Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGia hạn lệnh trừng phạt Nga, Ukraine đang mong chờ điều gì?

Gia hạn lệnh trừng phạt Nga, Ukraine đang mong chờ điều gì?

Ngày 17/10, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh mở rộng danh sách trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân của Nga

Thông báo đăng tải trên trang web chính thức của Tổng thống Petro Poroshenko, Ukraine đã thêm tên của 365 cá nhân và 167 doanh nghiệp/tổ chức có tư cách pháp nhân của Nga vào danh sách trừng phạt, theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine ”Về việc sử dụng các biện pháp hạn chế kinh tế đặc biệt và các biện pháp trừng phạt khác” ban hành ngày 16/9/2016.

Bên cạnh đó, thời gian áp dụng lệnh trừng phạt (chính thức có hiệu lực vào ngày 16/9/2015) cũng sẽ kéo dài thêm một năm (đến 16/9/2017).

Ngoài ra, bộ phận báo chí Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cho biết thêm, hiện Kiev cũng đang có kế hoạch áp dụng biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các đại biểu Duma Quốc gia được bầu từ Crimea.

Lối thoát duy nhất

Trong khi đó, trái ngược với Kiev, Moscow tuyên bố sẵn sàng mở rộng các nhu cầu của mình theo các yêu cầu của ngành công nghiệp Ukraine, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng. Mới đây, Tổng thống Nga Putin đã nhận xét rằng, nền công nghiệp Ukraine hiện đang trải cơn suy thoái, xảy ra phi công nghiệp hóa đất nước.

Ông Putin cũng khẳng định: “Vào bất cứ thời điểm nào, ngay khi các đối tác Ukraine muốn, chúng tôi sẵn sàng mở mang nhu cầu của chúng tôi theo khả năng của công nghiệp Ukraina, trong đó kể cả theo hướng hiệp lực liên doanh chung để đổi mới trang thiết bị quốc phòng và trong công nghiệp dân dụng Ukraine.”

Trên thực tế, sau lệnh trừng phạt và cấm vận của Ukraine nhằm vào Nga cũng như các biện pháp đáp trả của Moscow đối với Kiev, nền công nghiệp các linh kiện, phụ kiện vũ khí, trang bị nhập khẩu quy mô lớn của Nga có bị ảnh hưởng.

Thế nhưng, sau 2 năm phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và Ukraine cắt đứt hợp tác kỹ thuật quân sự, Nga đã hoàn thành kế hoạch thay thế nhập khẩu do Ukraine cung cấp đến 70-80%. Dự tính, vào cuối năm 2017, hoặc chậm nhất là đầu năm 2018, Nga sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào các sản phẩm kỹ thuật mà trước đây các doanh nghiệp Nga thường đặt hàng của Ukraine.

Điều này đồng nghĩa với việc Nga ra tuyên bố hợp tác các hoạt động công nghiệp, quốc phòng với một thị trường lâu năm như Ukraine giống như Moscow đang chìa cánh tay nhân đạo ra hỗ trợ nền công nghiệp Ukraine vốn chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu sang Nga.

Việc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký sắc lệnh mở rộng danh sách trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân của Nga trong bối cảnh này chẳng khác nào tự chặt đứt tay chân của mình.

Tương quan lợi ích

Không chỉ riêng trong lĩnh vực quốc phòng, trong thương mại và kinh tế Kiev cũng phải chịu nhiều thiệt thòi sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt chống những cá nhân và pháp nhân của Nga. Từng trao đổi với Sputnik, cựu nghị sĩ Vladimir Oleynik, nay là nhà hoạt động nhân quyền Ukraine cho biết rằng:

”Trong năm 2013, Ukraine đã bán ra trên thị trường Nga tổng giá trị hàng hóa 17 tỷ USD. Sau khi áp dụng lệnh trừng phạt và tuyên bố Nga là “kẻ xâm lược”, kim ngạch này chỉ còn 4,5 tỷ USD, nhưng vẫn còn hơn gấp bội nếu so với Mỹ và châu Âu.

Còn Mỹ – một vị khách quý đối với chính quyền Kiev – thì chúng tôi chỉ bán ra hàng hóa tổng trị giá 110 triệu USD, bởi vì họ không muốn mua bất kỳ hàng hóa của chúng tôi, từ các loại thực phẩm như ngô đến các sản phẩm công nghiệp nặng như kim loại.

Các thị trường châu Âu cũng vậy. Trên thực tế, Ukraine chỉ nhận được hạn ngạch xuất khẩu 1-4% tổng sản lượng nông nghiệp của đất nước. Ví dụ, Ukraine sản xuất 1,2 triệu kg thịt gà/năm, mà chúng tôi nhận hạn ngạch xuất khẩu cho thị trường châu Âu 16 nghìn tấn. Điều đó thật nực cười.”

Trong ngày hôm nay (19/10) các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp, Nga và Ukraine sẽ nhóm họp tại Berlin (Đức) nhằm “đánh giá việc thực hiện” các thỏa thuận Minsk đối với Kiev.

Thông báo của Tổng thống Pháp cho biết, cuộc họp này theo lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ “thảo luận các bước tiếp theo tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.”

Phía Ukraine cũng đã xác nhận: “Các nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức cuộc họp nhóm “Bộ Tứ Normandy” ở Berlin vào ngày 19/10 để gây sức ép đối với Nga nhằm thực hiện gói các thỏa thuận Minsk này”.

Trong khi đó, hôm 15/9 Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng, nước này sẽ không thực hiện thỏa thuận Minsk về việc giải quyết xung đột tại Donbass trước khi đạt được các giải pháp cho vấn đề an ninh khu vực.

Giới phân tích cho rằng, việc Tổng thống Poroshenko ký sắc lệnh mở rộng danh sách trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân của Nga ngay trước thềm cuộc họp quan trọng sẽ khiến cho buổi thảo luận để giải quyết khủng hoảng miền Đông Ukraine trở nên khó khăn và dần đi vào bế tắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới