Tiến sĩ Pierre Journoud, Giáo sư môn Lịch sử đương đại thuộc trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 đồng thời cũng là nghiên cứu viên phụ trách Chương trình Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) vừa qua đã có bài viết về thái độ của pháp về khu vực Đông Nam Á.
Trong phán quyết dài gần 500 trang được Tòa Trọng tài công bố ngày 12/7, có thể tóm tắt thành 3 nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, Tòa Trọng tài đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” trên Biển Đông. Đây là nội dung rất quan trọng bởi Trung Quốc đưa ra các yêu sách tham vọng về chủ quyền dựa trên quan điểm lịch sử và kinh tế của họ, theo đó, các ngư dân Trung Quốc đã có mặt từ rất lâu tại khu vực hàng hải này.
Thứ hai, đây cũng là điểm rất quan trọng nếu như không muốn nói là quan trọng hơn, đó là Tòa Trọng tài khẳng định tại khu vực này không có các đảo theo tinh thần của Công ước Montego Bay 1982 (Công ước LHQ về Luật Biển), có nghĩa là, không có quốc gia nào liên quan đến cuộc xung đột có thể yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong không gian này. Như vậy, phán quyết đề cập đến tất cả các quốc gia đang tranh chấp. Đương nhiên, Trung Quốc là nước liên quan đầu tiên, vì đây là quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên khu vực rộng lớn nhất, nhưng các bên như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei hay Đài Loan cũng đều có liên quan.
Thứ ba, cũng là điểm rất quan trọng, đó là Tòa Trọng tài cho rằng Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục được trong lĩnh vực sinh thái tại khu vực đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Đây là một nội dung khá mới mẻ trong luật pháp quốc tế liên quan đến các tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, Tiến sĩ Perre Journoud cho rằng phán quyết không chỉ đề cập đến Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á mà còn đề cập đến các cường quốc hàng hải trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp (bởi Pháp cũng có các lợi ích ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương).
Về tác động của phán quyết đối với tình hình trong khu vực, phán quyết của Tòa Trọng tài về cơ bản không làm thay đổi tình hình tại khu vực. Mặc dù phán quyết này rõ ràng đã đem lại lý lẽ cho Philippines đồng thời khuyến khích các quốc gia là các bên liên quan, đối lập với Trung Quốc, tiến hành cuộc chiến ngoại giao và pháp lý, nhưng nó sẽ không làm thay đổi cơ bản tình hình bởi việc tranh chấp chủ quyền trên các đảo, đảo nhỏ, các bãi đá ngầm ở Biển Đông là vấn đề nằm trong bức tranh toàn cảnh địa chính rộng lớn hơn nhiều.
Bối cảnh rộng lớn hơn này đặt ra yêu cầu phải có một sự chuyển giao quyền lực, chuyển giao sức mạnh, sự cân bằng giữa các cường quốc. Sự hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dường là khá rõ, đặc biệt là tại khu vực Biển Đông. Trung Quốc cũng cho thấy sự thèm khát được đóng vai trò lớn hơn tại đây. Do đó, hết sức tự nhiên khi Trung Quốc tìm kiếm các phương tiện quan trọng để có được vị trí cường quốc và thể hiện tham vọng trở thành cường quốc lớn nhất ở Châu Á.
Tất nhiên, mong muốn đó không được mâu thuẫn và tạo ra xung đột với các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, bởi các quốc gia này cũng có mong muốn hợp pháp về chủ quyền lãnh thổ trên biển. Khó khăn là phải tìm được một giải pháp cho phép tiền hành quá trình chuyển đổi quyền lực này giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhiều khả năng, Mỹ sẽ buộc phải dành cho Trung Quốc một không gian hàng hải rộng lớn hơn bởi Trung Quốc giờ đây đã có lực lượng hải quân hiện đại và lực lượng đó sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai. Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc chưa thể đảm bảo an toàn trên các tuyến đường giao thông hàng hải. Chính vì vậy, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn, ít nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc – các cường quốc hàng hải lớn trong khu vực. Ngoài ra, cũng phải tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác là các bên liên quan đến xung đột.
Các bên liên quan sẽ vấn tiếp tục đàm phán và đây sẽ là những cuộc đàm phán kéo dài nhưng Tiến sĩ Pierre Journoud nghĩ rằng các quốc gia không có cách nào khác ngoài việc tiến hành đàm phán nếu như họ muốn tranh không để cho kịch bản xung đột và chiến tranh trở thành hiện thực. Đây là điều không ai muốn thấy, nó sẽ làm tổn hại tới lợi ích của tất cả các bên quan tâm đến tương lai của khu vực này.
