Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCó hay không Philippines, Mỹ vẫn tiếp tục xoay trục về châu...

Có hay không Philippines, Mỹ vẫn tiếp tục xoay trục về châu Á

Dù đã mất đồng minh Thái Lan vào tay Trung Quốc và nay rất có thể mất cả Philippines nhưng dường như Mỹ không từ bỏ chính sách xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương.

Tàu khu trục USS Decatur của Mỹ tuần tra Biển Đông

Những tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây cho thấy mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Philippines đang bị rạn nứt sâu sắc. Mặc dù các hoạt động của Mỹ tại Philippines tính đến thời điểm này vẫn bình thường nhưng vào 24/11 tới, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines cũng như khả năng hai nước còn tập trận quân sự cùng nhau hay không sẽ rõ ràng. Ngày 27/10, giới chức quân đội Philippines và Mỹ đồng ý sẽ gặp và bàn chuyện còn liên minh với nhau hay không vào ngày 24/11, tức khoảng nửa tháng sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (ngày 8/11) kết thúc.

Từ hơn 10 năm trở lại đây, Mỹ đặc biệt coi trọng vai trò của Philippines. Tổng thống George W.Bush, hồi năm 2003, từng xếp Philippines vào danh sách “các đồng minh chủ chốt ngoài NATO”. Đến năm 2012, Tổng thống Barack Obama đánh giá Philippines là trọng tâm của chính sách “xoay trục về châu Á”, một ưu tiên chiến lược của chính quyền Obama. Chiến lược xoay trục nhằm chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc này thực hiện được phải dựa vào mối quan hệ đồng minh thì mới có thể tái bố trí các lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là một đồng minh lịch sử của Mỹ, gần đây cũng xích lại gần với Bắc Kinh. Lý do cũng bắt nguồn từ việc Washington lên án cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày 22/5/2014. Sự kiện Thái Lan dự kiến đặt mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc, khiến Lầu Năm Góc hết sức thất vọng.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn nhiều đồng minh vững chắc khác ở châu lục này như Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự quay lưng (có thể) của Philippines và Thái Lan không khiến Washington vì thế mà hủy bỏ kế hoạch xoay trục về châu Á của mình. Bằng chứng mới nhất là vào hạ tuần tháng 10/2016, Mỹ điều một khu trục hạm di chuyển gần các đảo mà Trung Quốc cho là của họ ở Biển Ðông. Chuyến đi này được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hạm đội 3, đặt tại San Diego. Đây là một thay đổi mới nhằm tăng cường khả năng hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực châu Á.

Bản tin của hãng Reuters nói rằng khu trục hạm USS Decatur hôm 21/10 đã thách đố “các khẳng định chủ quyền quá lố” của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng. Ðây là lần đầu tiên hoạt động xác định quyền tự do hải hành của chiến hạm Mỹ được thực hiện mà không đặt dưới quyền chỉ huy của Hạm đội 7, đặt bộ chỉ huy ở Nhật, và cũng là một thử nghiệm nhằm cho phép Hải quân Mỹ có thể cùng lúc đối phó với hai mặt trận ở châu Á.

Việc để cho Hạm đội 3 thường xuyên chỉ huy chiến hạm hoạt động ở châu Á, một điều chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến 2 tới nay, có nghĩa là Hải quân Mỹ sẽ dễ dàng hơn để cùng lúc hành quân ở nhiều nơi, như ở bán đảo Triều Tiên và ở Philippines.

Trước đây, khi chiến hạm của Hạm đội 3 vượt qua lằn ranh giới phân chia khu vực hoạt động của hai hạm đội thì sẽ chịu quyền kiểm soát của Hạm đội 7.

Hạm đội 3 gồm khoảng hơn 100 chiến hạm, kể cả bốn hàng không mẫu hạm. Trong khi đó, Hạm đội 7, đặt bộ chỉ huy tại cảng Yokosuka, gần Tokyo, có 80 chiến hạm, kể cả chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải quân Mỹ được thường trực bố trí tại châu Á là chiếc USS Ronald Reagan.

