Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinTrung - Mỹ cam kết giữ ổn định trước bầu cử Tổng...

Trung – Mỹ cam kết giữ ổn định trước bầu cử Tổng thống

Có lẽ đây là những việc cuối cùng Barack Obama có thể làm cho chiến lược xoay trục sang châu Á của ông. Người kế nhiệm ông sẽ tiếp cận như thế nào…

Ông Dương Khiết Trì, ảnh: SCMP.

South China Morning Post ngày 2/11 đưa tin, hôm thứ Tư ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice về tăng cường hợp tác song phương, giữ ổn định quan hệ trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ.

Cuộc hội đàm diễn ra tại Washington cho thấy, Bắc Kinh lo ngại về những thay đổi có thể xảy ra trong quan hệ song phương khi Nhà Trắng có chủ nhân mới. Giới phân tích tin rằng đây là một nỗ lực của Bắc Kinh để giữ quan hệ Trung – Mỹ ổn định cho đến khi ông Obama bàn giao quyền lực.

Trong cuộc đàm phán, ông Dương Khiết  Trì cho biết, hai nước đã duy trì các liên lạc cấp cao và giảm thiểu sự khác biệt.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Ned Price cho hay, hai bên tìm kiếm sự tiến bộ trong việc củng cố quan hệ song phương bền vững, ổn định và hiệu quả hơn.

Các quan chức Mỹ nói rằng, cuộc họp này có lẽ là cơ hội cuối cùng cho việc thảo luận với ông Dương Khiết Trì trước khi diễn ra bàn giao bộ máy chính quyền nước Mỹ. Ông Dương Khiết Trì là chính khách Trung Quốc quen thuộc ở Washington.

Thời Ân Hoằng, một nhà phân tích các vấn đề quốc tế từ Đại học Nhân Dân nói với South China Morning Post, Bắc Kinh lo ngại về định hướng chính sách đối ngoại của cả hai ứng viên, Hillary Clinton và Donald Trump “không rõ ràng”.

“Trung Quốc hy vọng sẽ đưa quan hệ Trung – Mỹ vào quỹ đạo ổn định trong những tháng còn lại của chính quyền Obama. Họ hy vọng sẽ đặt một số nền móng cho quan hệ song phương với chính phủ sắp tới của Mỹ.

Sẽ không có bất kỳ bước đột phá nào trong quan hệ Trung – Mỹ trong vài tháng tới, nhưng hy vọng căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông cũng như bán đảo Triều Tiên sẽ không leo thang.” Ông Hoằng bình luận.

Zhao Lei, một nhà phân tích các vấn đề về Hoa Kỳ từ Trường Đảng trung ương nhận định, cuộc hội đàm này chỉ ra rằng cả Washington lẫn Bắc Kinh đều “nghiêm túc” với mối quan hệ song phương.

Trong một động thái khác có liên quan đến cán cân tranh giành ảnh hưởng Trung – Mỹ ở Đông Nam Á, The Straits Times ngày 3/11 cho biết, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang ở thăm Trung Quóc đã nói:

“Malaysia và Trung Quốc nhất trí với nhau về sự cần thiết bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trong niềm tin rằng, lịch sử cá nhân, giá trị và hệ thống quản trị của mỗi quốc gia khác nhau đều phải được tôn trọng.”

Ông kêu gọi lập trường thống nhất với Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra “sự thay đổi điểm tựa của thế giới phương Đông”.

Các tổ chức toàn cầu cần phải phản ánh những mong muốn chính đáng và quan điểm của các nước không có chung tiếng nói trong hệ thống pháp lý và an ninh được thiết lập bởi “người chiến thắng trong Thế chiến II”, ám chỉ Hoa Kỳ.

Về vấn đề Biển Đông ông Najib Razak nói rằng, cả Malaysia và Trung Quốc tin rằng, các tranh chấp nên được quản lý một cách bình tĩnh và hợp lý, thông qua đối thoại phù hợp với quy định của pháp luật và các cuộc đàm phán hòa bình.

Từ Washington người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby được hỏi, liệu thỏa thuận mua bán quốc phòng Malaysia – Trung Quốc có phải tin xấu đối với chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ hay không?

John Kirby cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi “long trời lở đất” nào trong khu vực đối với Mỹ. Không có trò chơi nào có tổng bằng không, nơi các quốc gia phải chọn hoặc Mỹ, hoặc Trung Quốc.

“Chúng tôi không có gì để lo sợ từ sự trỗi dậy hòa bình, phát triển của Trung Quốc. Và chúng tôi không có gì để lo sợ việc các nước khác thiết lập mối quan hệ tốt hơn, ấm áp và hiệu quả hơn với Trung Quốc”, ông Kirby nói.

Người viết cho rằng, những động thái này cho thấy giới lãnh đạo cấp cao Nhà Trắng và Trung Nam Hải đã thỏa thuận với nhau duy trì cục diện quan hệ hòa bình ổn định, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, không xung đột, chí ít cho đến khi cuộc chuyển giao quyền lực Nhà Trắng diễn ra suôn sẻ.

Vì vậy mọi động thái ngoại giao từ ông Rodrigo Duterte hay ông Najib Razak trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc lúc này có thể giúp tối đa hóa lợi ích quốc gia của họ, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cục diện ổn định ở Biển Đông, bởi Mỹ – Trung mới là 2 tay chơi quyết định.

Có lẽ đây là những việc cuối cùng Barack Obama có thể làm cho chiến lược xoay trục sang châu Á của ông. Người kế nhiệm ông sẽ tiếp cận như thế nào với Biển Đông và Đông Nam Á còn phải chờ xem.

RELATED ARTICLES

Tin mới