Những gì Nga có thể tìm kiếm trong dài hạn ở Đông Nam Á là vị thế của một cường quốc bên ngoài được tôn trọng và không can thiệp nhằm giúp duy trì sự cân bằng trong một khu vực có nguy cơ biến động cao.
Nga phải xác định rõ lợi ích và vai trò của mình, với mục đích chủ yếu là tìm kiếm thị trường và cơ hội kinh doanh.
Theo ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, chủ tịch Hội đồng nghiên cứu và Chương trình Chính sách An ninh, Đối ngoại, khi tất cả sự tập trung gần đây đang dồn về Trung Đông, và đặc biệt là Syria, thì Biển Đông vẫn tiếp tục là sân chơi chủ yếu trong sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn trên thế giới. Ở đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục tăng lên, thậm chí những cuộc khủng hoảng thực sự trong mối quan hệ này vẫn còn trầm trọng.
Trong khi Trung Quốc, bằng các biện pháp tăng cường sự thay đổi nguyên trạng trong khu vực nhằm thiết lập vị trí thống trị ở Đông Á, Mỹ đang vật lộn để duy trì ranh giới được vẽ ra từ thời Chiến tranh Lạnh. Mặt khác, 10 quốc gia Đông Nam Á đều là thành viên của ASEAN. Tuy nhiên, tất cả họ đều theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Một số thành viên có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, một số khác thì có quan hệ thân thiện với Washington.
Những động thái gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đi theo hướng đó. Là một chính trị gia có xu hướng theo chủ nghĩa dân túy, ông Duterte không chỉ có những lời lẽ chỉ trích Mỹ, mà còn hướng sang Trung Quốc. Dù lời lẽ căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã giảm đi, nhưng hai nước vẫn còn những bất đồng liên quan đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Việc mở rộng sự hợp tác về kinh tế giữa hai nước có thể sẽ giúp Trung Quốc tăng cường vị thế của mình trong toàn bộ khu vực.
Ông Dmitri Trenin cho rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu ông Duterte quyết tâm hay có khả năng “chia tay” Washington. Tuy nhiên, giống như ở những nơi khác trên thế giới, chủ nghĩa dân túy Philippines bản chất là sự phản ứng đối với mô hình toàn cầu hóa vốn bỏ rơi nhiều người, nhiều quốc gia. Hành động chống Mỹ của những người theo chủ nghĩa dân túy nhằm phản đối sự thống trị của Washington trong hệ thống quốc tế hiện nay và họ đặt hy vọng vào những quốc gia có thể thách thức sự bá quyền của Mỹ. Đó là Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc đối với họ là một cường quốc kinh tế và tài chính, và Nga là một nguồn lực chính trị và quân sự. Sau chuyến thăm đến Bắc Kinh, ông Duterte có kế hoạch thăm Moskva trước khi kết thúc năm 2016. Ông có thể sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí trước đó, tại hội nghị APEC ở Lima, Peru, trong tháng 11 này.
Chính sách đối ngoại của Nga đang hướng về Đông Nam Á một cách mạnh mẽ, vốn bị lãng quên, cùng với nhiều phần còn lại của thế giới, trong hai thập kỷ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Putin đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với lãnh đạo các nước ASEAN ở Sochi (ông Duterte vẫn chưa trở thành Tổng thống Philippines vào thời điểm đó). Ông Putin đã kêu gọi sự liên kết giữa Liên minh kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và ASEAN trong hiệp ước kinh tế khổng lồ “Đại lục Á-Âu”.
Quan hệ kinh tế của Nga với Philippines vẫn còn ở mức khiêm tốn (dưới 1,5 tỷ USD) nhưng có những lĩnh vực, chẳng hạn như năng lượng hydro hoặc các ngành công nghiệp khai thác, nơi mà Nga có thể là một đối tác quan trọng. Ông Duterte đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua vũ khí của Nga, vốn sẽ giúp Moskva mở ra một thị trường mà Mỹ chiếm ưu thế. Tất nhiên, Nga sẽ phải hành động một cách cẩn thận để không làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc. Việc mối quan hệ giữa Trung Quốc – Philippines được bình thường hóa sẽ giúp cho các thỏa thuận vũ khí này ít có vấn đề.
Khi trở lại khu vực này, Nga phải xác định rõ lợi ích và vai trò của mình, với mục đích chủ yếu là tìm kiếm thị trường và cơ hội kinh doanh. Và vì bị vướng vào một cuộc đối đầu mới với Mỹ, Nga sẽ hoan nghênh việc giảm vai trò toàn cầu của Mỹ, trong đó có châu Á. Về vấn đề Biển Đông, Nga tuyên bố trung lập, kêu gọi các bên liên quan giải quyết khác biệt một cách hòa bình dựa trên Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Những gì Nga có thể tìm kiếm trong dài hạn ở Đông Nam Á là vị thế của một cường quốc bên ngoài được tôn trọng và dường như không can thiệp nhằm giúp duy trì sự cân bằng trong một khu vực có nguy cơ biến động cao.