“Sự can thiệp” của bên ngoài sẽ không giúp vấn đề Biển Đông được giải quyết, Trung Quốc và Malaysia tuyên bố hôm qua.
(Ảnh: Flickr)
Theo Straits Times, trong một bản thông cáo báo chí chung ngày hôm qua, Bắc Kinh và Kuala Lumpur nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần giải quyết sự khác biệt của mình một cách hòa bình thông qua các cuộc đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
“Tất cả các bên phải kiềm chế và tránh những hành động làm phức tạp vấn đề hay làm tăng mối căng thẳng ở Biển Đông”, hai bên tuyên bố.
Thông cáo báo chí cho biết hai nước cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các nước được hưởng tự do hàng hải và hàng không dựa trên luật pháp quốc tế.
Tuyên bố đưa ra sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài trước một bữa tiệc tối hôm qua.
“Chúng tôi nhất chí rằng những tuyên bố chủ quyền này là giữa hai quốc gia thân thiện, với mức độ tin cậy cao lẫn nhau. Không có lý do tại sao vấn đề này không thể được giải quyết.”, Thủ tướng Malaysia tuyên bố với giới truyền thông tối qua.
Ông nói thêm: “Tất nhiên, nó có thể mất một thời gian. Chủ quyền của một quốc gia không phải là một vấn đề dễ dàng, nhưng nó không nên gây nguy hiểm cho nền hòa bình và ổn định ở Biển Đông và khu vực “.
Ông Tập phát biểu trên đài truyền hình nhà nước rằng hai nước cần tiếp tục duy trì sự hỗ trợ và hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề quan trọng đối với cả hai bên, theo Straits Times.
Malaysia và Trung Quốc đều liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Các bên khác bao gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Đài Loan.
Ông Najib sẽ có mặt tại Trung Quốc cho đến ngày mai trong chuyến thăm thứ ba của ông tới tới nước này kể từ khi trở thành Thủ tướng vào năm 2009.
Giới quan sát đặc biệt chú ý đến chuyến thăm này để tìm xem có dấu hiệu nào cho thấy Malaysia ngả về phía Trung Quốc.
Mối quan hệ với Trung Quốc rất có ý nghĩa với Thủ tướng Malaysia Najib vào thời điểm này, khi ông ít có sự giao thiệp với các nhà lãnh đạo phương Tây do dính líu đến một vụ bê bối tham nhũng lớn, theo ông James Chin, Giám đốc Viện Châu Á tại Đại học Tasmania.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Thủ tướng Najib sẽ không dám thúc ép Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông vì sợ chọc giận đối tác thương mại lớn nhất của mình, theo CNBC. Nhưng sự im lặng của ông Najib về Biển Đông có thể khiến người Malaysia càng thêm giận dữ khi họ đang muốn ông từ chức vì vụ bê bối.