Ngày 11/10, hơn 1.000 cựu quân nhân Trung Quốc mặc quân phục màu xanh đã tập trung bên ngoài Lầu Bát Nhất, trụ sở Bộ quốc phòng nước này, để biểu tình.
Các cựu binh Trung Quốc biểu tình ở gần trụ sở Bộ quốc phòng Trung Quốc ngày 11/10. (Ảnh: AP)
AP cho biết, hơn 1.000 cựu chiến binh không thể chịu đựng mức lương hưu ít ỏi.
Một quân nhân đã về hưu đến từ Hồ Nam, Yu Shuiping trao đổi với phóng viên hãng AP (Mỹ) rằng họ muốn có được đãi ngộ tốt hơn từ phía chính phủ.
Trong những năm qua ông Yu đã cố gắng kiến nghị lên chính quyền, yêu cầu được hưởng phúc lợi nhiều hơn.
Vụ biểu tình vây quanh Lầu Bát Nhất hôm 11 diễn ra ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, nơi mà những hành động như vậy là cực kỳ hiếm.
Bắc Kinh đau đầu quản lý cựu chiến binh và người lao động bị sa thải
Đằng sau hàng rào an ninh nghiêm ngặt của chính quyền là nỗi ám ảnh về những hành động trên đường phố của người lao động bị sa thải, từ lâu đã đeo bám các nhà lãnh đạo bên trong Trung Nam Hải.
Tiếp nối làn sóng biểu tình của công nhân vào đầu thập niên 2000, Trung Quốc phải đối mặt với một vòng luẩn quẩn mới khi các mỏ than, các nhà máy thép và các doanh nghiệp nhà nước sa thải nhân viên.
Theo ABC News, các hành động phản đối của cựu chiến binh Trung Quốc đã diễn ra từ lâu và kéo dài trong nhiều thập kỷ, nhưng nay được biết đến nhiều hơn nhờ truyền thông và mạng xã hội.
Chính phủ nước này tiến hành kiểm duyệt thông tin, còn các cựu binh rất miễn cưỡng thảo luận về cảnh ngộ với báo giới nước ngoài do sợ bị kết tội “bất trung”.
Cho đến nay, nỗ lực đòi quyền lợi của giới cựu binh không thu được nhiều kết quả. Phản ứng của trung ương là đẩy trách nhiệm giải quyết xuống các cấp chính quyền địa phương. Địa phương sau đó không đưa ra giải pháp nào.
Neil Diamant – Giáo sư về luật châu Á thuộc Đại học Dickinson, bang Pennsylvania, Mỹ – cho hay, nhà chức trách Trung Quốc đã hành động để đáp ứng yêu cầu của một bộ phận cựu quân nhân, qua đó ngăn cản việc giới cựu binh hình thành một “chiến tuyến thống nhất”.
Ông cho biết, chính quyền cũng bắt giữ các lãnh đạo cựu binh, xâm nhập vào các nhóm biểu tình, theo dõi và giám sát sự giao lưu của họ, và nếu cần thiết, sẽ bắt giữ một số lượng lớn người dân tham gia biểu tình.
Diamantl nói: “Tôi đoán họ (chính phủ Trung Quốc) chỉ định trì hoãn thời gian và hy vọng các cựu chiến binh tuổi già sức yếu, không thể làm được bất cứ điều gì.”
Yu Shuiping nói với AP: “Chúng tôi từng vì quân đội mà chiến đấu và phục vụ, bây giờ chúng tôi chỉ hy vọng rằng chính phủ sẽ không quá khắc nghiệt với chúng tôi.” Ông không tham gia vào cuộc biểu tình gần đây tại Bắc Kinh.
Mặc dù các cựu chiến binh từng được giao cho công việc tại các doanh nghiệp nhà nước, nhưng bây giờ những chính sách như vậy là không thể. Với sự suy thoái kinh tế, sự thắt chặt của thị trường việc làm, khu vực tư nhân cũng chưa chắc đủ khả năng thu nhận đội ngũ lao động đông đảo như thế.
Trong khi tìm việc làm đang đặt ra những thách thức, đối với các cựu chiến binh lớn tuổi như Yu, lương hưu và trợ cấp mới là mối quan tâm chính.
Quân đội lớn nhất thế giới không có cơ quan giải quyết các vấn đề cựu chiến binh
Mặc dù sở hữu lực lượng quân sự thường trực lớn nhất thế giới với 2,3 triệu binh sĩ, nhưng nếu Mỹ có Bộ giải quyết các vấn đề của Cựu chiến binh và quân nhân giải ngũ, ở Trung Quốc không có cơ quan nào như vậy.
Mỹ có cơ quan chuyên trách thuộc chính phủ có nhiệm vụ xử lý và giải quyết các vấn đề quân nhân giải ngũ, về hưu.
Còn tại Trung Quốc, các khoản trợ cấp tiền mặt do chính quyền địa phương phụ trách có nhiệm vụ đảm bảo phúc lợi cho các cựu chiến binh, điều đó đã dẫn đến sự đãi ngộ rất khác nhau giữa 2 nước.
Mặc dù hiện nay Bắc Kinh tuyên bố là thu nhập của cựu chiến binh cao hơn đôi chút so với thu nhập bình quân tại quê hương của họ, nhưng trên thực tế thường không phải như vậy.
Yu Shuiping nói rằng ở các khu vực nông thôn, hầu hết cựu chiến binh chỉ nhận được 400 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng hơn 1,3 triệu VNĐ).
Con số này không bằng 1/6 thu nhập bình quân tháng của những người làm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp – khoảng gần 32.000 nhân dân tệ/năm, thấp nhất trong bảng số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc về thu nhập bình quân các ngành nghề năm 2015.
“Cư dân sống nơi đô thị với mức trợ cấp như vậy tạo một sự chênh lệch rất lớn. Chính quyền cần căn cứ vào nơi họ sống để cung cấp điều kiện thiết thực hơn, cân đối với mức thu nhập bình quân của người dân địa phương,” ông Yu nói.
ABC News cho hay, do thiếu các thông tin tập trung và thống nhất nên rất khó xác định các cựu chiến binh hiện đang nhận lương hưu như thế nào, kể cả những người tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hay chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962.
Các cơ chế của địa phương và bản chất của hệ thống chính quyền cũng ngăn cản các số liệu thống kê thống nhất về những gì các chính phủ chi vào chính sách đãi ngộ đối với cựu quân nhân.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng mạnh và đạt 146 tỷ USD trong năm nay, biến Trung Quốc thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai sau Mỹ, bao gồm các chi phí đáng kể để bảo đảm phúc lợi cho các quân nhân đang phục vụ.
Đãi ngộ kém đối với các cựu binh tác động xấu đến nỗ lực tuyển dụng tân binh chất lượng cao của quân đội Trung Quốc. Đây là lý do nhà chức trách không phản ứng quá mạnh tay đối với các cựu quân nhân biểu tình, bởi tinh thần ổn định trong quân đội là một trong những mối lo ngại lớn nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình.