Monday, November 4, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLiệu TQ có định mở cảng khi xây nhà máy kẽm Lăng...

Liệu TQ có định mở cảng khi xây nhà máy kẽm Lăng Cô

“Bài toán kinh tế của Trung Quốc dường như thất bại. Họ muốn tận dụng các ưu đãi của Việt Nam về điện, thuế và điều kiện hỗ trợ kèm theo”.

Các chuyên gia cho rằng bài toán kinh tế đối với việc triển khai dự án kẽm tại Lăng Cô là thất bại.

Không khả thi về kinh tế

Liên quan đến việc Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh (Trung Quốc) mong muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Phùng Viết Ngư, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc – Luyện kim Việt Nam tỏ ra băn khoăn trước kế hoạch này.

Theo PGS.TS Phùng Viết Ngư xét về khía cạnh kinh tế, việc xây dựng nhà máy thép ở Thừa Thiên – Huế không đảm bảo các điều kiện cần thiết.

“Kẽm ở Việt Nam không có nhiều, chúng ta chỉ có 1 số mỏ ở khu vực phía Bắc nhưng sắp đóng cửa đến nơi rồi. Ở vùng Nghệ – Tĩnh thì chỉ có nhôm, còn thiếc thì số lượng rất ít. Ở Thừa Thiên –Huế thì làm gi có vùng nguyên liệu kẽm.

Hơn nữa bây giờ làm ra kẽm cũng rất khó khăn, 1 vài nơi đã làm rồi nhưng chưa được, hiệu quả không cao. Thực tế, bản thân Trung Quốc hiện nay cũng chết dở với việc sản xuất kẽm. Họ làm ra không bán được. Bán sang Việt Nam thì chúng ta cũng thận trọng, chỉ mua một ít nhất định. Nhất là khi họ phải vận chuyển nguyên liệu từ nơi khác đến nên tôi cho rằng khó có thể thành công với dự án này”, PGS.TS Ngư băn khoăn.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Thành Sơn – nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng tỏ ra lo ngại trước việc Trung Quốc lựa chọn một vùng không có thế mạnh về nguyên liệu để đặt nhà máy kẽm.

Vị chuyên gia cho rằng, với việc vận chuyển nguyên liệu từ nơi khác đến, chắc chắn giá thành sẽ cao và việc cạnh tranh với các sản phẩm khác sẽ khó khăn hơn.

“Bài toán kinh tế của Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn. Tôi nghĩ họ không chú trọng vào việc này. Cái chính hiện nay dường như Trung Quốc đang muốn chiếm đất để tận dụng các ưu đãi của Việt Nam về điện giá rẻ cho doanh nghiệp nước ngoài, về các khoản thuế, điều kiện hỗ trợ kèm theo. Hơn nữa, Lăng Cô lại là vị trí ở miền Trung, có cảng, về mặt an ninh quốc phòng cần phải cảnh giác”, TS Sơn lưu ý.

Phân tích thêm về kế hoạch của Trung Quốc, TS Sơn đánh giá, doanh nghiệp fuda Bắc Kinh có thể tính đến việc đưa nguyên liệu từ trong nước sang Việt Nam để sản xuất kẽm. Tuy nhiên, nếu tình huống đó xảy ra, về lâu dài thì chúng ta vẫn bị thiệt hại.

“Họ có thể nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về và xin mở cảng, xin những ưu đãi, hỗ trợ về thuế. Ở Formosa trước cũng xảy ra việc này rồi. Như thế cũng không tốt cho phía Việt Nam. Chúng ta phải có bài toán so sánh cơ hội trong kinh tế.  Chúng ta phải đặt câu hỏi, làm kẽm ra để làm gì trong khi cả thế giới đang thừa?”, TS Sơn nhấn mạnh.

Ám ảnh công nghệ yếu kém

Đối với các nhà máy sản xuất kẽm, điều TS Sơn lo ngại nhất đó chính là yếu tố công nghệ. Nếu không có sự đầu tư bài bản, hiệu quả, tính toán lâu dài thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Lấy thực tế ví dụ từ nhà máy luyện đồng Sinh Quyền, Lào Cai, vị chuyên gia phân tích kỹ hơn: “Đây là dự án do phía Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam các thiết bị, máy móc, công nghệ. Đáng ra khi sản xuất phải tạo ra đồng tinh  khiết đạt 99,99% nhưng thực tế chỉ luyện ra được 99,98%. Đồng phải đạt đến 4 số 9 thì mới làm được dây diện còn ở mức độ của đồng Sinh Quyền hiện tại chúng ta chỉ bán làm nguyên liệu cho Trung Quốc. Theo như tôi biết thì giờ đang bán với mức khoảng 4500 USD/tấn.

Công nghệ của Trung Quốc thường rất lạc hậu, cách đây khoảng hơn 50 năm. Nếu chúng ta cho xây dựng nhà máy này ở Huế thì nhiều khả năng cũng rơi vào trường hợp tương tự”.

Đặc biệt với một vị trí quan trọng như Lăng Cô, có nhiều thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, TS lo ngại, nếu cho phát triển dự án tại khu vực này sẽ khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng như tại Formosa Hà Tĩnh.

“Với mức đầu tư giai đoạn đầu của dự án khoảng 5 triệu USD, tôi nghĩ công nghệ không thể tốt được. 5 triệu USD mà họ dự tính thì không phải đầu tư công nghệ sử dụng trong thế kỷ 21. Chắc chắn công nghệ cũng thuộc dạng lạc hậu như họ đã sử dụng ở nhiều dự án khác trên lãnh thổ Việt Nam”, TS Sơn thẳng thắn.

Cùng nêu ý kiến, TS Nguyễn Văn Ban, Hội Khoa học kỹ thuật Đúc -Luyện kim Việt Nam cũng đặc biệt lưu tâm đến những nguy cơ có thể xảy ra đối với công nghệ từ Trung Quốc.

“Công nghệ sản xuất kẽm của Trung Quốc so với các nước tư bản tiên tiến thì vẫn còn kém. Họ thậm chí còn phải mua công nghệ tiên tiến về trong nước. Công nghệ tốt thì đương nhiên nó phải đắt hơn. Đặc biệt với công nghệ hiện đại thì phải áp dụng ở những nhà máy có công suất lớn thì mới chịu đựng được.

Tôi chưa rõ doanh nghiệp Trung Quốc vì sao lại lựa chọn Lăng Cô để đặt nhà máy kẽm. Nhưng nhiều khả năng họ muốn xuất khẩu công nghệ yếu kém, đẩy toàn bộ các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm sang phía Việt Nam. Việc này phải hết sức lưu ý”, TS Ban lo lắng.

Để chứng minh cho những lập luận của mình, vị chuyên gia dẫn chứng ngay nhà máy Kẽm điện phân ở Thái Nguyên. Ông Ban thừa nhận, do công nghệ nhập từ Trung Quốc không tốt nên dù đi vào hoạt động trong thời gian dài nhưng quy mô sản xuất cũng như hiệu quả kinh doanh của công ty này chưa cao, còn trì trệ.

“Sản xuất kẽm gây ô nhiễm nặng nề và rất nguy hiểm, từ chất thải khí, nước, rắn đi kèm kim loại nặng. Những bài học như vậy đáng để chúng ta xem xét”, TS Ban nói thêm.

Thẳng thắn từ chối

Trước quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ ưu tiên cho công nghiệp sạch và công nghệ cao, không ưu tiên những doanh nghiệp làm ảnh hưởng môi trường, TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định đây là sự lựa chọn cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Theo TS Sơn, ở Thừa Thiên – Huế nói chung và khu vực kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nói riêng cần phải ưu tiên những công nghệ thân thiện với môi trường như:  nông nghiệp hữu cơ, năng lượng mặt trời, phong điện,… thay vì chú trọng phát triển thép hay nhiệt điện.

“Chúng ta không thiếu gì đối tác vào Việt Nam xin đầu tư kinh doanh. Nếu giờ cấp hết đất  cho các doanh nghiệp Trung Quốc thì sau này có đối tác tốt hơn thì làm gì còn đất nữa. Tôi nghĩ một khi địa phương đã có chủ trương như vậy thì nên thẳng thắn từ chối không giao đất. Tuy nhiên nói là như vậy thôi. Lãnh đạo nhiều địa phương khi thấy doanh nghiệp nước ngoài hứa hẹn thì lại đồng ý và đưa đề xuất lên chính phủ. Chúng ta phải nhìn nhận hết sức tỉnh táo việc này”, TS Sơn nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Ban cũng khẳng định đề xuất từ phía Trung Quốc chúng ta phải tìm hiểu rất kỹ, đưa ra những quyết định thận trọng.

“Chúng ta phải xem việc sản xuất có hiệu quả hay không rồi mới tính đến chuyện cấp phép. Muốn làm được như vậy thì phải xem cụ thể dự án, nguồn nguyên liệu, giá cả, chi phí mọi thứ, công nghệ có tốt hay không. Nguy cơ ô nhiễm rất cao nên bắt buộc chúng ta phải thận trọng”, TS Ban thẳng thắn.

RELATED ARTICLES

Tin mới