Những băng nhóm dùng dao đang đụng độ bên ngoài các bệnh viện TQvì một nguồn tài nguyên quý giá – hiến máu.
Bệnh viện Đại học Tô Châu, bên ngoài là thành viên của các băng nhóm túc trực 24/24
Đứng bên ngoài Bệnh viện số 1 Đại học Tô Châu, tỉnh Giang Tô, ông Xiao Su nói: “Những người hoạt động tại đây phải biết đánh nhau, anh hiểu chứ?”
Xiao là một thành viên cấp thấp thuộc một băng nhóm kiểm soát việc buôn bán máu tại hai bệnh viện ở TQ. Những băng nhóm này phát triển mạnh do các quy định mập mờ về hiến máu của TQ, điều đã khuyến khích một ngành đen tối bạo lực phát triển.
Xe hiến máu.
Do tỷ lệ hiến máu là rất thấp ở TQ – nguyên nhân chính là sự thiếu tin tưởng trong xã hội – nên có một đạo luật chỉ định ai là người được truyền máu. Luật này quy định, một bệnh nhân có thể được truyền máu nếu họ xuất trình được giấy chứng nhận cho thấy bản thân đã khuyến khích bạn bè và gia đình hiến máu. Nhưng việc thuyết phục những người thân hiến máu không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng.
Đây là kẽ hở để các băng nhóm tác nghiệp
Mô hình buôn bán máu hoạt động như thế này: Các băng nhóm đăng quảng cáo trên mạng, trả tiền thù lao cho việc hiến máu. Họ hướng dẫn những người trong quần chúng đồng ý hiến máu đi qua quá trình này, sau đó bán giấy chứng nhận cho bệnh nhân cần truyền máu. Thông tin cá nhân của bệnh nhân sẽ được dùng để làm giấy chứng nhận và người của băng nhóm sẽ đóng giả làm bạn bè hay người thân của bệnh nhân khi họ đến bệnh viện.
Việc kinh doanh này béo bở đến mức những băng nhóm như trên đã xuất hiện một cách bất thình lình, mỗi băng nhóm kiểm soát địa bàn riêng của họ, thường ở quanh khu vực hiến máu và làm giấy chứng nhận tại một bệnh viện hay một vùng nào đó.
Xiao Su nói với phóng viên của tờ Tề Lỗ Vãn Báo: “Nhìn đại ca của tôi ở đằng kia kìa, ông ấy có cơ bắp đầy mình. Ông ấy tập thể hình mỗi ngày”. Xiao Su làm việc cho “ông Triệu”, một trùm băng đảng buôn bán máu.
Ngồi xổm trên vỉa hè với mái tóc bát úp và áo khoác đua xe màu đen, Xiao nói với tờ báo rằng anh đã tham gia vào một trận chiến bằng dao ”ngay tại đây” chưa đầy một tuần sau khi anh này bắt đầu làm việc cho ông Chu. ”Việc kinh doanh này dựa trên những trận chiến đẫm máu”.
Thương vụ béo bở
Xiao Su ước tính rằng anh kiếm được khoảng 200.000 NDT (khoảng 30.800 USD)/năm từ buôn máu. Đó là một con số hào nhoáng, căn cứ vào việc một lao động trung bình ở TQ chỉ kiếm được khoảng 8.000 NDT/năm (khoảng 1.200 USD). Nhưng khoản tiền mà anh này được chi trả là rất nhỏ khi so sánh với khoảng 100 triệu NDT (khoảng 15.400.000 USD) mà trùm băng đảng Triệu kiếm được mỗi năm.
Băng của Triệu làm giàu bằng cách lợi dụng luật hiến máu ở TQ. Luật này có một mục khuyến khích gia đình hay bạn bè của bệnh nhân hiến máu để nhận được giấy chứng nhận trong một chương trình quyên góp hỗ trợ lẫn nhau.
Do các bệnh viện của TQ thiếu máu trường kỳ — Trung Hoa Nhật Báo, một tờ báo của chính quyền TQ, cho biết vào năm 2004 ở TQcó 9,4 người hiến máu trên 1000 người, ít hơn so với tỷ lệ 11,7 đến 36,8 người hiến máu trên 1000 người tại các nước có thu nhập cao, theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) — và vì các bệnh viện không dễ dàng xác minh được mối quan hệ thực tế của một người hiến máu và bệnh nhân, nên những thị trường chợ đen được điều hành bởi các băng nhóm buôn bán máu mới có thể phát triển mạnh.
