại học Kỵ Nam, Hồng Kông được The Wall Street Journal dẫn lời cho rằng, đối với Bắc Kinh, sẽ là một món hời nếu Manila được kéo khỏi vòng tay của Washington.
Ông Rodrigo Duterte sẽ được Trung Nam Hải chào đón nồng nhiệt với đầy đủ nghi thức trang trọng.
Ông Huy dự đoán, Bắc Kinh sẽ có những nhượng bộ nhỏ về quyền đánh bắt cá để nắm lấy cơ hội vàng trong việc định hướng lại toàn bộ cục diện Biển Đông.
Đó là đánh sập một trụ cột quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông, Trương Bảo Huy bình luận.
Cái gì Rodrigo Duterte mong muốn nhận được từ Trung Quốc thì ông đã nói công khai:
Tài trợ và giúp đỡ kỹ thuật công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng tuyến đường sắt mới trên đảo Luzon và Mindanao, cho Philippines vay ưu đãi trong 25 năm để mua sắm vũ khí…
Trung Quốc đã bỏ rơi Philippines trong vài năm qua, trong khi vẫn cam kết đầu tư hàng chục tỉ USD cho các nước khác ở châu Á, những nước tham gia kế hoạch Một vành đai, một con đường của ông Tập Cận Bình.
Trong khi Mỹ chỉ trích chiến dịch chống tội phạm ma túy mà ông Rodrigo Duterte phát động, Bắc Kinh không những chẳng ý kiến gì, mà ông Đại sứ Triệu Giám Hoa còn hết lời ca ngợi Rodrigo Duterte quả là người nhân đạo.
Người viết cho rằng, ông Rodrigo Duterte lựa chọn đúng hay sai thì chỉ có người dân Philippines mới đánh giá chính xác, bởi lẽ hơn ai hết họ hiểu đâu thực sự là lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.
The Wall Street Journal tổng hợp đánh giá của giới ngoại giao và các nhà phân tích khá chuẩn xác, đã đến lúc Mỹ phải xem lại và có hiệu chỉnh phù hợp chiến lược của mình ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên theo người viết, uy tín của Hoa Kỳ trong khu vực do chính các hành động và quyết sách của Washington quyết định, chứ chẳng có ai “giáng đòn” vào nó.
Bởi vậy thay vì ngồi than phiền ông Rodrigo Duterte thế này hay thế khác, nên chăng các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ cần phải xem lại chính mình và những gì đã làm, đã nói ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng.
Cho dù có những phát ngôn gây tranh cãi, nhưng có lẽ ông Rodrigo Duterte đã nhìn thấy cốt lõi vấn đề hậu Phán quyết Trọng tài, lợi ích quốc gia cốt lõi của Philippines là gì, và làm thế nào để đạt được nó.
Khi Rodrigo Duterte quẳng cái gọi là “chiếc ô an ninh” của Mỹ sang một bên để đàm phán với Trung Quốc, thì đối tượng cần phải xem lại chính là Hoa Kỳ, không phải Philippines.
Một khi Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc duy trì vị trí đóng quân luân phiên tại Philippines trong những năm tới, thì cũng đồng nghĩa với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ sẽ còn sụt giảm.
Do đó Mỹ cần có những tính toán và hiệu chỉnh chiến lược thích hợp mới mong giữ được chỗ đứng như mong muốn ở Biển Đông.
Còn về phần Trung Quốc, cho dù Bắc Kinh đã “bắt thóp” đòn bài Mỹ của ông Rodrigo Duterte, nhưng họ sẽ vẫn chớp lấy cơ hội này để “rửa mặt” sau Phán quyết Trọng tài.
Đồng thời kéo Manila khỏi vòng tay người Mỹ cũng là điều Trung Nam Hải trông đợi từ lâu, thời cơ đã đến thì không dễ gì họ bỏ lỡ.