Tổng thống Erdogan liên tục chỉ trích châu Âu không làm điều tốt đẹp, đe dọa kiểm soát dòng người di cư.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Hurriyet Daily News
Trang Anadolu đưa tin, phát biểu tại lễ trao học hàm của Đại học Y khoa Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nặng lời chỉ trích các đối tác phương Tây mà Ankara đã nhiều lần đề nghị được gia nhập và miễn thị thực ở EU.
“Phương Tây đã chẳng làm điều gì tốt cho chúng ta cả. Đất nước chúng ta mong chờ điều gì ở Phương Tây khi mà suốt 53 năm qua chúng ta đã phải chầu chực ở cửa Liên minh châu Âu? Chúng ta sẽ tự giải quyết vấn đề của mình” – ông Erdogan nói.
Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara vốn có cách nhìn khác đối với châu Âu song đã thay đổi và nỗ lực tìm cách thiết lập hướng đi mới nhưng những gì nhận được từ phía EU lại đáng thất vọng. Ông Erdogan nhấn mạnh, giờ đây Ankara không còn quan tâm đến việc để nước khác lên tiếng can thiệp.
Trước khi tuyên bố những lời này với các sinh viên ở Đại học Y, Tổng thống Erdogan đã nhiều lần cảnh báo với Liên minh châu Âu EU về việc ngừng kiểm soát dòng người tị nạn đi qua cửa Ankara sang miền đất hứa ở châu Âu.
Hôm 19/10, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik đã một lần nữa lên tiếng cảnh báo rằng thỏa thuận về người di cư với Liên minh châu Âu (EU) có thể sụp đổ nếu EU không triển khai việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đi du lịch ngắn ngày tới châu Âu như đã hứa.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Anh phụ trách các vấn đề châu Âu và châu Mỹ Alan Duncan tại thủ đô Ankara, ông Celik khẳng định “thời hạn chót cho quyết định này là cuối năm 2016” và cho rằng EU đã không giữ lời hứa của mình đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Khúc mắc chưa được giải quyết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU còn nằm ở chỗ châu Âu liên tục cáo buộc EU muốn thấy những thay đổi trong các luật chống khủng bố vốn bị Brussels coi là “quá hà khắc” của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hối thúc Ankara phải bảo vệ các quyền cơ bản.
Hôm 4/11 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 12 nghị sĩ của Đảng Công nhân người Kurd đã gặp phải chỉ trích mạnh mẽ từ các lãnh đạo EU, những người bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về vấn đề này.
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, ông Martin Schulz nhận định rằng hành động của Ankara đặt ra câu hỏi về sự ổn định trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Về vấn đề này, ông Erdogan cũng giải thích thêm: “Là một người đứng đầu nhà nước, tôi luôn cố gắng bám sát các công việc được thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ mục tiêu giai đoạn đến năm 2023( thời gian kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ), cũng như tiến độ thực hiện các dự án lớn.
Nhưng cũng có những vấn đề cần thiết phải thông báo cho công chúng. Một trong số đó là thủ tục tố tụng pháp lý chống lại các nghị sĩ ủng hộ những kẻ khủng bố của Đảng Công nhân người Kurd”.
Sau cuộc đảo chính vừa qua tại Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã cất nhắc nhiều quan điểm đối với châu Âu đặc biệt là việc che giấu giáo sĩ Hồi giáo gây nên cuộc chính biến lớn của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Yếu tố Nga trong cuộc thương lượng với EU
Ông Erdogan đã nhiều lần cáo buộc châu Âu và Mỹ che chắn cho lực lượng ngầm trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và âm mưu lập nhà nước mới tại đây.
Dẫu vậy, những lợi ích khi được là một thành viên trong liên minh châu Âu đã thúc đẩy ông Erdogan cân đong các lợi ích.
Có điều tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một chân kèo chống khá vững vàng là Nga ở Trung Đông.
Tham vọng đế chế Ottoman khiến Tổng thống Erdogan chưa khi nào nguôi hy vọng và liên tục thúc đẩy quân đội chống lại lực lượng dân quân người Kurd.
Sau cú đâm Su-24 vào lưng Nga ở rìa biên giới Syria, Ankara đã có nhiều cơ hội để chuộc lỗi và đặt niềm tin vào sự ảnh hưởng mà Moscow đã giành được ở Trung Đông. Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân vào Syria, Iraq và thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công ở Bắc Syria, Iraq nhưng chưa gặp sự ngăn cản trực tiếp bằng quân sự của Nga khiến Ankara tự tin.
Trong khi không thể phủ nhận những nỗ lực của Nga trong việc hỗ trợ giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ khi cuộc đảo chính xảy ra, Ankara có thêm các bằng chứng cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là mối quan hệ gắn chặt.
Bởi vậy, cân đong lực lượng trên chiến trường Trung Đông hiện nay, khả năng ông Erdogan khó chịu và tìm cách thúc đẩy tiến trình đàm phán gia nhập liên minh là rất cao. Con bài chiến lược là cửa ngõ di cư sang châu Âu đã được ông Erdogan dùng đi dùng lại nhiều lần.
Tuyên bố mới đây làm giảm vai trò và giá trị của châu Âu trong mắt giới tri thức Thổ Nhĩ Kỳ. Khó có khả năng ông Erdogan chấp nhận đánh đổi nhưng mọi sự đều phải phụ thuộc vào vị thế trên chiến trường Nga hỗ trợ ở Trung Đông.