Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐàm luậnBa tranh chấp và ba mục tiêu: TQ và Biển Đông (Kỳ...

Ba tranh chấp và ba mục tiêu: TQ và Biển Đông (Kỳ II)

Một số học giả và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc xem đường chữ U như một sự tuyên bố xác nhận chủ quyền trên tất cả các đảo, bãi đá, cồn cát, san hô và thuộc tính đất khác khắp vùng biển của Biển Đông, và đối với bất cứ điểm đất liền nào, và cho đến giới hạn mà luật biển quốc tế cho phép các quốc gia ven biển được yêu sách dựa trên chủ quyền đối với các hòn đảo với kích thước nhỏ bé này.

Mưu đồ của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

II. Tuyên bố chủ quyền đối với đảo

Nhìn bề ngoài, tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối các đảo và phạm vi quyền tài phán bắt nguồn từ luật này là hợp pháp bởi vì chúng tuân thủ những quy định chung của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển và các khía cạnh khác của luật biển. Tuy nhiên, một loạt các vấn đề cơ bản làm suy yếu những yêu sách của Trung Quốc, bao gồm một thực tế là Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan đều tuyên bố xác lập chủ quyền đối với một vài hoặc tất cả các đảo ở Biển Đông. Từ sự cố Mischief Reef (Đá vành khăn) năm 1995 giữa Trung Quốc và Philippines, các bên nguyên đơn đều trong trạng thái tĩnh, mỗi bên chiếm một số điểm.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng chiếm giữ và quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, mặc dù Việt Nam vẫn duy trì việc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Trường Sa là một trường hợp phức tạp ở nhiều khía cạnh. Từ năm 1996, Việt Nam đã chiếm đóng hoặc kiểm soát khoảng 22 điểm, Trung Quốc 10 điểm, Philippines 8 điểm, Malaysia 4 điểm, và Đài Loan 1 điểm. Để hỗ trợ cho một tuyên bố chủ quyền đối một hòn đảo, luật pháp quốc tế đòi hỏi một quốc gia ven biển phải chứng minh được sự chiếm đóng có hiệu quả hoặc sự quản lý và kiểm soát liên tục. Trên cơ sở đó, tuyên bố của Trung Quốc rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà nước này không hề chiếm đóng hoặc quản lý và kiểm soát một cách có hiệu quả đã không được luật pháp quốc tế hỗ trợ. Điều tương tự cũng đúng với những tuyên bố của các bên khác về chủ quyền đối với một điểm nào đó mà họ không thực sự chiếm đóng. Một số nhà quan sát kết luận sai rằng những tuyên bố không phải của Trung Quốc đều chỉ dựa vào những tuyên bố của các nước Châu Âu từ thời thuộc địa. Trong thực tế, những tuyên bố của các quốc gia Đông Nam Á ít nhất phần nào đó biểu hiện được sự liên hệ của cư dân ven biển với các đảo và vùng biển trên Biển Đông trong nhiều thế kỷ và nhận thức quốc gia rằng luật pháp quốc tế cần phải bảo vệ những lợi ích đó.

Lợi ích an ninh: Một quan điểm thứ tư của Trung Quốc rằng đường kẻ hình chữ U phản ánh lợi ích an ninh hàng hải lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông và rằng những lợi ích an ninh này phải được pháp luật bảo vệ. Người Trung Quốc từ lâu đã xem Vịnh Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, và Nam Hải (Biển Đông) là cái được gọi là “các vùng biển gần’- như những khu vực lợi ích chiến lược cốt yếu và một phần của một chu vi phòng thủ tuyệt vời được thành lập trên đất và trên biển để bảo vệ phần đông dân số Trung Quốc và các trung tâm kinh tế dọc theo bờ biển. Theo một Thiếu tướng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc gần đây đã nói rằng, Biển Đông bao gồm một phần “vành đai ổn định chiến lược” của hàng hải Trung Quốc.

Sự quả quyết của Trung Quốc về yêu sách đối với các vùng nước trong “các vùng biển gần” của nước này đã phát triển song song với quy mô của lực lượng hải quân và dịch vụ hàng hải của họ và từ chính các lực lượng này. Theo như một nhà phân tích Trung Quốc nói, “Hải quân chỉ là một trong những phương tiện bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của chúng tôi … phương tiện chính là dựa vào pháp luật, luật pháp quốc tế và luật trong nước.” Để thực thi các luật này và lợi ích chủ quyền của chúng tôi trên biển, “trong những năm gần đây chúng tôi đã bắt đầu tiến hành tuần tra định kỳ để bảo vệ quyền của chúng tôi ở Biển Hoa Đông và Nam Hải (Biển Đông).” Như vậy, một số người Trung Quốc nhận thấy luật pháp quốc tế kết hợp với sức mạnh hàng hải đang phát triển như một phương tiện để thiết lập vùng đệm an ninh biển được mong muốn từ lâu đối với toàn bộ “vùng biển gần,” bao gồm cả Biển Đông. Việc luật pháp quốc tế không bảo vệ lợi ích an ninh của một quốc gia ven biển nằm ngoài khu vực lãnh hải chật hẹp đã không ngăn cản những người ủng hộ Trung Quốc tìm cách thay đổi các quy tắc đó.

Quyền tài phán: Loại tranh chấp thứ hai liên quan đến phân định ranh giới phạm vi quyền tài phán giữa các vùng biển liền kề, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc làm phức tạp những tranh chấp này thông qua tuyên bố mơ hồ của chính quyền đối vời không gian biển trong một đường chữ U 9 đoạn, nhưng rõ ràng là yêu sách này bao gồm các khía cạnh về phạm vi quyền tài phán cũng như các khía cạnh về chủ quyền. Quyền tài phán theo luật pháp quốc tế không ngang bằng với chủ quyền đầy đủ trong đó quyền tài phán không bao gồm cùng một mức độ thẩm quyền tuyệt đối và độc quyền để cai trị tất cả các vấn đề liên quan tới nhà nước. Cũng giống như chủ quyền, phạm vi quyền tài phán là sự phản ánh của quyền lực nhà nước trong phạm vi ranh giới nhất định, nhưng khái niệm phạm vi quyền lực bao hàm việc áp dụng quyền hành nhà nước chỉ đối với một tập hợp đối tượng đã được hạn chế và quy định. Tất cả các bên tranh chấp liên quan vấn đề chủ quyền cũng đồng thời liên quan đến các tranh chấp về quyền tài phán, ví dụ thêm về Indonesia, nước đã tuyên bố một khu đặc quyền kinh tế kéo dài từ đảo Natuna chồng lấn với “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Hai nguồn chính của tranh chấp về quyền tài phán tại biển Đông là ranh giới của các vùng đặc quyền kinh tế quốc gia khác nhau và khu vực thềm lục địa trong đó mỗi quốc gia có thể thực hiện thẩm quyền của mình. Trong giới hạn địa lý nêu trong Điều 76 (biên giới đã xác định), các quốc gia ven biển được cấp các đặc quyền (quyền lực nhà nước) để điều tiết việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển, mặc dù tính pháp lý của không gian biển ở thềm lục địa vẫn không thay đổi (một tập hợp đối tượng được hạn chế và quy định). Như vậy, luật pháp quốc tế tạo ra thẩm quyền hạn chế cho các quốc gia ven biển trong một vùng xác định được gọi là thềm lục địa.

Tương tự như vậy, một trong những sáng kiến quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đó là quy định thẩm quyền lực của quốc gia ven biển ra một không gian biển ngoài lãnh hải, một khái niệm đã được phát triển liên tục trong suốt thế kỷ 20. Phần V của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã thiết lập thẩm quyền của quốc gia ven biển đối vời một vùng duyên hải rộng lớn của không gian biển được biết đến như là vùng đặc quyền kinh tế, có thể mở rộng đến 200 hải lý từ đường cơ sở của quốc gia ven biển (biên giới đã được xác định), trong đó các quốc gia ven biển có “quyền chủ quyền” đối với các nguồn tài nguyên cộng với các quyền tài phán có liên quan (quyền lực nhà nước độc quyền), đối với mục đích quản lý nguồn tài nguyên đó (một tập hợp đối tượng được hạn chế và xác định). Vì vậy, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã hoàn thành việc tạo ra các quy chế quyền tài phán về tài nguyên ở vùng biển duyên hải. Theo đó, loại tranh chấp thứ hai này về cơ bản là do bất đồng của quốc gia về quyền tài phán trên vùng Biển Đông để tìm kiếm và khai thác tài nguyên trên và dưới thềm lục địa của Biển Đông và trong các vùng nước của nó.

Những yêu sách quyền tài phán không rõ ràng của Trung Quốc

Tất cả các quốc gia có đường bờ biển giáp với Biển Đông đều tuyên bố chủ quyền đối với một thềm lục địa và một vùng đặc quyền kinh tế, tuy nhiên rất hiếm có một phân định ranh giới thực tế nào giữa những khu vực ven biển được thực hiện. Tuyên bố về đường chín đoạn của Trung Quốc đặc biệt cho thấy một vấn đề lớn về giải quyết những tranh chấp này bởi vì ngoài việc dựa vào đường kẻ này như là một cơ sở khẳng định chủ quyền, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng đề cập đến nó như là cơ sở cho yêu sách quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông. Như đã nói ở trên, một số học giả và quan chức Trung Quốc khẳng định rằng khái niệm về quyền lịch sử (như là một thay thế cho yêu sách của Trung Quốc với các vùng biển lịch sử trên Biển Đông) được áp dụng như một cơ sở cho việc kiểm soát quyền tài phán của Trung Quốc đối với không gian biển trong giới hạn đường kẻ gồm chín vạch đó. Khái niệm về vùng biển lịch sử chỉ được đề cập vắn tắt nhất trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển nhưng vẫn tồn tại trong luật tập quán quốc tế liên quan đến các vịnh. Nó cho phép các quốc gia ven biển tuyên bố thẩm quyền mở rộng đối với không gian biển hoặc hải đảo khi tuyên bố của các quốc gia ven biển là công khai và có từ lâu đời, có tính độc quyền, và được chấp nhận rộng rãi bởi các quốc gia khác.

Ngoài sự mơ hồ và thiếu tính cụ thể, còn nhiều vấn đề trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quyền tài phán ở Biển Đông. Ví dụ, chỉ một số ít các đảo trên Biển Đông đủ điều kiện có lãnh hải mười hai hải lý theo tiêu chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Một điểm yếu khác trong yêu sách của Trung Quốc về thẩm quyền trên Biển Đông dựa trên sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các bãi đá và cồn cát là Trung Quốc đã phản đối những tuyên bố tương tự của Nhật Bản về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh đảo Okinotorishima, một đảo san hô nhỏ ở Thái Bình Dương khoảng 1.050 hải lý về phía nam Tokyo.[16] Luật quốc tế ngăn chặn việc một quốc gia tuyên bố các quyền hợp pháp nếu nước đó phản đối những các tuyên bố tương tự của các quốc gia khác. Như vậy, cả các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển lẫn quyền lịch sử đều không phải là nguồn pháp lý đặc biệt thuyết phục mà Trung Quốc có thể dùng làm căn cứ cho yêu sách của mình.

Giáo sư Peter Dutton, Viện Nghiên cứu về Hàng hải Trung Quốc, Học viện Hải quân Mỹ

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới