Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 19/10

Bản tin Biển Đông ngày 19/10

Bản tin Biển Đông ngày 19/10/2016.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc từ 18-21/10.

1) Học giả Trung Quốc ngạo mạn khẳng định: Bắc Kinh sẽ “không chấp” chuyện Duterte nêu vấn đề Biển Đông nhưng cảnh báo ông không nên “làm hỏng chuyện”, thay vào đó cần phải “cho Phán quyết vào dĩ vãng” và “gạt Phán quyết này sang một bên” trong chuyến thăm tới Trung Quốc

Ngày 18/10, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sángNhân dân Nhật báo đưa tin:

Liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Trung Quốc, theo các học giả người Trung Quốc, Trung Quốc sẽ “không chấp” việc Tổng thống Philippines Rodriogo Duterte đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra thảo luận trong chuyến thăm tới Bắc Kinh “miễn là” ông không tạo sức ép quá mạnh đối với vấn đề này, bởi điều đó “sẽ đe doạ mục tiêu đảm bảo viện trợ kinh tế và các thoả thuận mua bán của ông Duterte”.

Ông Song Junying, chuyên gia nghiên cứu về Châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc cho rằng lý do phía Trung Quốc sẽ “bỏ quá” cho ông Duterte là vì việc đề cập ngắn gọn đến vụ kiện Trọng tài Biển Đông sẽ chỉ có ảnh hưởng không đáng kể đến chuyến thăm của ông Duterte tại Bắc Kinh bởi chuyến thăm cấp Nhà nước này đã đánh dấu một chuyển biến tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho hay “nhiệm vụ chính của ông Duterte ở Bắc Kinh là khôi phục lại quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Philippines đồng thời siết chặt hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ông”. Ông Ngô, người có quan hệ gần gũi với giới cầm quyền Trung Quốc, khẳng định như đinh đóng cột, sẽ không có vấn đề gì nếu Tổng thống Duterte chỉ đưa vấn đề Phán quyết ra thảo luận “một cách tượng trưng”, nhưng cũng cảnh báo ông Duterte “không nên quá cương quyết về nó, hoặc yêu cầu tiến hành đàm phán hợp tác dựa trên Phán quyết này” vì lý do “ông hoàn toàn hiểu rằng sẽ chẳng thu được gì nếu làm vậy”. Ông Dai Fan, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Đại học Tế Nam tại Quảng Châu, cũng đồng ý rằng “không có chuyện ông Duterte đặt chân lên lãnh thổ Trung Quốc để khiến Trung Quốc phải mất mặt”.

Thậm chí, học giả Xue Li, nghiên cứu viên tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết phía Trung Quốc còn muốn Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông “cần phải được cho vào dĩ vãng càng nhanh càng tốt”.

Với thông tin từ Bộ Ngoại giao Philippines rằng sau cuộc gặp cấp Nguyên thủ, hai bên sẽ ký một tuyên bố chung tập trung vào các lĩnh vực hợp tác và chứng kiến lễ ký kết một loạt các biên bản ghi nhớ và các hiệp định về nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư và thương mại, ông Xu Liping, giảng viên Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đánh giá Tuyên bố chung này sẽ thúc đẩy cách tiếp cận của hai nước về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua hợp tác.

Ông Oh Ei Sun, giảng viên cao cấp tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang nhận định, phần lớn mục tiêu của chuyến thăm không phải là để cải thiện, mà là để “khôi phục mối quan hệ nồng ấm trước đây” giữa Trung Quốc và Philippines, cụ thể là ông Duterte sẽ tìm cách khôi phục các chương trình hợp tác kinh tế khác nhau đang bị trì trệ trong nhiều năm giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Oh vẫn lo lắng vì chưa thấy ông Duterte đưa ra hành động nhằm khẳng định những ý định khôi phục quan hệ với Trung Quốc, ít nhất là không nằm ngoài những phát biểu dường như “ủng hộ Trung Quốc” và “chống Mỹ” của ông. Tuy nhiên ông nhận định khó có khả năng Philippines sẽ cắt đứt quan hệ với Mỹ bởi lịch sử quan hệ lâu dài giữa hai nước này. Ông Xu Liping, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng dự đoán rằng Tổng thống Duterte sẽ đặt vấn đề Biển Đông sang một bên và tập trung vào hợp tác kinh tế, dù ông Duterte cũng phải “đối phó” với giới chính trị ở Manila.