Việc tái tổ chức, cho Hạm đội 3 vai trò tiền tuyến lớn hơn, diễn ra trong khi chính sách “xoay trục” của Mỹ về châu Á đang suy yếu và trong khi Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán ở Biển Đông khiến căng thẳng gia tăng. Một quan chức Mỹ nói với Reuters hôm 24/10 rằng năm nay sẽ có thêm những tàu thuộc Hạm đội 3 được điều đến khu vực Đông Á.

Phát biểu trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng không chính thức Mỹ – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hawaii ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định chính quyền sắp tới của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chính sách xoay trục sang châu Á. Trước đó một ngày, ông Carter cho biết Mỹ sẽ mang các vũ khí tối tân nhất đến khu vực châu Á Thái Bình Dương để duy trì thế thượng phong khi thấy Trung Quốc tiếp tục đe dọa sự ổn định và hòa bình ở khu vực.

Đây là giai đoạn thứ hai trong kế hoạch của quân đội Mỹ xoay trục về châu Á, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Nói chuyện với quân đội trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở San Diego, California, ông Carter nói rằng khi “tái cân bằng” lực lượng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ biết chắc rằng lực lượng của mình “vẫn là lực lượng quân sự mạnh nhất ở khu vực và cũng là đối tác an ninh được lựa chọn”.

Lời thông báo của ông Carter hàm ý bắn tiếng cho Trung Quốc biết là họ đang làm cho các nước nhỏ ở khu vực thấy bất an khi ngang nhiên bồi đắp các bãi đá ngầm thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên biển Trường Sa cho cả không quân và hải quân nhằm khống chế cả khu vực. Theo nhận định của ông Carter, khu vực này là “khu vực có nhiều hệ quả nhất đối với tương lai của Mỹ”. Cho nên sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ là “sự quan trọng chiến lược căn bản đối với quốc gia chúng ta”.

Bộ trưởng Carter nói thêm, Mỹ sẽ đầu tư quân sự, tăng cường khả năng tấn kích và tiếp vận bên cạch các đầu tư rất lớn về chiến tranh trên mạng và không gian. Ông nói thêm rằng Lầu Năm Góc còn có “một vài thứ ngạc nhiên nữa” nhưng không không tiết lộ thêm gì khác ngoài “một số đầu tư nhảy vọt”.

Trở lại chuyến tuần tra lần đầu tiên của Hạm đội 3 của Mỹ tới Biển Đông, hôm 25/10, Bắc Kinh tuyên bố sẽ hành động nếu Mỹ gây tổn hại tới các quyền lợi an ninh cũng như chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, bắt đầu ngày 27/10/2016, Hải quân Trung Quốc bất ngờ mở cuộc tập trận quân sự ngay tại nơi chiến hạm Mỹ USS Decatur tuần tra trước đó.

Thời gian qua, hải quân Mỹ đã thực hiện 4 chuyến thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong năm qua. Và lần nào, Trung Quốc cũng phản ứng mạnh. Bắc Kinh xem sự hiện diện của chiến hạm Mỹ trong vùng Biển Đông là một sự “xâm phạm nghiêm trọng” chủ quyền “tự vẽ ra” của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Cara Abercrombie, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Nam và Đông Nam Á, nói rằng Washington sẽ không thay đổi việc thực hiện chiến lược “tái cân bằng”, và những cam kết của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được triển khai.

Liên quan tới việc Mỹ để mất hai đồng minh tại châu Á là Thái Lan và Philippines, báo Le Figaro của Pháp (ra ngày 24/10) nói rằng việc Washington công khai chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy của chính quyền Duterte đã không làm suy chuyển một ly vấn đề Nhà nước pháp quyền ở Philippines mà chỉ làm cho Mỹ mất đi một trong những đồng minh lâu đời nhất. Đây có thể sẽ là một trong những bài học đạo đức đắt giá cho Mỹ. Theo Le Figaro, để trở lại cuộc chơi châu Á, đối ngoại Mỹ giờ đây phải đi kèm với ngoại giao kinh tế, dựa trên cơ sở phát triển chung và đầu tư….. Người Mỹ sẽ phải bỏ đi những bài học đạo đức để tập trung vào những điều cốt lõi trong quan hệ ngoại giao: tương quan lực lượng, lợi ích và kết quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới