Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự thật đằng sau việc Trung Quốc rút lui ở Biển Đông

Sự thật đằng sau việc Trung Quốc rút lui ở Biển Đông

Chính quyền Philippines hồi tuần trước tuyên bố Trung Quốc đã rút toàn bộ các tàu ra khỏi bãi cạn Scarborough ở Biển Đông và các ngư dân của Philippines có thể trở lại hoạt động ở khu vực này.

Ngư dân Philippines đã được quay trở lại đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough

Tuy nhiên, sự thực là Bắc Kinh chỉ giảm sự hiện diện ở bãi cạn Scarborough chứ không phải rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi khu vực tranh chấp này như phía Manila tuyên bố. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có sự nhượng bộ khi không ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận khu vực vốn từng là ngư trường đánh cá truyền thống của họ.

Theo lời cố vấn của Tổng thống Philippines – ông Hermogenes Esperon hôm qua (30/10) cho biết, các tàu của Trung Quốc vẫn có mặt ở khu vực bãi cạn Scarborough nhưng không ngăn chặn các tàu của ngư dân Philippines như trước nữa. Diễn biến này diễn ra sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có chuyến thăm đến thủ đô Bắc Kinh cách đây 2 tuần.

Sự xuống nước đầy bất ngờ của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông có thể khiến Manila vui mừng. Tuy nhiên, tình hình trên vùng biển nóng bỏng này vẫn chưa có gì thể hiện sự ổn định dù lập trường của Trung Quốc rõ ràng đã có sự dịu nhẹ đi.

Bãi cạn Scarborough là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012. Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.

Kể từ sau đó, Trung Quốc quyết liệt đuổi và ngăn chặn không cho các ngư dân Philippines tiếp cận khu vực Scarborough, dẫn đến việc Manila vẫn nộ đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Động thái này đã thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trong cuộc tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông trong suốt mấy năm qua.

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền hồi tháng Sáu, cuộc khủng hoảng ở Biển Đông đã đảo chiều với việc Nhà lãnh đạo Philippines thể hiện rõ mong muốn làm lành với nước láng giềng Trung Quốc. Ông Duterte đã chọn Bắc Kinh là điểm đến đầu tiên ngoài ASEAN để tìm cách khôi phục và phát triển quan hệ Bắc Kinh-Manila. Kết quả là Trung Quốc tạm thời nới lỏng sự kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Theo hãng tin GMA, các tàu Philippines đã trở về từ bãi cạn Scarborough với hàng tấn cá.

Trước đó, hồi cuối tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hùng hồn tuyên bố, các tàu của Trung Quốc đã không còn hiện diện ở bãi cạn Scarborough và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Philippines ở khu vực sẽ được nối lại. Phát ngôn viên của ông Duterte cũng có những phát biểu tương tự.

Tuy nhiên, mới đây nhất, ông Esperon thừa nhận, lực lượng quân đội giám sát khu vực đã cho thấy, Trung Quốc chỉ giảm sự hiện diện ở bãi cạn Scarborough chứ không phải là rút lui hoàn toàn như các thông tin trước đó.

“Từ ngày 17 đến 27/10, chỉ có hai tàu Trung Quốc xuất hiện trong khu vực. Trong quá khứ, con số trung bình mỗi ngày thường vào khoảng 5 tàu Hải quân và 4 tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Không có thỏa thuận hay quy định bằng văn bản nào về việc này nhưng các ngư dân Philippines đến bãi cạn Scarborough gần đây nhất đều khẳng định họ không còn bị xua đuổi”, phát ngôn viên Esperon nhấn mạnh. Các ngư dân trở về cũng cho biết, hai hoặc ba tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã lượn lờ ở bãi cạn nhưng không quấy rối họ.

Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này khi được hỏi về thông tin trên đã đưa ra một câu trả lời không có sự cam kết, xác nhận nào.

Trung Quốc sẽ không từ bỏ bãi cạn Scarborough

Trong khi Manila vui mừng miêu tả động thái của Trung Quốc là một “diễn biến tích cực” thì nhiều người tin rằng, đó chỉ là một sự nhượng bộ tạm thời để phục vụ lợi ích trước mắt và Bắc Kinh sẽ không từ bỏ ý định chiếm bãi cạn Scarborough.

Bắc Kinh rút lui tạm thời để tranh thủ thời cơ tăng cường quan hệ với Philippines và khoét sâu mâu thuẫn giữa chính quyền Tổng thống Duterte với đồng minh Mỹ. Điều này sẽ giúp Trung Quốc làm suy yếu liên minh của Mỹ trong khu vực – một liên minh mà Bắc Kinh tin là đang tìm cách bao vây, kiềm chế sự nổi lên của họ.

Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Mặc dù bãi cạn Scarborough chỉ bao gồm vài bãi đá nổi lên trên mặt biển nhưng nó được xem là biểu tượng trong nỗ lực của Manila nhằm khẳng định chủ quyền và các quyền hàng hải của họ ở Biển Đông. Trong khi đó, bãi cạn Scarborough là một phần quan trọng trong âm mưu của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.

RELATED ARTICLES

Tin mới