Bản tin Biển Đông ngày 31/10/2016.
Tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: AFP)
1) Phía Philippines tuyên bố: các tàu Trung Quốc đã rời khỏi bãi cạn Scarborough trên Biển Đông
Ngày 28/10, các trang Sydney Morning Herald, New York Times, Reuters, Channel News Asia, ABS-CBN, The Manila Times, The Japan Times…
Ngày 28/10, theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, tàu Trung Quốc đã rời khỏi bãi cạn Scarborough và ngư dân Philippines có thể quay trở lại với hoạt động đánh bắt tại bãi cạn tranh chấp này, đồng thời có lời ca ngợi hành động của Trung Quốc là “một bước ngoặt đáng hoan nghênh” bởi đây là “lần đầu tiên sau 4 năm, ngư dân Philippines có thể đi vào khu vực bãi cạn này mà không bị gây khó dễ”. Thông tin này xuất hiện chỉ một tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh. Cùng ngày, khi được hỏi về việc ngư dân Philippines có thể quay lại bãi cạn này hay không, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, không hề đề cập tới việc tàu của mình đã rời khỏi khu vực rút lui mà chỉ nói vu vơ rằng nói rằng hai nước “đã có thể hợp tác trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông và giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng”.
Tuy nhiên, ông Ian Storey, một chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Yusof Ishak tại Singapore, lại cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên bởi “ông Duterte đã đưa ra đề nghị nhượng bộ này trong chuyến thăm Bắc Kinh, và nếu Trung Quốc hiểu rằng nếu từ chối yêu cầu này, ông Duterte sẽ bị mất mặt và như thế là mất đi động lực để thúc đẩy lập trường “thân Trung”. Đồng thời, ông Storey cũng nhận định, động thái này của Trung Quốc là nhằm gửi đến các nước Đông Nam Á có tranh chấp trên các vấn đề biển với Bắc Kinh rằng “Miễn là không thách thức các yêu sách biển của Trung Quốc thì đổi lại Trung Quốc sẽ tỏ ra “cao thượng” và “ban ơn” để cùng chia sẻ nguồn tài nguyên vốn là của nước này”. Trong khi đó, Phó Giáo sư Richard Javad Heydarian chuyên ngành khoa học chính trị, Đại học De La Salle tại Manila, cho rằng không dễ gì mà Trung Quốc có thể đưa ra thỏa hiệp một cách quá nhanh chóng đối với vấn đề tối quan trọng – vấn đề chủ quyền của nước này trên Biển Đông, do đó, “quá sớm để biết liệu Trung Quốc có tiếp tục thỏa hiệp hay không”.
2) Học giả Trung Quốc “thẳng thắn”: Bắc Kinh không đưa ra thỏa hiệp nào về vấn đề Biển Đông
Ngày 29/10, trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin:
Liên quan đến thông tin được truyền thông đăng tải về việc các tàu của Trung Quốc rời khỏi bãi cạn Scarborough đang tranh chấp trên Biển Đông là biểu hiện của mối quan hệ đang ngày càng nồng ấm giữa Bắc Kinh và Manila. Một số học giả Trung Quốc thản nhiên thừa nhận rằng, Bắc Kinh đã cố ý ngăn chặn việc đề cập đến “giấy phép đánh cá cho người Philippines” trong tuyên bố chung với Manila nhân chuyến thăm của Tổng thống Duterte đến Bắc Kinh vừa qua. Theo ông Du Jifeng, chuyên gia các vấn đề Đông Nam Á, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, “việc cho phép tự do đi vào đánh cá không thể mang tính chính thức và vĩnh viễn, còn quá sớm để khẳng định quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quốc trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào, bởi đây mới chỉ là sự khởi đầu”. Các chuyên gia về biển khác ở Bắc Kinh lại quanh co khi cho rằng Trung Quốc và Philippines đang nỗ lực tìm một biện pháp khác không liên quan đến những bất đồng xoay quanh quyền đánh cá, một vấn đề nhức nhối từ trước tới nay giữa hai nước, với cái cớ “sau chuyến thăm của Tổng thống Duterte, hai bên dường như đã đạt được nhận thức chung nhất định nhằm hạ nhiệt căng thẳng”. Thậm chí, các học giả còn tỏ ý “ngờ vực” rằng “liệu có thể hạ nhiệt tranh chấp hay không nếu cho phép ngư dân quay trở lại”.
