Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTin dữ cho TQ: Tên lửa BrahMos tăng gấp đôi tầm bắn

Tin dữ cho TQ: Tên lửa BrahMos tăng gấp đôi tầm bắn

Defense News dẫn lời một quan chức trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, Ấn Độ và Nga đã thông qua kế hoạch tăng gấp đôi tầm bắn của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos lên 600km.

Theo vị này, tầm bắn của BrahMos được tăng lên bởi Ấn Độ đã tham gia Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), mang lại cho New Delhi cơ hội hợp tác với nước ngoài để phát triển công nghệ tên lửa.

Hai phía (Nga và Ấn Độ) đã đạt được thỏa thuận hôm 26/10 tại cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự, do Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đồng chủ trì.

Hiện tại, tên lửa BrahMos đã có phiên bản phóng trên bộ và phóng từ tàu chiến, phiên bản phóng từ trên không vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và có thể sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

“Với tầm bắn gần 300km, tên lửa BrahMos phải được triển khai tương đối gần với khu vực mục tiêu. Giờ đây, phạm vi các khu vực triển khai sẽ linh hoạt hơn nhều, nâng cao tính bất ngờ” – ông Rahul Bhonsle, Chuẩn tướng Lục quân Ấn Độ đã về hưu, đồng thời là chuyên gia phân tích quân sự nhận định.

Tin dữ cho Trung Quốc: Tên lửa BrahMos tăng gấp đôi tầm bắn - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos

Dự án tên lửa hành trình BrahMos do công ty BrahMos Aerospace xúc tiến. Đây là công ty liên doanh giữa Tổ chức nghiên cứu & phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và công ty NPO Mashinostroyenia của Nga, được thành lập năm 1998.

Theo một chuyên gia tại DRDO, việc tăng tầm bắn “chỉ đòi hỏi những thay đổi rất nhỏ trong phần cứng và phần mềm (của tên lửa)”.

Cùng quan điểm trên, một quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết, “BrahMos là phiên bản của tên lửa chống tàu P-800 Oniks/Yakhont (do Nga sản xuất) và không cần phải sửa đổi gì nhiều để có thể đạt được tầm bắn 600km”.

Năm 1998, Ấn Độ đã được Nga chuyển giao công nghệ chế tạo tên lửa BrahMos nhưng với tầm bắn chưa đầy 300km, do khi đó nước này chưa tham gia hiệp ước MTCR.

“Quân đội Ấn Độ luôn ưa chuộng tên lửa hành trình hơn tên lửa đạn đạo, bởi tên lửa hành trình có thể bay thấp hơn, tránh được radar (đối phương) và tấn công mục tiêu chuẩn xác” – một quan chức Ấn Độ nói.

New Delhi đã phát triển tên lửa hành trình Nirbhay hơn 7 năm nay nhưng dự án này mới chỉ đạt tới giai đoạn thử nghiệm và chưa xác định được thời điểm triển khai. DRDO vẫn chưa tiến hành cuộc thử nghiệm tiếp theo kể từ vụ phóng thất bại tên lửa Nirbhay trong tháng 10/2015.

Tuy nhiên, DRDO lưu ý rằng, 2 loại tên lửa siêu thanh trên có cấu hình khác nhau: BrahMos là tên lửa tầm trung, trong khi Nirbhay có tầm bắn lớn hơn, tới 1.000km.

Theo thông tin vào tháng 9 năm nay, quân đội Ấn Độ đã triển khai trung đoàn thứ tư với 100 tên lửa BrahMos và 5 xe phóng tự hành tại bang Arunachal Pradesh, khu vực giáp biên giới Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc (PLA) ngay lập tức lên án động thái của Ấn Độ là một mối đe dọa, “vượt quá nhu cầu tự vệ thông thường”, đồng thời cảnh báo New Delhi rằng “việc sử dụng chiêu trò sẽ chỉ dẫn tới hậu quả”.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, mối lo ngại của Bắc Kinh có vẻ không nằm ở phiên bản hiện tại của tên lửa BrahMos bởi nó chỉ có tầm bắn tối đa 290km, không thể gây nguy hiểm cho nhiều khu vực bên kia biên giới Trung Quốc. Điều khiến Bắc Kinh lo ngại là, với một số cải tiến nhất định, tên lửa BrahMos có thể mang lại mối đe dọa lớn hơn.

Trong lúc chờ phiên bản siêu vượt âm BrahMos II sẵn sàng triển khai trong 5-7 năm tới thì việc tăng gấp đôi tầm bắn của tên lửa BrahMos hiện nay cũng sẽ mang lại cho Ấn Độ lợi thế chiến lược đáng kể khi tác chiến, đe dọa các hệ thống phòng không của Bắc Kinh. Trung Quốc hẳn sẽ phải thận trọng khi nghĩ tới con số 600km này.

RELATED ARTICLES

Tin mới