Tiến sĩ Pierre Journoud có một ví dụ rất thú vị có thể được xem xét để nhân rộng, đó là sự hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam thông qua các cuộc đàm phán trong việc phân chia Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đã đạt được thỏa thuận vào năm 2000. Mô hình này đáng được nhân rộng đối với các vùng biển khác của khu vực Đông Nam Á. Điều mà chúng ta mong muốn nhất là phán quyết này củng cố quan điểm của những người ủng hộ đàm phán, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á đồng thời cũng là các bên liên quan đến tranh chấp. Các quốc gia này muốn luật phát quốc tế và đặc biệt là luật hàng hải quốc tế phải được tôn trọng. Theo cách tiếp cận này, Trung Quốc và tất cả những bên liên quan sẽ có thể tránh được điều tồi tệ nhất.
Về quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) và Pháp về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông: Quan điểm của EU và Pháp là khá giống nhau vì cả hai cùng ủng hộ tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Montego Bay. Một cách chính thức, cả EU và Pháp đều giữ quan điểm trung lập, tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa hai bên. Trước tiên, cần phải thấy rằng, EU chia rẽ nhiều hơn vẻ bên ngoài của nó, do EU được hình thành từ gần 30 quốc gia và tất cả các nước không có chung quan điểm về chính sách đối ngoại liên quan đến các khu vực khác nhau trên thế giới.
Trong trường hợp tranh chấp trên Biển Đông, một số nước muốn tỏ ra kiên quyết hơn trước các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc như Pháp và Anh, vốn là các cường quốc lớn về quân sự trong EU. Tuy nhiên, một số nước khác muốn có tiếng nói ôn hòa hơn và không muốn thể hiện quan điểm chống lại Trung Quốc, vì Trung Quốc có thể đem đến cho họ nhiều lợi ích kinh tế và tài chính lớn hơn hay nói cách khác, họ phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư của Trung Quốc. Đây là trường hợp của Hy Lạp và Hungary. Do các quốc gia châu Âu có quan điểm rất khác nhau nên cuối cùng họ buộc phải đồng ý với mẫu số chung thấp nhất. Đó là, khẳng định cam kết tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải, tôn trọng luật biển quốc tế và trung lập trong xung đột liên quan đến các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông.
Về phía Pháp, theo Tiến sĩ Pierre Journoud, quan điểm của Pháp đã thay đổi trong những năm gần đây, Pháp đã gián tiếp chỉ trích Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn. Mặc dù chỉ được đề cập thoáng qua nhưng quan điểm là khá rõ ràng. Qua kênh chính thức, Pháp kêu gọi tất cả các bên liên quan đến xung đột tiến hành đàm phán, bởi đó là giải pháp duy nhất cần tiến hành.
Nhưng qua các kênh không chính thức, Pháp tỏ ra kiên quyết với Trung Quốc và ủng hộ nhiều hơn các yêu sách của các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột như Philippines và Việt Nam. Tiến sĩ lưu ý rằng thời gian qua, Pháp đã xích lại gần hơn với khu vực Đông Nam Á nói chung, với Philippines và Việt Nam nói riêng. Năm 2013, Pháp đã ký Quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và gần đây đã ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Philippines.
Do Pháp có các vùng lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương, vì vậy, Pháp cũng là một cường quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự của Pháp khá khiêm tốn so với Mỹ. Mặc dù vậy, sự hiện diện này vẫn đáng kể trong khu vực.
Ngoài ra, Pháp cũng có quan hệ hợp tác lâu dài tại đây. Tiến sĩ không đề cập đến thời kỳ thuộc địa với các cuộc xung đột đẫm máu ở Đông Dương mà muốn nói đến vai trò rất tích cực của Pháp trên mặt trận ngoại giao nhằm giúp các nước liên quan thoát ra khoải chiến tranh mà Pháp gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương thứ 3. Hội nghị Paris năm 1991 đã đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột ở Campuchia, một cuộc xung đột có liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc và các cường quốc khác.
Gần đây tại Đối thoại Shangri năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đề nghĩ các nước châu Âu thực hiện tuần tra hải quân chung trên Biển Đông. Tiến sĩ Pierre Journoud không nghĩ rằng đó là cách tốt nhất cho EU và Pháp. EU và Pháp nên thể hiện vai trò là lực lượng đưa ra các giải pháp ngoại giao. Ngoài ra, Pháp cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên đất liền cũng như các tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia châu Âu, do đó, có thể tận dụng các kinh nghiệm đó vào các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
Tiến sĩ cho rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm nhằm đưa ra các giải pháp, các đề xuất sáng tạo và táo bạo sao cho các bên xung đột có thể thoát khỏi vòng xoáy căng thẳng gây nhiều lo ngại vào thời điểm hiện nay.