Trang Indian Defence Review vừa đăng bài viết có tiêu đề “Việt Nam: Con hổ châu Á đang trỗi dậy”. Dưới đây là nội dung bài viết.
Phát triển các ngành kinh tế ở Việt Nam
Thế kỷ XXI thường được gọi là “thế kỷ của châu Á” nhưng nếu ai hỏi về nước nào của châu Á đã phi nước đại về phía trước trong 25 năm qua hay đại loại như thế thông qua việc một phần lớn dân số thoát nghèo thì câu trả lời sẽ là Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Vậy nền kinh kế châu Á nào, vốn chủ yếu dựa vào phát triển nông thôn, sẽ là nền kinh tế năng động tiếp theo? Câu trả lời mà nhiều người chưa nhận thấy và rất ngạc nhiên khi biết được là Việt Nam: một đất nước trong những năm 1980 đã nổi lên sau nhiều thập kỷ chiến tranh và từng có thời được coi là nghèo như Ethiopia!
Việt Nam có dân số khoảng 93 triệu người và đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới tính theo đầu người kể từ năm 1990, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong thập niên tới, nếu nước này tiếp tục đạt mức tăng trưởng 7% thì Việt Nam sẽ được coi giống như Hàn Quốc và Đài Loan, hai nền kinh tế lớn khác ở châu Á.
Việt Nam thiếu lợi thế của một nền kinh tế đất đai rộng lớn, giống như Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng của nước này mang lại nhiều bài học cho các quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là những nước trong khu vực lân cận. Trong một số thời điểm, những phát triển lớn trong công nghệ và tự động hóa được xem là không phù hợp cho các quốc gia nghèo với nền sản xuất sử dụng nhiều lao động. Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại và cho thấy rằng các mô hình đã được thử nghiệm và kiểm định vẫn có thể hoạt động được.
Nước này cũng đã thể hiện sự chấp nhận đối với xu hướng toàn cầu hóa và một nền kinh tế toàn cầu mở. Tận dụng hết lợi thế về vị trí địa lý khi nước này nằm ở cạnh Trung Quốc – trong bối cảnh các công ty đang rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm các giải pháp thay thế có chi phí thấp, cho thấy được sự mở cửa và thông thoáng, trong khi các quốc gia khác trong khu vực lân cận lại không ở trong tình trạng tốt.
Trong những năm 1990, nước này tự do hóa các quy định về thương mại và thuế quan và nhờ đó, thương mại hiện nay chiếm 150% GDP của đất nước, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác xét ở mức thu nhập. Người nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam không bắt buộc phải mua nguyên vật liệu thô tại địa phương, một động thái được những người này hoan nghênh so với các quy định yêu cầu phải có nguyên vật liệu của địa phương mang tính bắt buộc ở Ấn Độ và Indonesia.
Ngày nay, 2/3 trong số hàng xuất khẩu của Việt Nam là của các công ty nước ngoài! Các công ty đang đổ xô vào Việt Nam, bỏ qua các nước tiên tiến ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ do chi phí quá đắt đỏ, Trung Quốc thì có những quy định mang tính chắp vá về quyền sở hữu trí tuệ còn Ấn Độ thì lại quá phức tạp do bộ máy quan liêu cồng kềnh.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái và lại tăng trong năm nay. Nửa đầu năm 2016, Việt Nam đã chứng kiến khoản tiền đầu tư trị giá 11,3 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái; và điều này diễn ra bất chấp sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu! Việt Nam, giống như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đang lên kế hoạch đạt được sự tăng trưởng bền vững một cách có hệ thống chứ không phải là theo cách tăng trưởng thất thường.
Việt Nam có dân số tương đối trẻ, độ tuổi trung bình là 31, so với Trung Quốc, nước láng giềng ngay bên cạnh có độ tuổi trung bình là 36 (độ tuổi trung bình của Ấn Độ trong năm 2014 được ước tính là 28). Khoảng 70% dân số của Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, cũng gần giống như ở Ấn Độ, so với chỉ có 44% ở Trung Quốc. Nguồn lao động dự phòng ở nông thôn này giúp Việt Nam có thời gian để xây dựng các ngành sử dụng nhiều lao động nhằm phục vụ cho nhu cầu việc làm khi mà dân số của nước này đang tăng lên.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có dân số trẻ, còn có rất nhiều nước khác, nhưng không phải tất cả những nước này, trong đó có Ấn Độ, có thể tự hào về chính sách hiệu quả và hợp lý. Các nhà đầu tư đã có niềm tin từ sự ổn định trong các chính sách của Việt Nam mang lại. Lực lượng lao động không chỉ trẻ mà còn có tay nghề nữa.
Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), chi tiêu công cho giáo dục của Việt Nam là khoảng 6,3 % GDP so với 3,72% tại Ấn Độ và mức trung bình 4,53% của thế giới. Khoản chi tiêu này được tập trung tốt để đảm bảo tuyển sinh tối đa và đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu. Các tiếp cận tập trung này đã đảm bảo rằng trong bảng xếp hạng thế giới, những học sinh trong độ tuổi 15 năm của Việt Nam vượt qua những học sinh trong độ tuổi này ở Mỹ và Anh trong các môn học như toán và khoa học. Những cấp học này đã mang lại lợi ích cho các nhà máy ở Việt Nam.
Sau nhiều năm xung đột, tiếp đó là nhiều năm tăng trưởng vững chắc, Việt Nam đã có thể vượt qua cái tiếng là một nước nghèo, và hiện nay đã và đang tăng trưởng để được coi là một quốc gia có thu nhập trung bình, một cột mốc thực sự! Có rất nhiều bài học cho Ấn Độ khi nước này mong muốn trở thành một nền kinh tế đang trỗi dậy và là một cường quốc khu vực.
(Còn tiếp)