Chính phủ Nhật Bản có thể công nhận chủ quyền thuộc Nga đối với hai trong số bốn hòn đảo tranh chấp thuộc quần đảo Nam Kuril (Nhật bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc).
Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Nga Putin.
Thông tin trên được hãng tin Kyodo, Nhật Bản dẫn nguồn tin trong chính phủ nước này, đưa ra.
Theo đó, Tokyo hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc ký kết Hiệp ước hòa bình Nga – Nhật về tranh chấp lãnh thổ, và trước chuyến thăm vào tháng 12/2016 của Vladimir Putin đến Nhật Bản sẽ “xem xét chiến lược đàm phán” về hiệp ước này.
Theo quan điểm mới của chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe, Tokyo có thể đề nghị Moscow nắm giữ chủ quyền đối với hai hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo đang tranh chấp Nam Kuril.
Theo thông cáo của chính phủ Nhật Bản, chính phủ nước này sẵn sàng không đòi chủ quyền đối với bốn hòn đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp Nam Kuril trong các cuộc đàm phán với phía Nga, bởi vì quan điểm này, theo phía Nhật Bản, có thể làm cho các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Nhật không đi vào bế tắc.
Trước đó, quan điểm chính thức của phía Nhật Bản, là bốn hòn đảo Kunashir, Shikotan, Etorofu và Habomai (thuộc quần đảo Nam Kuril) là đất có nguồn gốc Nhật Bản, giờ đây Nhật Bản sẵn sàng đi đến nhượng bộ quan trọng nhằm tìm lối thoát cho các cuộc đàm phán với Nga về một Hiệp ước hòa bình.
Hơn nữa, theo Kyoto, Tokyo sẵn sàng từ bỏ cụm từ “trở lại” của các đảo, bằng cụm từ thay thế nhẹ nhàng hơn “chuyển giao”.
Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông loan tin rằng Nhật Bản sẵn sàng đề nghị Nga kiểm soát chung quần đảo Nam Kuril.
Báo Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 17/10 đưa tin nước này đang cân nhắc việc đề xuất quản lý chung các đảo tranh chấp ở Vùng lãnh thổ phương Bắc (mà phía Nga đang kiểm soát và gọi là Nam Kuril) với kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề đang gây cản trở quan hệ song phương trong suốt 70 năm qua.
Báo trên dẫn các nguồn thạo tin quan hệ song phương cho hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng sẽ thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin khi hai lãnh đạo gặp nhau vào ngày 15/12 tới tại Nhật Bản để khởi động các cuộc đàm phán về đề xuất trên.
Vụ tranh chấp chủ quyền liên quan tới 4 đảo ngoài khơi Hokkaido này từng ngăn cản Tokyo và Moscow ký một Hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt cuộc chiến mà hai bên tham gia trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Lâu nay, Nhật Bản vẫn yêu cầu cần giải quyết vấn đề chủ quyền của quần đảo trước khi ký hiệp ước hòa bình, song một số chính trị gia và chuyên gia cho rằng ông Abe có thể thay đổi lộ trình khi Thủ tướng từng cam kết sẽ có “các tiếp cận mới” đối với vấn đề này.