3) 10 điểm đáng chú ý liên quan đến việc Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough
Ngày 29/10, tờ International Business Times đưa tin:
Vừa qua, ngày 28/10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuyên bố tàu thuyền của Trung Quốc đã rời khởi bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, nhờ đó các ngư dân của Philippines đã có thể quay trở lại ngư trường truyền thống của nước này. Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc không đưa ra bất cứ thông tin nào để xác nhận cũng như bác bỏ thông tin này. Phía Mỹ thì cho biết đang tiến hành điều tra xem thực sự các tàu của Bắc Kinh đã rời khỏi các khu vực Philippines yêu sách hay chưa. Do đó, có 10 điểm đáng chú ý: (i) Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana khẳng định hiện tại các ngư dân đã được tiếp cận bãi cạn một cách tuyệt đối để “tiếp tục đánh cá ở khu vực”, bởi “sau 3 ngày đã không xuất hiện bất cứ tàu thuyền, lực lượng cảnh sát biển hay hải quân của Trung Quốc ở khu vực Scarborough…”; (ii) câu chuyện trở nên khó hiểu bởi trước đó quân đội nước này cho biết có một vài tàu Trung Quốc ở khu vực bãi cạn, truyền thông Philippines cũng đưa tin cho biết các tàu của Trung Quốc vẫn tiếp tục lởn vởn ở khu vực; (iii) Phản ứng do Bộ Ngoại giao Trung Quốc là phát biểu mang tính “nước đôi”, mập mờ khi cho rằng hai nước “có thể cùng hợp tác trong một số vấn đề liên quan đến Biển Đông và giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng”; (iv) Nếu sự việc được xác nhận thì Mỹ hoan nghênh động thái nhằm giải quyết tranh chấp, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, “hy vọng rằng đây sẽ không phải là một biện pháp tạm thời… mong muốn đây sẽ là biểu hiện cho thấy Trung Quốc và Philippines đang hướng đến một thỏa thuận về việc cho phép đánh cá tại bãi cạn Scarborough phù hợp với Phán quyết Trọng tài ngày 12/7; (v) sự việc xảy ra sau chuyến thăm của ông Duterte tới Trung Quốc; (vi) bãi cạn Scarborough là vấn đề trung tâm trong tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh, tuy nhiên khi Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bác bỏ các yêu sách đòi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc đã tìm các phớt lờ phán quyết này; (vii) Tòa Trọng tài đã kết luận rằng không một nước nào có quyền tuyệt đối đối với bãi cạn này; (viii) Dù bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ biển Philippines 100km, trong khi đó cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 500 kmờ biển gần nhất của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã ngang nhiên chiếm giữ bãi cạn từ năm 2012 và từ đó chưa bao giờ đưa quân rời khỏi khu vực này; (ix) ngoài 2 nước này ra, còn Đài Loan, Malaysia, Philippines, Việt Nam là các bên tranh chấp ở điểm nóng của khu vực này; (x) Mỹ và các đồng minh Đông Nam Á khẳng định Trung Quốc đang lợi dụng bãi cạn cũng như những đảo nhân tạo khác ở các vùng biển tranh chấp để xây dựng quân đội.
4) Trung Quốc vẫn giám sát chặt chẽ bãi cạn Scarborough sau khi ngư dân Philippines được quay trở lại đánh cá ở khu vực
Ngày 30/10, tạp chí Japan Times, hãng tin Fox News, báo Philippine Star …đưa tin:
Ngày 30/10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định, trong chuyến khảo sát cuối tuần, ông cho biết máy bay của hải quân Philippines đã nhìn thấy có ít nhất 4 tàu hải cảnh Trung Quốc xung quanh bãi cạn, đồng thời tuyên bố báo cáo trước đó nói rằng tàu Trung Quốc đã rời khỏi khu vực bãi cạn Scarborough là không chính xác. Bên cạnh đó, Cố vấn An ninh Quốc gia, ông Hermogenes Esperon, cũng khẳng định vẫn có hai tàu của Trung Quốc – một tàu nghiên cứu khoa học và một tàu chiến của hải quân – đã được phát hiện ở khu vực bãi cạn Scarborough từ ngày 17/10 đến 27/10, tuy nhiên các ngư dân Philippines vẫn có thể đi vào khu vực. Tuy vậy, ông cho biết, “dù không có một thỏa thuận hay quy tắc bằng văn bản nào song các ngư dân Philippines cho hay không hề bị các tàu của Trung Quốc đuổi đi hay bị gây sự”, trong khi thông thường có tới 5 tàu hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và 4 tàu cảnh sát biển của Trung Quốc hiện diện ở khu vực.” Người Phát ngôn của Tổng thống, ông Martin Andanar tuyên bố, Điện Malacañang “hoan nghênh sự chuyển biến tốt đẹp dành cho ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough”.