 2) Tổng thống Indonesia tuyên bố muốn giữ cho Indonesia tránh xa khỏi cuộc xung đột đang ngày càng căng thẳng giữa các nước lớn ở Biển Đông

Ngày 18/10, tờ Tạp chí Phố Wall đưa tin:

Ngày 18/10, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên của Tạp chí Phố Wall tại nhà riêng nhân kỷ niệm 2 năm nắm quyền, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố muốn giữ cho Indonesia tránh xa khỏi cuộc xung đột đang ngày càng căng thẳng giữa các nước lớn ở Biển Đông để tập trung vào việc khôi phục lại các kế hoạch kinh tế lớn của mình. Ông cho biết, mặc dù còn nhiều vấn đề tồn đọng song chính quyền của ông có thể được xem là ổn định trong khu vực đang ngày càng có nhiều mâu thuẫn và bất ổn. Bên cạnh đó, ông Widodo tỏ ra không mấy lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh hiện đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra quân sự hoá ở Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại toàn cầu bởi Indonesia có mối quan hệ gần gũi với cả hai nước. Bên cạnh đó, ông khẳng định Indonesia đã luôn tìm cách hạ nhiệt các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông có liên quan đến Trung Quốc và các nước láng giềng của Indonesia, mặc dù có những căng thẳng với các tàu đánh cá và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna dồi dào các nguồn tài nguyên của Indonesia. Liên quan đến cuộc tập trận không quân lớn nhất của nước này tại khu vực quần đảo Natuna, ông Widodo khẳng định Indonesia không đưa ra thông điệp nào nhằm vào vị trí quần quần đảo nhưng chắc chắn với vấn đề chủ quyền sẽ “không bao giờ có chuyện thoả hiệp”.

3) Mỹ cần Philippines bởi vị trí chiến lược của nước này

Ngày 18/10, tờ Thời báo New York đăng tải bài viết “Mỹ cần Philippines bởi vị trí chiến lược của nước này”  của tác giả Malcolm Cook, giảng viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS – Institute of Southeast Asian Studies), Singapore và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ateneo de Manila, Philippines:

Trong bài viết, giáo sư Malcolm Cook nhận định, nếu nền chính trị riêng của Philippines dẫn tới một thay đổi nào khác nhằm tách khỏi quân đội Mỹ, điều này sẽ tạo ra nguy cơ đe doạ đến những lợi ích an ninh tối quan trọng của Mỹ. Gần đây, tác giả nhận thấy, những phát biểu của Tổng thống Duterte về khả năng chấm dứt các cuộc tập trận chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và các cuộc tập trận chung Balikatan (vai kề vai) trên Biển Đông vì “quan ngại Trung Quốc” cho thấy ông này thực sự đang có vấn đề với Mỹ, đồng minh lâu năm của nước này.Nếu những phát biểu này được coi là chính sách của Philippines, tác giả cho rằng chúng sẽ gây khó khăn cho Washington và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ.

Việc Tổng thống Duterte gần đây kêu gọi xem lại hoặc đánh giá lại Thoả thuận Hợp tác Tăng cường Quốc phòng giữa hai nước sẽ đe doạ đến những lợi ích an ninh của Mỹ. Nguyên nhân là vì các tàu được trang bị hạt nhân mới được kích hoạt gần đây của Trung Quốc đang được đặt tại đảo Hải Nam trên Biển Đông. Tên lửa trên các tàu này muốn nhắm mục tiêu tấn công vào khu vực đất liền của Mỹ cần đi qua Biển Đông và Tây Thái Bình Dương thông qua con đường thuận lợi nhất là eo biển Luzon giữa Philippines và Đài Loan. Thoả thuận Hợp tác Tăng cường Quốc phòng được ký bởi người tiền nhiệm của ông Duterte năm 2014 cho phép các lực lượng của Mỹ tiếp cận với các cơ sở quân sự của Philippines bao gồm một số vị trí chiến lược để đối phó với nguy cơ hạt nhân mới này từ Trung Quốc, và đương nhiên, nếu con đường này bị hạn chế hoặc ngưng lại, Mỹ rõ ràng sẽ không có lựa chọn thay thế nào khác.

Tuy nhiên, tác giả cho biết, các cuộc tập trận chung là nhằm xây dựng tiềm lực cho Philippines là chính vì tiềm lực của Hải quân Philippines còn tương đối yếu để có thể thực hiện các cuộc tuần tra xa bờ. Không những thế, ý tưởng mua vũ khí từ Trung Quốc và Nga của Tổng thống Duterte sẽ chỉ đem lại kết quả mang tính “biểu tượng” do ngân sách quốc phòng hạn chế của nước này, và do đó, theo giáo sư Cook, những tuyên bố này sẽ gây tổn hại cho Philippines trước tiên.

4) Tạp chí The Australian: Tổng thống Duterte cần “đặt lợi ích chiến lược lên cao nhất”

Ngày 19/10, tạp chí The Australian đăng tải bài viết “Sẽ đặt lợi ích chiến lược lên cao nhất”:

Bài báo nhận định, sẽ là “dại dột” nếu Tổng thống Philippines đưa ra quyết định thoả hiệp vai trò đồng minh lâu năm với phương Tây của nước này và sự ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông. Mặc dù Philippines đã trở thành quốc gia đi đầu trong việc đưa vụ kiện Biển Đông ra Toà Trọng tài quốc tế nhằm lên án các yêu sách lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc, tác giả bài báo vẫn bày tỏ sự lo ngại lớn đối với những quyết định mới của Tổng thống Rodrigo Duterte với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, đồng thời cảnh báo một loạt âm mưu mới của phía Trung Quốc đang nhắm đến. Rõ ràng, phía nước này đang nhăm nhe muốn Manila thay đổi lập trường của Philippines trong vấn đề Biển Đông bằng cách yêu cầu nước này từ bỏ các hiệp ước cho phép Mỹ tiếp cận với 5 cơ sở quân sự ở Philippines, “cánh tay đắc lực” của chính quyền Obama nhằm xoay trục sang Châu Á hay đòi hỏi Manila ngăn Mỹ sử dụng căn cứ không quân trên đảo Palawan, gần khu vực Trường Sa nơi Trung Quốc đang có 3 căn cứ quân sự và là vị trí quan trọng đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đang sốt sắng muốn đạt được “thoả thuận” với ông Duterte về bãi cạn Scarborough để có thể công nhận chủ quyền của Bắc Kinh với cấu trúc này, đổi lấy quyền đánh cá cho các ngư dân Philippines. Tuy nhiên, bài báo kêu gọi tất cả các quốc gia cần tôn trọng luật pháp quốc tế bởi đó là nhu cầu cấp bách hiện nay ở Biển Đông, và cũng là điều ông Duterte cần hướng tới trong chuyến thăm đến Trung Quốc thay vì cân nhắc đưa ra bất kỳ quyết định nào nhằm “thoả hiệp các lợi ích chiến lược của Manila”.

5) Indonesia khởi động cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông

Ngày 19/10, tờ Khmer Times đưa tin:

Ngày 18/10, các máy bay chiến đấu của Indonesia đã bắt đầu triển khai cuộc tập trận quy mô lớn ở khu vực rìa Biển Đông khiến những bất ổn khu vực ngày càng gia tăng sau khi mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ có một số thay đổi lớn gần đây. Ông Gatot Nurmantyo, Tư lệnh Không quân Quốc gia Indonesia, cho biết: “Chính sách của Tổng thống Joko Widodo là tất cả các đảo ngoài khơi đều có vị trí chiến lược và cần được tăng cường, trên không, trên biển hay trên đất liền” để “bảo vệ toàn bộ lãnh thổ đất nước”. Tại thành phố Ranai, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết cuộc tập trận “mang tính thường xuyên” song đây lại là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến giờ tiếp sau cuộc họp Nội các Indonesia do Tổng thống Widodo chủ trì hồi tháng 6 trên một tàu chiến ngoài khu vực quần đảo Natuna. Theo các quan chức của Indonesia, chuyến thăm của Tổng thống Widodo tới quần đảo Natuna trong đợt này là nhằm gửi đến Trung Quốc một thông điệp mạnh mẽ sau khi hải quân Indonesia và các tàu đánh cá xảy ra va chạm tại khu vực giàu khí gas ở cực Nam Biển Đông. Một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích nhận định, thậm chí trước khi cuộc tập trận diễn ra, những sự kiện gần đây đã cho thấy những quan ngại nhất định về hiện trạng ở Biển Đông, với hành động của một số nước nhằm củng cố lập trường kiên quyết từ trước và một số khác đang có chiều hướng “xoay về Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới