Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinPhản ứng của Nga về không đặt căn cứ quân sự ở...

Phản ứng của Nga về không đặt căn cứ quân sự ở Cam Ranh

Các tờ báo, trang tin của Nga có nhiều cách phản ứng khác nhau sau tuyên bố ngày 13/10 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, khẳng định Việt Nam không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam.

Một phần cảng Cam Ranh.

Trong cuộc họp báo ngày 13/10 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trả lời câu hỏi liên quan việc truyền thông Nga nói nước này đang cân nhắc việc quay trở lại Cam Ranh, phản ứng của Việt Nam về vấn đề này cũng như Việt Nam có khả năng cho phép các nước mở căn cứ quân sự ở Cam Ranh không.

Nội dung câu trả lời của ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng; phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Trong thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Liên bang Nga cũng như với các đối tác lớn khác trên thế giới đang có những bước phát triển rất mạnh mẽ.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba và không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam”.

Chủ đề Cam Ranh đang được quan tâm do ngày 7/10 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov có phát biểu ngụ ý nước này đang xem xét quay trở lại các căn cứ quân sự cũ ở Việt Nam và Cuba.

Vì vậy, nhiều tờ báo, trang tin Nga nhanh chóng đăng bài viết về phát ngôn của ông Lê Hải Bình, trong đó có nhiều cách giật tít khác nhau.

Có các tít trung tính, phản ánh đúng bản chất phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam như: ‘Việt Nam: Chúng tôi không cho phép ai đặt căn cứ quân sự’ của trang rusnext.ru, ‘Chính quyền Việt Nam không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình’ của các trang www.pnp.ru, vz.ru…)…

Tuy nhiên, cũng có nhiều trang giật tít theo chiều hướng kích động như: ‘Người ta không cho Nga vào Cam Ranh’ trên gazeta.ru, ‘Việt Nam phá vỡ kế hoạch của Nga khôi phục căn cứ quân sự ở Cam Ranh’ của Newsru.com, ‘Việt Nam không cho Nga quay lại Cam Ranh’ của Vesti.ru hay ‘Việt Nam không cho Nga đặt căn cứ quân sự’ trên pravda-tv.ru…

Theo dõi bình luận dưới các bài báo giật tít liên quan đến Việt Nam – Nga và Cam Ranh như trên, có thể thấy, nhiều độc giả Nga dường như ‘mù mịt’ về quan hệ giữa hai nước và cho rằng phát ngôn ngày 13/10 là quan điểm mới của Việt Nam về Cam Ranh.

Từ đó xuất hiện khá nhiều bình luận khiếm nhã trên các bài báo, thậm chí coi đó là ‘đòn đánh từ sau lưng’.

Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ báo chí Nga và Việt Nam trong các năm qua, bất kỳ ai cũng có thể thấy quan điểm của Việt Nam về Cam Ranh là nhất quán.

Năm 2012,  trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói nước Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đó đã khẳng định: “Chính quyền Việt Nam có thể yêu cầu Nga lập Điểm bảo đảm hậu cần kĩ thuật (PMTO) ở cảng Cam Ranh, tuy nhiên, không một quốc gia nào có thể thiết lập căn cứ quân sự ở đây”.

Như vậy, Việt Nam đã khẳng định rõ ràng quan điểm của mình từ cách đây 4 năm.

Liên quan vấn đề này, chuyên gia Anton Tsvetov từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược Nga, ngay tối 13/10 cũng cho rằng: “Theo tôi, Nga sẽ không có phản ứng chính thức về tuyên bố của ông Lê Hải Bình, bởi quan điểm của Việt Nam về căn cứ quân sự ở Cam Ranh đã rõ từ lâu”.

Có thể nói, chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như quan điểm về Cam Ranh đã rõ từ lâu, do đó phát biểu trong cuộc họp ngày 13/10 của ông Lê Hải Bình chỉ là nhắc lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới