Theo Reuters, chính quyền Malaysia có kế hoạch mua chiến hạm do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, sẽ rất khó để Kuala Lumpur thực hiện thương vụ này.
Rất có thể, Malaysia sẽ mua chiến hạm được đóng bởi Trung Quốc.
Theo nguồn tin này, nhiều khả năng Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ ký thỏa thuận mua tàu chiến Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức kéo dài 1 tuần.
Và rất có thể, Malaysia sẽ ký hợp đồng mua các tàu tác chiến ven biển từ Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Najib Razak.
Trang điện tử của Bộ Quốc phòng Malaysia hôm 29/10 đã đăng nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein lên Facebook nhưng đã gỡ bỏ sau khi Reuters đề nghị người phát ngôn cơ quan này bình luận.
“Vào ngày 5/11/2016, Bộ Quốc phòng sẽ ký hợp đồng mua các tàu tác chiến ven biển (LMS) với Cơ quan Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (SASTIND), sự kiện quan trọng trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Najib Razak”, nội dung được đăng tải có đoạn viết.
Trong khi đó trên trang mạng Malaysia Defence, chính phủ Malaysia muốn mua 2 tàu chiến Trung Quốc để trang bị cho lực lượng hải quân nước này mặc dù Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) không mặn mà lắm với kế hoạch này.
Một số nguồn tin thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Malaysia tiết lộ, Bộ quốc phòng Malaysia đã lên kế hoạch mua số tàu chiến này từ hai năm qua sau đề xuất hỗ trợ tài chính từ một nhóm doanh nghiệp của Malaysia và Trung Quốc, nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.
Dù cả Malaysia và Trung Quốc chưa xác nhận thông tin về kế hoạch mua sắm này nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, sẽ không hề dễ dàng với Kuala Lumpur khi thực hiện thương vụ mua sắm này với Trung Quốc.
Kế hoạch của Chính phủ Malaysia có thể đẩy Hải quân nước này vào thế khó. Khi mà phải tích hợp các tàu chiến do Trung Quốc chế tạo với phần còn lại của hạm đội tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Malaysia vốn chỉ được trang bị các tàu chiến theo tiêu chuẩn Phương Tây.
Do đó, có nguồn tin cho rằng, phần thân tàu và hệ thống động cơ chắc chắn sẽ được đóng hay lắp ráp tại Trung Quốc, còn các thiết bị điện tử, hệ thống quản lý tác chiến trên biển và hệ thống vũ khí do Phương Tây sản xuất sẽ được lắp ráp ở Malaysia.
Mặc dù hiện tại phía Hải quân Malaysia và Trung Quốc vẫn bất đồng về thiết kế của các con tàu này nhưng có thể nó sẽ được trang bị các động cơ diesel MTU do Đức chế tạo.
Theo đó, phần thân tàu sau khi được đóng xong ở Trung Quốc sẽ được vận chuyển đến nhà máy đóng tàu Boustead ở Lumut để hoàn tất quá trình lắp ráp các thiết bị điện tử và hoàn thiện.
Quá trình có thể sẽ diễn ra khá phức tạp một phần là do các công ty quốc phòng của Phương Tây sẽ không bao giờ đồng ý việc chuyển các thiết bị quân sự của mình sang Trung Quốc để lắp ráp.