Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tin“Nút thắt” trong quan hệ Trung Quốc-Philippines đã được tháo gỡ?

“Nút thắt” trong quan hệ Trung Quốc-Philippines đã được tháo gỡ?

Các tàu của Trung Quốc đã không còn hiện diện ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông và tàu Philippines có thể trở về ngư trường đánh cá truyền thống của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm qua (28/10) cho biết đồng thời miêu tả động thái của Bắc Kinh là “một diễn biến đáng hoan nghênh”.

Ảnh minh họa

Ngư dân Philippine lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua đã có thể tiếp cận bãi cạn Scarborough mà không bị cản trở, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho hay. Đây có thể coi là dấu mốc đánh dấu sự thay đổi đột ngột đáng kinh ngạc trong mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc – một mối quan hệ đã từng chao đảo vì vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Việc các tàu của Trung Quốc rời khỏi bãi cạn Scarborough diễn ra sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có chuyến thăm gây chú ý đến Bắc Kinh và sau khi ông này liên tục yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc phong tỏa bãi cạn Scarborough.

“Kể từ cách đây 3 ngày, đã không còn có sự hiện diện của các tàu cũng như lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Trung Quốc ở khu vực Scarborough. Nếu các tàu Trung Quốc đã rời đi thì điều đó có nghĩa là các ngư dân của chúng ta có thể bắt đầu lại hoạt động đánh bắt cá ở nơi này”, Bộ trưởng Lorenzana cho các phóng viên biết.

Tuy nhiên, lại có những thông tin trái ngược với những gì Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana thông báo. Cụ thể, một phát ngôn viên quân sự Philippines trước đó cho hay, tàu Trung Quốc “vẫn ở đó”. Một số ngư dân quen thuộc với bãi cạn Scarborough cũng nói điều tương tự.

“Nút thắt” trong quan hệ Trung Quốc-Philippines đã được tháo gỡ?

Mặc dù bãi cạn Scarborough chỉ bao gồm vài bãi đá nổi lên trên mặt biển cách đất liền của Philippines khoảng 230km nhưng nó được xem là biểu tượng trong nỗ lực của Manila nhằm xác lập chủ quyền ở Biển Đông.

Bộ trưởng Lorenzana không cho biết cụ thể tình huống các tàu Trung Quốc rời bãi cạn như thế nào. Trong khi đó, khi được hỏi về sự trở lại của các ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang không đả động gì đến việc nước này rút tàu ra khỏi khu vực. Ông Lu chỉ nói: Hai nước “có thể hợp tác với nhau trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông và xử lý thích hợp các cuộc tranh chấp”.

Bãi cạn từng là trung tâm của cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.

Manila bắt đầu ra đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.

Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.

Trước diễn biến trên, vào tháng 1 năm 2013, Manila đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.

Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Hành động quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông của phía Manila đương nhiên không được Trung Quốc chấp nhận. Bắc Kinh đã tìm mọi cách để ngăn chặn vụ kiện của Philippines nhưng không thành công.

Hồi tháng Bảy mới đây, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết có lợi cho Philippines và Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết này.

Mối quan hệ Trung Quốc và Philippines bắt đầu đảo chiều dưới thời Tổng thống Duterte. Nếu như chính quyền tiền nhiệm của ông Duterte theo đuổi chính sách khiến Trung Quốc tức giận thì ông Duterte lại đi ngược lại, liên tục khen ngợi Bắc Kinh và không ngần ngại công kích đồng minh lịch sử thân thiết là Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte là một vị chính khách khó đoán và vấn đề bãi cạn Scarborough rất nhạy cảm nên chưa thể khẳng định Trung Quốc và Philippines đã tháo gỡ được nút thắt khó khăn nhất trong quan hệ song phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới