Theo tờ Korea Times, bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các chính sách cứng rắn của Seoul đối với Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị cáo buộc để bạn thân của mình, bà Choi
Soon-sil, gây ảnh hưởng đến các chính sách và lợi dụng mối quan hệ để trục lợi riêng.
Bà Park đang phải đối đầu với một rắc rối lớn khi bà bị cáo buộc để bạn thân của mình, bà Choi Soon-sil, gây ảnh hưởng đến các chính sách và lợi dụng mối quan hệ để trục lợi riêng. Với việc người dân Hàn Quốc đang vô cùng tức giận với thông tin trên, bà Park sẽ khó khăn trong việc thực hiện các chính sách của mình trong phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, trong đó có cả các chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên.
Ông Yang Moo-jin, một giáo sư tại trường Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên nhận định: “Các chính sách về Triều Tiên bao gồm những biện pháp chống lại chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể sẽ ‘bốc hơi” khi chính phủ không nhận được sự ủng hộ của công chúng và cộng đồng quốc tế”.
Ông nói thêm: “Nếu việc quản lý của chính phủ về những vấn đề quốc gia không được công chúng ủng hộ, rất khó có được sự ủng hộ của quốc tế. Chính sách cứng rắn của bà Park sẽ đi vào bế tắc”.
Kể từ khi lên nắm quyền, bà Park đã có những động thái rất mạnh mẽ đối với Triều Tiên. Bà thúc đẩy các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Bình Nhưỡng cả từ Hàn Quốc và quốc tế nhằm cản trở tham vọng hạt nhân của Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm hồi tháng Chín vừa qua.
Bà Choi Soon-sil đã bị bắt ngay sau khi về nước. |
Bà cũng tăng cường hỗ trợ cho kế hoạch của Mỹ về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) ở phía đông nam Hàn Quốc. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ Hàn Quốc tốt hơn bằng các hệ thống chống tên lửa.
Mặc dù Trung Quốc và Triều Tiên phản ứng dữ dội với kế hoạch trên nhưng chính phủ Hàn Quốc đã thể hiện lập trường rất chắc chắn về vấn đề này. Điều đó cũng cho thấy quan điểm kiên quyết của bà Park về Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến nối lại các cuộc đàm phán với Nhật Bản để ký một thỏa thuận song phương về việc chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên. Thỏa thuận mang tên Thỏa thuận An ninh Chung về Tình báo Quân sự (GSOMIA). Giới chuyên gia nhận định, việc nối lại các cuộc đàm phán trên cho thấy bà Park ưu tiên hợp tác với Mỹ và Nhật Bản khi thực hiện các chính sách đối với Triều Tiên.
Ông Park Won-gon, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Handong cho hay: “Triển khai THAAD đòi hỏi Tổng thống Park tìm kiếm sự hợp tác từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và trong các vấn đề liên quan đến GSOMIA, bà Park đã phải đi đầu trong việc hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ có liên quan nhằm ngăn chặn bất hòa với Nhật Bản trong quá trình đàm phán”.
Ông Park Won-gon cho biết thêm: “Đã đến lúc Tổng thống Hàn Quốc cần thể hiện sự lãnh đạo trong các cuộc đàm phán với các nước láng giềng. Nhưng nếu vị trí lãnh đạo này bị bỏ trống, các chính sách ngoại giao hiện tại có thể bị mất phương hướng”.
Bản thân bà Park cũng bày tỏ lo ngại rằng tình hình hiện nay có thể ảnh hưởng tới việc Hàn Quốc điều chỉnh các chính sách đối với Triều Tiên cho đồng bộ với Mỹ. Theo Korea Times, các nhà lãnh đạo Mỹ đang có kế hoạch vạch ra các đường lối mới đối với Triều Tiên nhưng vẫn bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Seoul có đóng vai trò chủ động trong quá trình này hay không.
Hiện tỷ lệ ủng hộ bà Park đang ở mức thấp kỉ lục trong tuần này (chỉ còn 14%). Tối ngày 29/10, hàng nghìn người Hàn Quốc đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Seoul để yêu cầu bà Park từ chức.