Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhải giữ khoảng cách trong quan hệ với TQ

Phải giữ khoảng cách trong quan hệ với TQ

Nhiều nước Đông Nam Á từ lâu đã có một điểm chung, là trong quan hệ với Trung Quốc không được quá gần hoặc quá xa.

Hình minh họa: FT Graphic / Chris Tosic.

Financial Times ngày 8/11 có bài phân tích nhận định, Trung Quốc đang cố gắng thực hiện chiến lược “ngoại giao séc” ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, những ưu đãi tài chính cho dù giúp Bắc Kinh có vị thế địa chính trị lớn hơn, nhưng không thể làm các nước láng giềng từ bỏ mối quan hệ với Mỹ.

Tuần trước quảng trường Thiên An Môn vang lên 21 phát đại bác chào đón Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày.

Ông Najib duyệt đội danh dự quân đội Trung Quốc trước khi vào Nhân Dân đại lễ đường để ký các hiệp định đầu tư, thương mại tổng trị giá 34 tỉ USD.

Trong thời gian diễn ra chuyến thăm này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã trấn an các phương tiện truyền thông Malaysia rằng:

“Không có cái gọi là chúng tôi dùng sức mạnh tài chính của mình để cải thiện quan hệ.”

Nhưng thật khó để che giấu sự vui sướng của Trung Quốc kể từ chuyến thăm chính thức của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước đó.

2 chuyến thăm đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, vốn bị các nước láng giềng xa lánh gần đây vì sự theo đuổi bành trướng quyết liệt trên Biển Đông.

Trung Quốc xem “thu phục” Philippines và Malaysia là bước ngoặt ngoại giao

Trong khoảng thời gian một vài tuần, Bắc Kinh đã chứng minh rằng, tấn công quyến rũ phối hợp với tiền mặt ở châu Á có thể khiến các đồng minh trung thành của Hoa Kỳ cũng phải chao đảo.

Philippines, một đồng minh hiệp ước 64 năm với Hoa Kỳ đã khiến Mỹ “choáng váng” với những phát biểu bài Mỹ, chống Mỹ và ôm lấy Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Ngay sau đó là Thủ tướng Malaysia, người đã ký một thỏa thuận mua 4 tàu tuần tra của Trung Quốc. Thậm chí ông còn nói bóng gió, Washington đừng “rao giảng” với các quốc gia từng bị cường quốc thực dân này đô hộ nữa.

Ding Duo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông tại Hải Nam bình luận: “Trung Quốc đã đạt được một hiệu ứng lan tỏa trong khu vực bằng những thành công (trong quan hệ) với Philippines và Malaysia.”

Mặc dù không có dấu hiệu nào cụ thể cho thấy 2 nước này đã hoàn toàn tách khỏi Hoa Kỳ, nhưng trong ngoại giao, nhận thức thường quan trọng hơn so với thực tế, và đã có nhiều thiệt hại đối với chiến lược ngoại giao của Mỹ.

Bởi lẽ các động thái này diễn ra trong lúc Mỹ triển khai chiến lược tái cân bằng sang châu Á nhằm củng cố vị thế Hoa Kỳ trong khu vực. Đó là một bài toán nhức đầu đối với giới hoạch định chính sách Washington.

Ông Tập Cận Bình là người hưởng lợi nhiều nhất

Những động thái ngoại giao gần đây đã giúp ông Tập Cận Bình tăng uy tín trong nước ngay trước thềm Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra năm tới.

Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) nhận xét:

“Nhận thức chung rằng nhiều nước láng giềng đang giúp bảo vệ lợi ích của Trung Quốc sẽ củng cố vị trí của Tập Cận Bình khi ông chuẩn bị cho Đại hội 19.”

Tuy nhiên bà Bonnie Glaser lưu ý, độ nghiêng của Philippines và Malaysia sang Trung Quốc vẫn còn nặng về nhận thức nhiều hơn là diễn ra trong thực tế.

Kể từ khi lên nắm quyền sau Đại hội 18 năm 2012, ông Tập Cận Bình đã lặng lẽ thúc đẩy chính sách đối ngoại trỗi dậy, thay vì giấu mình chờ thời như Đặng Tiểu Bình.

Chính sách hai mặt của Trung Quốc khiến láng giềng cảnh giác

Một số chuyên gia vẫn lo ngại về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc trưng bởi các cuộc tấn công quyến rũ mà núp sau nó là các hành vi bành trướng.