Vài ngày trước chuyến thăm tới Trung Quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố rằng ngư dân Philippines sẽ sớm được quay trở lại đánh cá ở khu vực Scarborough. Ông cũng đã khẳng định vấn đề này đã được thực hiện trong cuộc gặp với người đồng cấp Bắc Kinh đầu tháng trước.
Ngư dân Philippines tỏ ra vô cùng vui mừng trước sự kiện mới này. Các ngư dân cho biết họ không bị phía Trung Quốc đe dọa, mặc dù tàu cảnh sát biển Trung Quốc vẫn bám theo các tàu của họ như trước đây, nhưng lần này chỉ để theo dõi chứ không tịch thu thiết bị hoặc tài sản trên tàu. Mặc dù vậy, vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ “buông lỏng” bãi cạn cho ngư dân Philippines trong bao lâu cũng như có đòi hỏi thêm điều kiện gì đối với Manila hay không.
5) Indonesia và Úc đang cân nhắc khả năng tuần tra chung ở Biển Đông
Ngày 31/10, tạp chí The Diplomat đăng tải bài viết “Indonesia và Úc đang cân nhắc khả năng tuần tra chung ở Biển Đông?” của ông Prashanth parameswaran, Phó Tổng Biên tập của The Diplomat:
Trong bài viết, ông Prashanth Parameswaran thể hiện sự quan tâm đến việc Indonesia và Úc cùng cân nhắc tới khả năng thực hiện các cuộc tuần tra chung giữa hai quốc gia và ảnh hưởng của chúng đối với tình hình Biển Đông. Ngày 28/10, trả lời phỏng vấn của tờ The Jakarta Post sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tiết lộ, hai nước Indonesia và Úc có thể tiến tới triển khai tuần tra chung ở phía Đông Biển Đông để bảo đảm sự an toàn cho các vùng biển khu vực. Thêm vào đó, ông cũng cho biết sẽ sớm lên phương án triển khai kế hoạch này và “phía Úc ít nhiều đã đồng ý với kế hoạch này”. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung các cuộc tuần tra này có rất ít thông tin cụ thể.
Liên quan đến cách tiếp cận từ phía Indonesia, ông Ryacudu khẳng định, tuy không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, Jakarta vẫn là một bên có lợi ích bởi đường chín đoạn mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt đã chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh quần đảo Natuna của Philippines. Theo đó, cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Indonesia có thể được xem là một “sự cân bằng khéo léo” khi vừa hướng các chủ thể sử dụng con đường ngoại giao, nhấn mạnh tính tôn nghiêm của các thể chế khu vực và luật pháp quốc tế (sức mạnh mềm), vừa áp dụng các biện pháp an ninh, pháp lý và kinh tế để bảo vệ lợi ích của nước này (sức mạnh cứng). Thế nhưng, những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây khó dễ cho Indonesia và khiến nước này phải “suy nghĩ lại”, dù không hoàn toàn từ bỏ cách tiếp cận nói trên. Jakarta đã tăng cường và công khai các sáng kiến cân bằng nhiều hơn và cứng rắn hơn, dù trong khi đó vẫn đảm bảo duy trì và thậm chí còn thúc đẩy các cam kết với Trung Quốc trên khía cạnh sức mạnh mềm, bởi ông Widodo thấy rằng tham vọng của Trung Quốc trong khu vực có thể “liên hệ” đến các mục tiêu kinh tế trong nước mà ông đang theo đuổi.