Quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với số vụ tấn công lấy cảm hứng từ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng tăng kể từ đầu năm đến nay.
Một sĩ quan cảnh sát thất thần sau vụ tấn công nhắm vào hai nhân
viên ở đồn cảnh sát Tangerang do “sói cô đơn” thực hiện – Ảnh: AFP
Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là số lượng “sói cô đơn” – cách chuyên gian gọi những kẻ tấn công đơn độc không thuộc nhóm khủng bố cơ hữu nào – đang có chiều hướng tăng tại Indonesia.
Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia, tướng Tito Karnavian ngày 26-10 thừa nhận, trong khi các “mạng lưới cũ” của các nhóm khủng bố thường xuyên vẫn còn là mối đe dọa lớn thì một xu hướng nguy hiểm lớn khác đang đến từ vấn nạn “sói cô đơn”.
“Bọn họ có thể được truyền cảm hứng, tuyển dụng qua các phương tiện truyền thông xã hội, được đào tạo trực tuyến bao gồm cả việc cách chế tạo các loại bom và tiến hành các vụ tấn công một mình”, tướng Tito nêu lo ngại.
Người đứng đầu cảnh sát Indonesia thừa nhận rằng nhà chức trách vẫn đang chật vật trong việc phát hiện những con “sói cô đơn” ẩn nấp.
Ông không nói rõ có bao nhiêu trường hợp “sói cô đơn” đã bị phát hiện kể từ đầu năm nhưng nhấn mạnh xu hướng này đang gia tăng.
Báo Straits Times dẫn lời tướng Tito tiết lộ có ít nhất 3 sự cố tấn công kiểu “sói cô đơn” trong những tháng gần đây.
Một trong ba vụ này vừa mới xảy ra hồi thứ Năm tuần trước (20-10). Khi đó, một người đàn ông thất nghiệp 21 tuổi đã tấn công hai nhân viên tại đồn cảnh sát ở Tangerang bằng dao và bom ống tự chế.
Nghi phạm sau đó đã bị cảnh sát bắn và chết trên đường tới bệnh viện. Lực lượng IS sau đó tuyên bố đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Hai vụ còn lại xảy ra trong tháng 7 và tháng 8 khi những con “sói cô đơn” cố gắng tấn công các đồn cảnh sát và một nhà thờ Công giáo. Cả hai vụ đều thất bại vì hoặc bom không nổ hoặc kẻ tấn công đã bị cảnh sát tóm gọn.
Để đối phó với vấn nạn này, Cơ quan chống khủng bố quốc gia của Indonesia (BNPT) gần đây đã thiết lập một đội đặc biệt có nhiệm vụ chống những chiến dịch tuyên truyền và kích động tấn công của IS trên mạng Internet.
Tuy nhiên, hôm qua, người đứng đầu BNPT là Suhardi Alius cũng thừa nhận rằng những nỗ lực của Indonesia đang có vấn đề.
“Chúng ta có thể chặn các trang web cực đoan nhưng không thể chặn được các phương tiện truyền thông xã hội”, ông Suhardi giải thích.
Ông Suhardi nhấn mạnh truyền thông xã hội có vai trò lớn trong việc truyền bá các tư tưởng khủng bố cực đoan và góp phần đẩy số lượng những con “sói cô đơn” ngày một tăng trên thế giới.