Đầu năm 2014 Trung Quốc công bố chiến lược mới cho quan hệ với ASEAN thì chỉ 7 tháng sau, họ kéo giàn khoan khổng lồ 981 vào hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa (hợp pháp, hoàn toàn không có tranh chấp) của Việt Nam.

2015 được Bắc Kinh tuyên bố là năm hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với ASEAN, nhưng sau đó họ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông, hoàn thành một đường băng quân sự dài 3300 mét trên đá Chữ Thập.

Paul Haenle, cựu Giám đốc các vấn đề Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và hiện là Giám đốc Trung tâm Carnegie – Thanh Hoa nhận xét:

“Câu hỏi dư luận Mỹ và phương Tây đặt ra là: Trung Quốc có thể vừa có được bạn bè, vừa chiếm được lãnh thổ cùng lúc hay không? Trong khi chúng tôi thấy mâu thuẫn của cách tiếp cận này, người Trung Quốc không thấy như vậy.”

Bởi thế một số nhà phân tích nghi ngờ rằng, Bắc Kinh vừa có thể tấn công quyến rũ, vừa có thể tránh được sự tức giận của các nước láng giềng.

Trọng tâm của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong khu vực là vấn đề Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách “quyền lịch sử” với đường lưỡi bò 9 đoạn đã bị Phán quyết Trọng tài 12/7 bác bỏ.

Trung Quốc đã tìm cách đẩy lùi hiệu lực của phán quyết này bằng chiến lược cổ điển của họ, cái Bắc Kinh gọi là “gác tranh chấp, cùng khai thác.”

Thay vì nhấn mạnh Phán quyết Trọng tài, ông Rodrigo Duterte nói rằng đó chỉ là tờ giấy với 4 góc.

Sau chuyến thăm, ngư dân Philippines đã được tiếp cận trở lại bãi cạn Scarborough. Prashanth Parameswaran, một chuyên gia về Biển Đông từ Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Hoa Kỳ bình luận:

“Ngay bây giờ củ cà rốt đang được chìa ra, còn cây gậy vẫn nằm trong túi vì Trung Quốc muốn thử xem làm thế nào để lôi kéo các nước này vào quỹ đạo.

Nhưng sự trỗi dậy của ông Rodrigo Duterte đã xác nhận cách tiếp cận cưỡng chế và quyến rũ của Bắc Kinh là có hiệu quả. Sau nhiều năm bị Trung Quốc đánh đập bằng gậy, Philippines bây giờ quay trở lại xin cà rốt.”

Chơi với Trung Quốc không có nghĩa là phải bỏ Mỹ, vay tiền Trung Quốc vẫn phải cảnh giác

Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Viện Iseas-Yusof Ishak, Singapore nhận định, sẽ là một sai lầm nếu cho rằng Malaysia và Philippines ngả theo Trung Quốc mà kém thân thiện với Hoa Kỳ vì những giao dịch gần đây.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng ảnh hưởng địa chính trị, các nước láng giềng có thể nhận được nhiều (lời hứa) hơn trong hợp tác với Trung Quốc.

Cho đến nay, ông Duterte đã nhận được những lời hứa viện trợ từ Trung Quốc trong khi không bác bỏ bất kỳ thỏa thuận chiến lược nào với Hoa Kỳ.

Thẩm Đinh Lực, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho rằng:

Những phát biểu của Rodrigo Duterte không thể xóa nhòa những thất bại lịch sử của Bắc Kinh trong vụ kiện trọng tài Biển Đông. Theo ông Lực, Trung Quốc chỉ thắng khi Philippines thực sự từ bỏ Scarborough, còn ông Duterte không làm điều này.

Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho biết, gần như đây là lựa chọn phổ quát của mọi quốc gia: tìm kiếm lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc nhưng không để mình phải lựa chọn, hoặc Trung Quốc, hoặc Hoa Kỳ.

Financial Times kết luận, các nước láng giềng muốn có một mối quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng luôn giữ khoảng cách.

Nhiều nước Đông Nam Á từ lâu đã có một điểm chung, là trong quan hệ với Trung Quốc không được quá gần hoặc quá xa. Ngay cả Campuchia, thân với Trung Quốc nhưng vẫn phải duy trì quan hệ với Hoa Kỳ vì lý do chiến lược và tài chính.

RELATED ARTICLES

Tin mới