Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinLondon phản ứng ra sao khi Nga do thám bầu trời Anh?

London phản ứng ra sao khi Nga do thám bầu trời Anh?

Chuyến bay do thám trên bầu trời Anh theo Hiệp ước Bầu trời mở của Nga được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang tăng cao

Nga sẽ thực hiện một chuyến bay do thám trên bầu trời lãnh thổ Vương quốc Anh theo Hiệp ước Bầu trời mở

Theo Sputnik, ngày 7/11, người đứng đầu Trung tâm Giảm nhẹ Rủi ro hạt nhân của Bộ Quốc phòng Nga Sergei Ryzhkov cho biết, các chuyên gia Nga sẽ thực hiện một chuyến bay do thám trên bầu trời lãnh thổ Vương quốc Anh theo Hiệp ước Bầu trời mở.

Theo ông Sergei Ryzhkov, trong khuôn khổ của Hiệp ước về Bầu trời mở, một nhóm các thanh tra viên của Nga đang có kế hoạch thực hiện chuyến bay giám sát lãnh thổ của Vương quốc Liên hiệp Anh và bắc Ireland trên một chiếc máy bay An-30B với thiết bị giám sát hiện đại nhất.

Ông Ryzhkov thông tin rằng: ”Chuyến bay sẽ được thực hiện từ thứ 2 (7/11) đến thứ 6 (11/11) cất cánh từ sân bay Brize Norton, Anh. Đây là một trong 37 chuyến bay được tiến hành bởi các chuyên gia Nga trên lãnh thổ của các nước thành viên Hiệp ước”.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết tháng 3 năm 1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin lớn ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Nó có hiệu lực vào ngày 1/1/2002. Hiện nay đã có 34 nước thành viên tham gia bao gồm Nga và hầu hết các nước là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Đã từng nồng ấm

Trước đó, mối quan hệ Nga-Anh đã bị rạn nứt nghiêm trọng sau khi Moscow tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Crimea và tiến hành các hoạt động quận sự tại Ukraine. Đặc biệt là những cáo buộc về việc Nga triển khai tên lửa tới các nước Đông Âu.

Tuy nhiên, những căng thẳng nói trên đã thực sự được phá tan sau cú điện thoại của Tổng thống Vladimir Putin gọi tới để chúc mừng Theresa May trở thành Tân Thủ tướng Anh hôm 9/8 và những sự kiện đáp lại trọng thị từ phía London.

Ngoài ra, nhiều người đã hy vọng rằng mối quan hệ Nga-Anh sẽ trở nên nồng ấm sau cái bắt tay đầy thiện chí giữa lãnh đạo hai nước trong buổi gặp thân mật bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 4/9 vừa qua.

Phát biểu khi bắt đầu cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nga bên lề Hội nghị cấp cao G20, Thủ tướng Anh Theresa May nói:

“Mặc dù giữa hai nước vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt, vẫn còn một số lĩnh vực quan ngại sâu sắc, và nhiều vấn đề phức tạp cần trao đổi, song tôi hy vọng, chúng ta có thể xây dựng quan hệ và đối thoại một cách cởi mở và thắng thắn”.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin nói: “Tôi rất vui mừng được gặp bà, được biết bà với tư cách cá nhân, và chúc mừng bà được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh”.

Ông Putin nhấn mạnh: “Mọi người đều hiểu là nước Anh đang phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn (ám chỉ đến việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu). Chúng tôi chúc bà thành công và hy vọng rằng, chúng ta có thể đưa quan hệ song phương lên tầm cao hơn so với hôm nay. Ở đây chúng ra rõ ràng nên hợp tác trong cả lĩnh vực chính trị và kinh tế”.

Theo trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về các vấn đề trong quan hệ song phương, vốn “đã bị đóng băng trên thực tế”.

Trả lời báo giới về vấn đề trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: “Tổng thống Putin đã phát đi một tín hiệu rõ ràng và dứt khoát: chúng tôi quan tâm đến việc khôi phục quan hệ, chúng tôi quan tâm đến việc nối lại đàm phán trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất”.

Trên thực tế, chỉ một thời gian ngắn sau sự kiện trên, mối quan hệ Nga-Anh lại tiếp tục trở nên căng thẳng sau khi xảy ra sự việc, một đội tàu chiến của Nga cùng các máy bay chiến đấu, trong đó có tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và các tàu hộ tống ồ ạt tiến về eo biển Anh để tới Syria, khiến nước này phải báo động quân đội khẩn cấp.

Không chỉ vậy, hôm 31/10 vừa qua, một tàu ngầm hạt nhân của hải quân Nga đã được quân đội Anh phát hiện ở biển Ailen. Quân đội Anh cho rằng, tàu ngầm được phát hiện có thể đang trên đường tới Syria cùng đội tàu chiến của Nga. Tuy nhiên việc chúng hiện diện trên vùng biển Ailen là hành động đáng ngờ.

Việc tàu ngầm Nga liên tiếp xuất hiện ngoài khơi Anh và Ailen thực sự gây lo ngại cho cả Anh và châu Âu bởi trước đó, một cựu phó tư lệnh NATO nhận định rằng, cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Anh và Nga rất có thể sẽ diễn ra trong vòng 1 năm nữa.

Trở lại vấn đề chính, chuyến bay do thám trên bầu trời lãnh thổ Vương quốc Anh theo Hiệp ước Bầu trời mở của Nga được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang tăng cao.

Chính vì vậy, giới phân tích quân sự đã đặt ra nghi vấn rằng, sau tất cả các hoạt động quân sự trên của Nga, liệu Anh sẽ có những hành động đáp trả xứng đáng?

RELATED ARTICLES

Tin mới