Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinNga thừa sức làm “thế lực thứ ba” giữa TQ và Mỹ...

Nga thừa sức làm “thế lực thứ ba” giữa TQ và Mỹ trong vấn đề Philippines

Vào ngày 20/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố rằng ông sẽ “tách rời” khỏi Mỹ và nâng cao quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Nga, mặc dù chính ông đã sửa lại tuyên bố này sau đó.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cùng Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình trong cuộc gặp mặt tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trước đó vào đầu tháng 10, ông Duterte cũng đã nói rằng ông sẽ yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi một số căn cứ quân sự ở Philippines. 

“Người Mỹ đã ở đây 50 năm rồi. Họ vẫn giữ nguyên tư tưởng thực dân, nghĩ rằng đất nước của chúng ta là của họ”, Tổng thống Philippines nói. Không chỉ có vậy, ông cũng cho biết nếu Mỹ không muốn cung cấp vũ khí cho Manila, họ sẽ xem xét mua của Nga và Trung Quốc.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, ông Duterte đã nhiều lần có những phát biểu gây sốc về những nguyên thủ quốc gia trên thế giới, đặc biệt là với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Dù vậy, các chuyên gia chính trị vẫn còn tranh cãi gay gắt về ý nghĩa trong những phát ngôn của ông Duterte.

Ông Yuri Tavrovsky, chuyên gia chính trị khu vực châu Á cho biết, ông Duterte sẽ không giành được thiện cảm đối với người dân trong nước cũng như các chính phủ nước ngoài với những lời nói của mình. 

“Có người nói rằng ông ta theo chủ nghĩa dân tộc, người khác lại nghĩ ông ta yêu nước. Với tư cách là một Tổng thống do dân bầu, ông ta đang bảo vệ quyền lợi quốc gia Philippines theo cách mà ông ta cho là đúng”, ông Tavrovsky nhận định.

Chuyên gia người Nga nhấn mạnh rằng trước khi đưa ra phán xét về vị Tổng thống “lập dị” này, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn của ông Duterte. “Quyết định của Tòa trọng tài Quốc tế về vấn đề Biển Đông đang đưa Philippines vào thế đối đầu với Trung Quốc, và Mỹ nói rằng họ sẽ hỗ trợ nước này về nhiều mặt. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ liệu Mỹ sẽ làm vậy hay không, và ông Duterte không muốn đối đầu với Trung Quốc khi sức mạnh quân sự giữa hai bên quá chênh lệch”.

Nói về việc Mỹ lên án chiến dịch truy quét các băng đảng buôn ma túy khiến hàng ngàn người chết của Philippines, ông Tavrovsky cảnh báo rằng chính sách này có thể sẽ khiến ông Duterte trả giá đắt.

“Ông Duterte đã quyết định bảo vệ lợi ích quốc gia của mình bằng biện pháp cứng rắn, song Mỹ lại không hài lòng, và điều này có thể sẽ không có lợi. Trong khi đó, nội bộ Philippines vẫn còn những nhân vật ủng hộ Mỹ và có thể phá hoại ông Duterte, vì vậy ông ta mới cố gắng thu hút sự ủng hộ từ dân chúng”, ông Tavrovsky kết luận.

Nói về khả năng hợp tác giữa Nga và Philippines, bà Ekaterina Koldunova, một chuyên gia chính trị châu Á khác cho biết Nga “nên tận dụng mọi cơ hội có thể để mở rộng quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á”.

“Điều cần thiết là Nga nên trao đổi với Tổng thống Philippines để nâng cao quan hệ. Nếu đúng là ông Duterte muốn đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế và muốn tiến gần đến Trung Quốc và Nga, sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta bỏ qua cơ hội này”, bà Koldunova nói. Chuyên gia người Nga cũng đánh gia cao sự hợp tác khăng khít giữa Moscow và Manila trong lĩnh vực giáo dục, trao đổi văn hóa, nông nghiệp và năng lượng.

Khác với bà Koldunova, đồng nghiệp của bà là giáo sư Larisa Efimova giải thích rằng mặc dù Manila có ý định tách mình khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ, họ sẽ không dựa dẫm vào Trung Quốc bởi tại Philippines đã có nhiều doanh nghiệp gốc Trung Quốc đang kiểm soát kinh tế đất nước này. “Nếu họ ngả hoàn toàn về Bắc Kinh, ảnh hưởng của họ đối với Philippines sẽ quá lớn và như vậy sẽ không tốt”, bà Efimova nói.

Binh lính Mỹ và Philippines nối tay với nhau trong một buổi lễ thành
lập một trung tâm huấn luyện quân sự tại Manila (Philippines).

Theo đó, nữ chuyên gia cho biết, Manila cần Bắc Kinh để làm đối trọng trước ảnh hưởng của Mỹ để nước này “phải cẩn thận và chấp nhận một số điều kiện tài chính, đầu tư và ngoại giao có lợi cho Philippines. Người Philippines đã chán vị thế là “tàu sân bay” của Mỹ và muốn Mỹ phải mang lại cho họ một cái gì đó có giá trị tương đương”.

Về việc hợp tác với Nga, bà Efimova nói: “Với Philippines, việc tồn tại một thế lực thứ ba ở Biển Đông là điều tốt. Họ tin rằng càng có nhiều siêu cường thì càng có nhiều lựa chọn về chính sách đối ngoại. Những phát ngôn của ông Duterte thực tế đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng”.

Trước mắt bà Efimova tin rằng cần phải thận trọng với những động thái mà ông Duterte sẽ thực hiện. Bà cho biết ông Duterte vẫn còn phải e sợ bởi quân đội Philippines vẫn chịu sự ảnh hưởng từ Mỹ và tình thế lúc này vẫn còn rất phức tạp. “Tôi nghĩ ông ta biết mình đang làm gì và sẽ không để đất nước xảy ra cảnh đảo chính bằng vũ lực”, bà Efimova kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới