Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành những chuyến thị sát quân đội “dồn dập bất thường” – theo Nikkei (Nhật Bản).
(Ảnh: Pete Marovich/Bloomberg)
Dồn dập thị sát quân đội
Ông Tập khởi động các cuộc thị sát vài ngày trước khi ông rời Bắc Kinh đến Hàng Châu dự hội nghị thượng đỉnh G20 (4-5/9).
Ngày 29/8, ông tới thăm Lực lượng hỗ trợ chiến lược, các đơn vị mới thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được thành lập trong cuộc cải tổ quân đội. Đây được coi là “lực lượng tương lai” của PLA.
Lực lượng này gồm 3 đơn vị: Chiến tranh mạng, không gian và điện tử; được kỳ vọng đóng vai trò trọng yếu trong cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh với Mỹ ở biển Đông và các khu vực có khả năng xảy ra xung đột xung quanh Trung Quốc.
Ngày 13/9, Tập Cận Bình tham dự lễ chào mừng thành lập Cục chi viện hậu cần liên hợp, một cơ quan trực thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc.
Cục này là cơ quan thay thế cho Tổng cục hậu cần cũ, vốn đã gần như rệu rã từ sau vụ Phó tổng cục trưởng Cốc Tuấn Sơn bị “ngã ngựa” vào tháng 2/2012.
Ngày 26/9, ông Tập thanh tra Lực lượng tên lửa mới thành lập, mà tiền thân là Quân đoàn Pháo binh số 2. Đây là lực lượng được Trung Quốc kỳ vọng đóng vai trò tiên phong trong chiến tranh hiện đại, bên cạnh Lực lượng hỗ trợ chiến lược và “ngang cơ” với lục quân, hải quân, không quân PLA.
Trên trang nhất tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương Trung Quốc, ngày 11/10 đăng thông tin về một hội nghị của tất cả các đơn vị quân đội ở Bắc Kinh trước đó một ngày.
Ông Tập Cận Bình không dự hội nghị, nhưng đã thông qua nghị trình về vấn đề loại bỏ ảnh hưởng xấu từ hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy đã “ngã ngựa”, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Sự chống đối có thật
Bài phân tích của Nikkei ngày 14/10 cho hay, bên cạnh các quan chức trong ngành công an và quân đội, một bộ phận lớn quan chức nhà nước Trung Quốc vẫn chống đối bất chấp sức ép liên tục từ chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình.
Nikkei dẫn chứng một sự kiện phản ánh sự “đối lập” của các cấp dưới chống lại nhà lãnh đạo: Một học giả nổi tiếng Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị quốc tế, mới đây đã khiến dư luận giật mình khi thẳng thắn phân tích các vấn đề chính trị trong nước ở một diễn đàn nhỏ.
Dựa trên bài diễn thuyết, tác giả sau đó đăng tải bài phân tích nhạy cảm với tiêu đề “Tập Cận Bình đối mặt với sự phản kháng nhẹ”. Bài viết nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên các trang mạng ở Trung Quốc.
Theo bài viết này, ông Tập giành được sự ủng hộ của phần đông người dân phổ thông nhờ khởi động cuộc chiến chống tham nhũng “đả hộ diệt ruồi” rất quyết liệt sau khi lên cầm quyền cuối năm 2012. Uy tín của ông trở nên quá lớn khiến các nhóm bất mãn cũng phải chấp nhận “cúi đầu”.
Nhưng tình hình đã thay đổi gần như hoàn toàn vào năm 2015. Các chỉ thị của Tập Cận Bình, bao gồm mệnh lệnh về chống tham nhũng, dường như “đàn gảy tai trâu”. Khi các quan chức tham nhũng trở nên “nhờn thuốc”, nền kinh tế Trung Quốc không tìm thấy lối thoát, ngoài tiếp tục… lao dốc.
Chỉ vài giờ sau khi xuất bản, bài viết đã bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc xóa bỏ, cho thấy nhà chức trách thực sự lo ngại công chúng biết về “những khó khăn chính trị” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhà lãnh đạo đơn độc
Nikkei bình luận, hiển nhiên Tập Cận Bình đang phải chống chọi với một cuộc đối đầu chính trị khó khăn trong 2-3 năm qua.
Dù đã hành động cứng rắn với 2 “vũ khí khủng” là chiến dịch “đả hổ” và cuộc cải tổ PLA, ông vẫn ở trong tình trạng nguy hiểm với những thách thức chưa được giải quyết.
Trước thềm cuộc chuyển tiếp quyền lực ở Đại hội toàn quốc khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu 2017, ông Tập không được phép mất cảnh giác trước sự chây ỳ của bộ máy quan liêu, nền kinh tế bất ổn và tiếng nói trái chiều từ các bậc lão thành trong đảng.
Theo Nikkei, các chuyến thị sát quân đội “dồn dập” trong tháng 9, hay mới đây nhất là việc hai Phó chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long, Hứa Kỳ Lượng tỏ lòng trung thành với ông Tập ở hội nghị ngày 10/10, được xem là phản ánh tham vọng củng cố quyền lực trước những phe chống đối.
Cuộc chơi “kéo co” được đánh giá là sẽ rất căng thẳng ở “sau cánh gà”, khi cả Tập Cận Bình và các đối thủ đều tìm cách giành phần trong ban lãnh đạo mới được chọn ra sau Đại hội 19. Câu hỏi là liệu ông có đủ khả năng xây dựng “đội hình thi đấu” như mong muốn?
Đáp án còn ở xa, nhưng để trả lời câu hỏi này, Tập Cận Bình bắt buộc phải duy trì được sự ủng hộ của quân đội trong quãng thời gian 1 năm đầy nhạy cảm trước mắt.
Điều đó có thể đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh, như mong muốn của giới quân sự, qua đó làm gia tăng nguy cơ bất ổn cho phần còn lại của thế giới.