“Đối với luyện kim màu nhất là kẽm, nếu để xảy ra sự cố thì hậu quả còn nặng nề hơn thép cả trăm lần luyện thép ở Formosa Hà Tĩnh”.
Ảnh minh họa
Độc hại hơn luyện thép
Ngày 19/10, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh tại Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc. Uớc tính tổng mức đầu tư giai đoạn đầu của dự án khoảng 5 triệu USD.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đặng Văn Hảo, Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, trường Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ nhiều nghi ngại.
Theo PGS.TS Đặng Văn Hảo, đối với sản xuất kim loại nói chung và kim loại màu nói riêng, vấn đề môi trường luôn được đặt lên hàng đầu.
Đặc biệt với quặng kẽm thuộc loại đa kim, trong đó có chứa các yếu tố độc hại như Arsen, cadimi, selen, telua, chì… Vì vậy đối với luyện kim màu, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả còn nặng nề hơn thép cả trăm lần luyện thép ở Formosa Hà Tĩnh.
Vị chuyên gia phân tích: “Trong công nghệ thủy luyện kẽm bã thải gồm: khí lò thiêu, bã và dung dịch thải quá trình hòa tách axit. Vậy những chất này sẽ bỏ đi đâu? Đó là một vấn đề phải xem xét thận trọng. Vừa rồi trong Hà Tĩnh việc xử lý các chất thải từ nhà máy rất linh tinh. Họ đổ ở khắp nơi, khiến người dân nghi ngại”.
Bên cạnh đó, vấn đề xả thải cũng được PGS.TS Hảo đặc biệt lưu tâm. Theo ông nếu không xử lý tốt, khả năng ô nhiễm môi trường cũng như tác động đến cuộc sống của người dân xung quanh sẽ rất lớn. Như đã nói ở trên, trong chất thải của thủy luyện kẽm chứa nhiều độc tố như khí SO2, cadmi, asen, antimon và axit sunfuric…
Sử dụng phương pháp thủy luyện
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và đi thực tế các nước, PGS.TS Hảo khẳng định, trên thế giới hiện nay sử dụng 2 phương pháp để sản kẽm, đó là hỏa luyện và thủy luyện.
Phương pháp hỏa luyện kẽm cho năng suất thấp và nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn nên từ nhiều năm qua, các nước trên thế giới đã ưu tiên sử dụng phương pháp thủy luyện.
“Dù nó ra đời từ những năm 20 của thế kỷ 20 nhưng thủy luyện kẽm vẫn thể hiện được tính ưu việt. Hiện nay khoảng 70-80% tổng sản lượng kẽm của thế giới được sản xuất bằng phương pháp này. Tuy nhiên quan trọng đối với thủy luyện là phải chú trọng nhiều đến vấn đề môi trường. Trước đây chúng ta vẫn chưa lưu ý đến vấn đề này nhưng bây giờ yếu tố đó phải số 1. Nếu chúng ta làm bằng mọi giá thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”, PGS.TS Hảo nói.
Đi sâu vào phân tích, vị chuyên gia đặc biệt lưu ý đến vấn đề xử lý các sản phẩm của quá trình thủy luyện, đó là xử lý khói lò thiêu oxi hóa sunfua kẽm (sphailerit – ZnS), dung dịch và bã thải của quá trình hòa tách axit.
“Chúng ta đều biết, nguồn nguyên liệu đến 90% để sản xuất kẽm là đi từ sunfua kẽm. Muốn đưa về thủy luyện thì phải thiêu. Tức là thiêu triệt để sunfua kẽm để thành oxit kẽm phục vụ cho quá trình hòa tách trong môi trường axit H2SO4. Do quặng sufua kẽm thuộc loại đa kim, nên khi thiêu sẽ giải phóng ra một lượng rất lớn khí lò, gồm có SO2, bụi quặng và oxit của các kim loại dễ bay hơi như cadimi, oxit chì, oxit asen, oxit antimon…
Nếu không khử sạch khi lò trước khi thải, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Nhưng ngược lại, nếu xử lý tốt khí lò thiêu sẽ giải quyết được hai vẫn đề. Thứ nhất chúng ta không chỉ thu được khí SO2 sạch phục vụ cho sản xuất axit sufuric mà còn tận thu các kim loại quý như cadimi, antimon… có trong khí lò. Thứ hai, sẽ khống chế được lượng chất thải độc hại bay vào trong không khí”, PGS.TS Hảo phân tích.
Đặc biệt với khu vực Chân Mây – Lăng Cô được ví là một trong 10 vịnh đẹp nhất thế giới, vị chuyên gia cho rằng nếu dùng phương pháp thủy luyện để sản xuất kẽm thì lại càng có khả năng tác động đến môi trường xung quanh nhiều hơn.
“Khu Lăng Cô là vịnh rất đẹp, nếu chúng ta tiến xây dựng nhà máy thủy luyện kẽm sẽ rất nguy hiểm. Thực tế bán kính của khí thải có thể vươn ra tới 5-7 km từ miệng ống khói. Như thế những vùng nào nằm trong bán kính 5 km thì sẽ bị ảnh hưởng.
Điều tôi quan tâm và lo ngại nhất là nếu đi vào hoạt động thì họ sẽ xả thải bã và dung dịch thải của quá trình hòa tách ra đâu? Ra hồ, sông hay suối? hay ra biển? Đây là một vấn đề cần thiết phải lưu tâm”, PGS.TS Hảo lo ngại.
Theo PGS.TS Hảo hiện nay ở Việt Nam có một nhà máy sản xuất kẽm. Đó là nhà máy Kẽm điện phân ở Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006 với công suất 10.000 tấn kẽm kim loại 99,99%/năm và 10.000 tấn axít H2SO4 98%/năm.
“Nói thật là đến nay vấn đề xử lý môi trường của nhà máy vẫn chưa tốt, đã có lúc các chỉ số tác động môi trường xung quanh vượt ngưỡng cho phép. Tại thời điểm mới đi vào sản xuất, khí thải của lò thiêu lớp sôi gây ô nhiệm cho cư dân sống gần khu công nghiệp Sông Công, vì thế người dân ở đây đã chặn đường không cho lãnh đạo và công nhân vào nhà máy làm việc”, vị chuyên gia nói
Ông Hảo cũng kể lại buổi làm việc giữa bộ môn Vật liệu kim loại màu và Compozit với Giám đốc nhà máy luyện kẽm Thái Nguyên về việc thẩm định dự án mở rộng công suất luyện kẽm từ 10000T/năm lên 15000 T/năm thời gian tới.
“Trọng tâm của buổi thảo luận là vấn đề thẩm định công nghệ, thiết bị thủy luyện kẽm và công nghệ xử lý chất thải ảnh hưởng đến môi trường. Hai bên đã chỉ ra rằng, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về công nghệ thì chắc chắn không thể tăng năng suất. Bỡi lẽ, sản xuất kẽm nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao”, ông Hảo nhấn mạnh.