Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh mới đây cho biết, quân đội nước này có kế hoạch mua máy bay chiến đấu của Trung Quốc trong dài hạn.
Tiêm kích F-7PG – Biến thể hiện đại hóa của MiG-21 do Trung Quốc sản xuất
Như vậy đây là diễn biến tiếp theo sau khi quốc gia Đông Nam Á này cho biết họ mong muốn được tiếp nhận hệ thống phòng không tầm xa cùng tàu hộ vệ tên lửa cỡ lớn do Trung Quốc sản xuất.
Mặc dù vẫn chỉ là kế hoạch trong dài hạn nhưng có thể nói gần như chắc chắn điều này sẽ diễn ra, với tư cách là đồng minh thân cận của Trung Quốc tại châu Á, thường xuyên ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế, Campuchia đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng nguồn lực từ “người anh” hùng mạnh nhằm hiện đại hóa sức mạnh quân đội của mình.
Khi chính thức triển khai dự định trên, Không quân Campuchia sẽ được trang bị loại tiêm kích nào do Trung Quốc sản xuất?
Với trình độ và tiềm lực (cả tài chính lẫn khoa học kỹ thuật) còn hạn chế của mình, Không quân Campuchia khó mà đủ khả năng vận hành tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng, phù hợp với họ chỉ có thể là dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ mà thôi.
Hiện tại Không quân Trung Quốc (PLAAF) đang có 3 loại tiêm kích hạng nhẹ đáng chú ý là J-10, JF-17 và F-7G.
Tuy nhiên J-10 đang là “con cưng” của PLAAF, nước này chưa có ý định xuất khẩu kể cả cho đồng minh thân cận như Pakistan. F-7G – chiếc tiêm kích tỏ ra phù hợp nhất với Campuchia (do họ đã có kinh nghiệm vận hành dòng MiG-21) thì lại sắp bị ngừng sản xuất trong khi Phnom Penh chưa định sớm đặt hàng.
Với những lý do trên, ứng viên duy nhất còn lại, có thể sẽ xuất hiện trong biên chế Không quân Hoàng gia Campuchia chính là JF-17.
Tiêm kích đa năng một chỗ ngồi thế hệ 4 JF-17 Thunder (FC-1Xiaolong) là sản phẩm hợp tác Trung Quốc – Pakistan, được thiết kế như một máy bay chiến đấu có chi phí thấp mà vẫn đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của tác chiến hiện đại.
JF-17 được trang bị động cơ RD-93 (biến thể của RD-33 lắp trên MiG-29) có lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội khoảng 8.300 kg, giúp máy bay đạt tốc độ lớn nhất Mach 1,8; tầm hoạt động 3.000 km.
Radar KLJ-7 của JF-17 do Viện Nghiên cứu Công nghệ Điện tử Nam Kinh chế tạo, có tầm phát hiện tối đa đối với mục tiêu trên không/trên biển là 75/135 km, theo dõi được 10 đối tượng và điều khiển vũ khí tấn công 2 mục tiêu cùng lúc.
Trọng lượng vũ khí mà JF-17 mang theo đạt tới 3,6 tấn, phân bổ trên 7 giá treo nằm ở cánh và thân. Đặc biệt, máy bay có giá khá rẻ khi so sánh với các chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ khác.
Mặc dù so sánh với những tiêm kích hiện đại đang có mặt tại Đông Nam Á như Su-30MK, F-15SG, F-16 Block 52 Plus hay JAS 39C/D… thì JF-17 Thunder vẫn còn thua kém xa, tuy nhiên chiếc chiến đấu cơ do Trung Quốc sản xuất này vẫn sẽ giúp Không quân Hoàng gia Campuchia vươn lên trở thành một lực lượng không thể xem thường.