Và Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Tô Châu có một chính sách vô tình hỗ trợ cho thị trường chợ đen được điều hành bởi Triệu và hai trùm băng đảng khác – bệnh viện sẽ chỉ truyền máu từ ngân hàng máu của mình cho những bệnh nhân cần điều trị khẩn cấp và yêu cầu tất cả các bệnh nhân trong tình trạng không bị nguy hiểm đến tính mạng sử dụng chương trình hiến máu hỗ trợ lẫn nhau.
Quảng cáo trực tuyến
Theo tờ Tề Lỗ Vãn Báo, các băng đảng buôn máu hoạt động thông qua mạng xã hội hoặc chào mời trực tiếp.
Một quảng cáo hiến máu điển hình đăng trên dịch vụ nhắn tin phổ biến WeChat của TQ có nội dung: “Tìm người hiến máu, thù lao 200 tệ cho 200cc, 400 tệ và quà tặng 100 tệ cho 400cc. Người hiến máu phải ít nhất là 18 tuổi. Người hiến máu nam phải nặng ít nhất 52 kg và người hiến máu nữ phải nặng ít nhất 47 kg. Cánh tay không có dấu kim tiêm”.
Thành viên băng đảng Xiao Su nói với tờ Tề Lỗ Vãn Báo rằng mới đây anh đã tiếp cận một người đàn ông tại Trung tâm hiến máu của hội chữ thập đỏ Tô Châu và thỏa thuận với anh ta để hiến máu cho chương trình quyên góp hỗ trợ lẫn nhau. Người bác sĩ tại bệnh viện này không hề tiến hành bất kỳ bước xác minh nào về mối quan hệ giữa người hiến máu và bệnh nhân trước khi cấp giấy chứng nhận.
Cuộc chiến giành địa bàn giữa các băng nhóm buôn bán máu không chỉ giới hạn ở tỉnh ven biển Giang Tô. Theo cổng thông tin TQ- Netease, vào năm 2013, bốn thành viên băng đảng đã bị kết án tù khi hai băng nhóm đối địch đụng bộ dữ dội bên ngoài Bệnh viện Tích Thủy Đàm ở Bắc Kinh.
Thị trường chợ đen
Theo Tài Tân, một tạp chí kinh doanh có uy tín, Bộ Y tế TQ đã cố gắng kiềm chế hoạt động buôn bán máu này bằng cách giới hạn lượng máu từ chương trình quyên góp hỗ trợ lẫn nhau mà một bệnh viện có thể dự trữ, trong khi chính quyền địa phương thành phố Vũ Hán đã cấm hoàn toàn chương trình quyên góp hỗ trợ lẫn nhau.
Nhưng thị trường hiến máu chợ đen không có khả năng sụp đổ trong tương lai gần do người TQ nhìn chung vẫn không nhiệt tình với hiến máu nhân đạo, vốn là hậu quả của một số bê bối tai tiếng trong những thập kỷ gần đây.
Vào những năm 1980 và 1990, các quan chức y tế của chính quyền TQ đã khuyến khích nông dân bán máu và huyết tương của họ cho các bệnh viện hoặc các ngân hàng máu, nhưng do cách thức làm không hợp vệ sinh, hàng trăm nghìn người đã bị nhiễm HIV – theo trang web nhân quyền Canyu.org, ước tính khoảng 500.000 đến 700.000 người đã bị nhiễm bệnh này chỉ riêng ở tỉnh Hà Nam.
Vụ bê bối Quách Mỹ Mỹ trong năm 2011 cũng ảnh hưởng đến nỗ lực thu thập máu của Hội Chữ Thập Đỏ TQ. Quách, một cô gái trẻ nổi tiếng thường hay đăng ảnh cuộc sống xa hoa của mình lên Internet, tuyên bố mình là người quản lý của Hội Chữ Thập Đỏ trên tài khoản mạng xã hội của cô này. Vụ bê bối đã khiến người dân TQ không tin tưởng Hội Chữ Thập Đỏ và không ủng hộ các sáng kiến của họ.