Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 21/10

Bản tin Biển Đông ngày 21/10

Bản tin Biển Đông ngày 21/10/2016.

Tàu cá Trung Quốc ra khơi từ tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc.

1. Bí mật của Trung Quốc ở Biển Đông: Lệnh đánh cá

Ngày 20/10, tạp chí Nikkei đăng tải bài viết “Bí mật ở Biển Đông: Lệnh đánh cá” của tác giả Robert A. Manning, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm An ninh quốc tế Brent Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương và chương trình Sáng kiến Tầm nhìn Chiến lược:

Trong bài viết, tác giả Robert A. Manning khẳng định, bên cạnh mưu đồ xây dựng hình ảnh cường quốc biển, thiết lập vị trí độc tôn ở Đông Á và chứng minh cho khu vực thấy rằng Mỹ không thể kiềm chế được hành động của mình, mục tiêu thực sự trong chính sách biển của Trung Quốc, đằng sau những hành động hiếu chiến, cương quyết nhằm khẳng định các yêu sách mơ hồ đối với toàn bộ Biển Đông, lại là nguồn lợi về cá.

Ông Manning cho biết, việc Trung Quốc gần đây đang khuyến khích ngư dân đánh bắt khu vực ngoài thuộc phạm vi lãnh thổ, cụ thể là ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, xuất phát từ nguyên chính là tình trạng đánh bắt quá mức của nước này trong vùng nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, cùng các yếu tố khác là ô nhiễm môi trường, thị hiếu khách hàng đã khiến nguồn cá bị suy giảm nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố toàn bộ khu vực nằm ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý là “ngư trường đánh bắt truyền thống của người Trung Quốc”, một yêu sách “đầy tính ngụy biện” mới bị bởi Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc hồi tháng 7 bác bỏ hoàn toàn. Chính sách nhằm vào việc “bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông” thông qua hoạt động nghề cá được biểu hiện rõ nhất trong tuyên bố của Tập Cận Bình tại tỉnh Hải Nam năm 2013 và đề xuất của các quan chức tỉnh Sơn Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây.

 Tuy nhiên, ông Manning cho rằng, sự quyết đoán này lại nhiều phần tỏ ra phản tác dụng. Trên thực tế, hành động quyết đoán trên biển này của Trung Quốc cũng đang gây ra lo ngại đối với các nước trong khu vực về vấn đề môi trường và tranh chấp lãnh thổ, ví dụ như Indonesia và Hàn Quốc.Không những làm tổn hại đến chính ngư trường cá của mình, chính sách biển của Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngư trường của khu vực và thậm chí cả toàn cầu, theo tính toán của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, sự quyết đoán này còn làm gia tăng thêm nhiều tranh chấp trên biển và khiến các nước trong khu vực tập trung nhiều hơn vào chiến lược “phòng bị nước đôi” do ngày càng lo ngại về ý định của nước này. Ngoài ra, tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng dẫn đến những hệ quả tiêu cực về mặt kinh tế cho chính Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng bất chấp luật lệ quốc tế, tác giả kêu gọi Trung Quốc cần có hành động nhằm hạ nhiệt căng thẳng, khôi phục hình ảnh đất nước và đảm bảo cho mọi ngư dân được hoạt động lâu dài trong khu vực. Một đề xuất được tác giả nêu ra đó là Trung Quốc cần cùng với Mỹ triển khai các cuộc đàm phán trong khuôn khổ của Liên hợp quốc hoặc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để ký kết một thỏa thuận xác định quy chế đánh cá và phân định rõ các quyền đánh cá ở Biển Đông.

2. Trung Quốc đưa quân trái phép lên đảo Phú Lâm

Ngày 20/10, hãng UPI đưa tin:

Ngày 20/10, theo thông tin từ tờ Nhật Báo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA Daily), quân đội Trung Quốc chính thức xác nhận đã đưa các phi công lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông, cho dù trước đó ông Tập Cận Bình đã từng tuyên bố một cách quả quyết là nước này không theo đuổi hoạt động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Phía quân đội Trung Quốc cũng tiết lộ thêm, lực lượng không quân thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có nhiệm vụ giám sát mọi hoạt động gần khu vực Hoàng Sa từ vị trí đảo Phú Lâm. Trước đó, hồi tháng 2, hãng tin Fox News đã tung ra các hình ảnh vệ tinh tố cáo quân đội Trung Quốc âm thầm triển khai hệ thống tên lửa đất đối không, hệ thống phòng không HQ-9 trên Hoàng Sa.

3. Thời báo Hoàn cầu cáo buộc Mỹ “khó chịu” quan hệ Philippines – Trung Quốc

Ngày 21/10, tờThời báo Hoàn cầu đăng tải bài bình luận “Vì cớ gì mà Mỹ lại tỏ ra khó chịu trước việc Bắc Kinh – Manila khôi phục quan hệ?”:

Trong bài bình luận này, tác giả bài báo đã cáo buộc một cách vô cớ rằng Mỹ đang có động thái “bất mãn” với Trung Quốc, cũng như với việc Trung Quốc và Philippines khôi phục quan hệ song phương gần đây. Để thêm phần mỉa mai, người viết cho hay Mỹ “đang đố kỵ ra mặt” với việc Trung Quốc đã “ổn định được tình hình” nhờ nối lại được quan hệ với Philippines “sau cuộc xung đột lên cao do tranh chấp trên biển” mà đáng lẽ “Mỹ phải cảm thấy vui vì điều đó”. Không những thế, người viết bài báo này còn cố tình “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách lôi việc khôi phục quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc ra để cáo buộc Mỹ “đang tìm cách kiểm soát trật tự khu vực và sử dụng “các quy tắc” để kiềm chế Trung Quốc”; tiếp tục dùng chiêu bài tuyên truyền nhằm “tranh thủ” bôi nhọ chính sách về Biển Đông, cũng như chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ, qua đó tố ngược lại phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter rằng “Trung Quốc đôi khi đã chơi theo luật của riêng mình và xem nhẹ những nguyên tắc của khu vực”. Cụ thể, bài báo chỉ trích Mỹ mới là bên tìm cách dùng “những luật lệ và quy tắc để thực hiện vai trò lãnh đạo”, “gây sức ép với Philippines để một lần nữa chống lại Trung Quốc”, nhạo báng Mỹ “dù đang mất dần lợi thế về sức mạnh nhưng vẫn còn tỏ ra quá nhạy cảm và ảo tưởng về bá quyền đến cực đoan”.

RELATED ARTICLES

Tin mới