Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnDuterte tính toán điều gì khi tiến cử Nhật Bản cùng tham...

Duterte tính toán điều gì khi tiến cử Nhật Bản cùng tham gia đàm phán Biển Đông?

Cả 3 người chơi, Rodrigo Duterte, Tập Cận Bình và Barack Obama vẫn hoàn toàn nắm quyền chủ động trong các nước cờ của mình ở Biển Đông.

CNN Philippines ngày 22/10 đưa tin, chỉ vài ngày sau khi trở về từ chuyến thăm Brunei và TQ, thứ Ba tuần tới Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ đi thăm chính thức Nhật Bản từ 25 đến 27/10.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Davao, ông Rodrigo Duterte cho biết:

“Các cuộc đàm phán của tôi với chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là ngài Thủ tướng, thực sự sẽ xoay quanh hoạt động kinh tế, và tất nhiên cả những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Bây giờ điều quan trọng nhất đó là chia sẻ mối quan tâm về Biển Đông. Tôi đã nói với tất cả mọi người và tôi đã nói với TQ, tôi không thể đầu hàng bất cứ điều gì ở đây.

Cho đến khi tôi có thể nói chuyện với Thủ tướng Shinzo Abe, tôi không thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào về những gì sẽ xảy ra.

Nhưng với chính phủ TQ, tôi đã nói chúng ta sẽ tìm được ngày mà chỉ nói về Biển Đông.

Nó có thể là song phương, phụ thuộc vào diễn biến tình hình, nó có thể là đa phương và sẽ bao gồm Nhật Bản. Đó là những gì tôi đề nghị cho tương lai.”

Trong một động thái khác có liên quan, hôm nay Điện Manacanang ra thông báo nhắc lại, chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte không bao giờ bỏ qua Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông 12/7 trong các cuộc đàm phán với TQ.

Ông Rodrigo Duterte nhắc lại rằng, ông sẽ không đi chệch khỏi 4 góc tờ giấy ghi những nội dung Hội đồng Trọng tài đã phán quyết.

Tuyên bố này để trả lời Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros khi vị này cáo buộc, Rodrigo Duterte đã “xếp xó” chiến thắng lịch sử trong vụ kiện trọng tài Biển Đông bằng cách đàm phán với TQ.

Thượng nghị sĩ này cũng lưu ý, nếu ông chủ Điện Manacanang mà để TQ “cho phép” ngư dân Philippines quay lại Scarborough sẽ làm tổn hại nghiêm trọng (quyền) chủ quyền của Philippines và Phán quyết Trọng tài.

Người viết cho rằng những phát biểu tưởng như “ngẫu hứng” của ông Rodrigo Duterte và có thể gây sốc với ai đó lại đang là những nước cờ tối đa hóa lợi ích cho Philippines.

Sang thăm TQ thì chỉ trích Hoa Kỳ thoải mái, thậm chí dọa “chia tay” với đồng minh duy nhất, để mang về hàng loạt hợp đồng. 

Về tới Davao ông giải thích ngay, “chia tay” không phải là cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, mà là phải điều chỉnh chiến lược ngoại giao, không thể cái gì cũng nhất nhất nghe theo Mỹ.

Với chính trị truyền thống, những phát biểu “tiền hậu bất nhất” từ một vị nguyên thủ quốc gia dễ bị chê cười, thậm chí là lên án. Nhưng Rodrigo Duterte là một trường hợp đặc biệt.

Để mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc thay vì chỉ là những lời hứa nước bọt, ông phải đánh đổi bằng cách làm khác đi. Nếu cứ lịch thiệp như Barack Obama, chắc gì ông kiếm được những hợp đồng lớn cho đất nước từ TQ?

Trước khi thăm Nhật Bản, qua báo chí và có thể qua các kênh ngoại giao, tình báo ông Rodrigo Duterte hiểu được tâm tư cũng như mong muốn của Thủ tướng Shinzo Abe về Biển Đông và quan hệ Mỹ – Philippines – TQ.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ tuần tra xung quanh đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị TQ chiếm đóng bất hợp pháp.

 

Phải chăng chính vì điều này ông tương kế, tựu kế lấy lòng đất nước mặt trời mọc cũng như ông Shinzo Abe, bằng phát biểu sẽ đề nghị Nhật Bản tham gia đàm phán Biển Đông sau này?

Người viết tin rằng Thủ tướng Shinzo Abe và Nhật Bản đủ tỉnh táo để nhận ra rằng đó là một cách nói ngoại giao, bởi không đời nào Trung Quốc đồng ý.

Nhưng ông Rodrigo Duterte vẫn làm vui lòng chủ nhà bằng câu nói mà dân gian vẫn gọi là “đãi bôi” này.

Nó mở ra bầu không khí thân thiện cho các cuộc đàm phán kinh tế, đầu tư, thương mại song phương và giảm bớt lo lắng của Nhật Bản về vấn đề an ninh hàng hải Biển Đông.

Thế nên dù người trong cuộc là ông Obama còn chưa có chút gì tỏ ra lo lắng về Rodrigo Duterte thì người bên ngoài như cựu trợ lý của cố Tổng thống Ronald Reagan đã kêu gọi Nhà Trắng hủy bỏ đồng minh hiệp ước Philippines.

Nhật Bản thì sốt sắng làm cầu nối, không để Rodrigo Duterte “lún sâu vào vòng tay TQ”.

Nhưng cả 3 người chơi, Rodrigo Duterte, Tập Cận Bình và Barack Obama vẫn hoàn toàn nắm quyền chủ động trong các nước cờ của mình ở Biển Đông.

Trong bộ ba này, có thể ông Barack Obama hơi yếu thế, vì là chủ nhân của chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, khi bị đồng minh hiệp ước duy nhất ở Biển Đông công khai liên tục thách thức, Obama có thể bình tĩnh, nhưng người khác thì chưa chắc.

Có lẽ đây là lý do sáng 21/10 Mỹ cho tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur tuần tra xung quanh đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị TQ chiếm đóng bất hợp pháp.

Động thái này có lẽ là mệnh lệnh của Nhà Trắng nhằm chứng minh với thế giới rằng, Mỹ vẫn đang hiện diện đầy đủ ở Biển Đông. 

Và cho dù Duterte có hủy bỏ hiệp ước hợp tác quốc phòng mở rộng với Mỹ thì cũng chẳng ảnh hưởng đến hoạt động của hải quân Hoa Kỳ vẫn hiện diện và làm chủ tình thế ở Biển Đông?

Tuy nhiên về chiến lược, thiết nghĩ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cần có những tính toán và giải pháp dài hạn hơn, bởi nước Mỹ giàu mấy cũng sẽ khánh kiệt nếu cứ cho tàu chiến chạy thị uy liên tục để chứng tỏ sự hiện diện ở Biển Đông mà không có một chỗ đứng chân.

RELATED ARTICLES

Tin mới