Sabeco tiếp tục tăng lượng tiền gửi ngân hàng lên hơn 10.000 tỷ đồng, chấp nhận trích lập 2.400 tỷ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt bị truy thu và vẫn phải gánh chịu tổn thất do những khoản đầu tư vào mảng tài chính – ngân hàng trong quá khứ.
9 tháng đầu năm 2016 Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đạt tổng doanh thu 21.809 tỷ đồng – tăng 9% so với cùng kỳ 2015 nhờ sản lượng bia tiêu thụ đạt khoảng 1,2 tỷ lít và lợi nhuận trước thuế 4.510 tỷ đồng.
Sabeco cũng công bố mức lợi nhuận trước thuế đạt 4.510 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2015.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Sabeco đạt 3.658 tỷ đồng (riêng Công ty mẹ đạt gần 3.200 tỷ đồng), tăng 24% và hoàn thành mục tiêu lợi nhuận kế hoạch của cả năm 2016.
Trong cơ cấu doanh thu của Sabeco, chiếm tỷ trọng phần lớn vẫn là doanh thu từ bia chiếm khoảng 86%, doanh thu bao bì 12%, còn lại là doanh thu từ nước giải khát, cồn, rượu…
Để có được mức doanh thu ấn tượng trên, Sabeco đã chịu chi tới 800 tỷ đồng cho việc quảng cáo, tiếp thị, bán hàng trong giai đoạn 9 tháng đầu năm nay. Như vậy, tính ra mỗi ngày doanh nghiệp này đã bỏ ra gần 3 tỷ đồng để thúc đẩy hoạt động tiêu thụ.
Trong một diễn biến liên quan, Sabeco cho biết công ty đã phải trích lập dự phòng tổng cộng 2.423 tỷ đồng cho khoản thuế TTĐB bổ sung từ năm 2010 – 2014 theo thông báo của Kiểm toán Nhà nước mặc dù công ty đã gửi kiến nghị lên KTNN, Bộ Tài chính, Bộ Công thương xem xét lại kết luận nhưng chưa có phản hồi từ cơ quan chức năng.
Sabeco khẳng định Tổng công ty đã tuân thủ các quy định pháp luật và hướng dẫn của Tổng cục thuế.
Tuy nhiên, ngày 2/10/2016, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục thuế TP HCM truy thu hơn 2.479 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco. Nguyên nhân là do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty cổ phần Thương mại khu vực.
Đến ngày 27/10, Cục thuế TP HCM tiếp tục có thông báo về việc bổ sung tiền thuế này.
Việc trích lập khoản dự phòng hơn 2.400 tỷ trên đã khiến lợi nhuận của Sabeco “bốc hơi” đáng kể trong năm 2016.
Bên cạnh khoản trích lập đáng chú ý trên, lượng tiền gửi ngân hàng dồi dào và các khoản đầu tư dài hạn vào các nhà băng theo là những điểm đáng lưu ý đối với những nhà đầu tưcó kế hoạch đổ tiền vào Sabeco trong thời gian tới.
Cụ thể, tính tới ngày 30/09/2016, Sabeco đang ôm hơn 6.800 tỷ tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 3 tháng cùng 3.292 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng, khoản tiền gửi này liên tục tăng trong vài năm gần đây.
Lượng tiền dồi dào trên đặt ra câu hỏi liệu Sabeco đang “án binh bất động” trước khi Nhà nước thoái vốn hay có “bí” kênh đầu tư hiệu quả?
Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2016, Sabeco đang có 747 tỷ đồng đầu tư vào đơn vị khác nhưng phải trích lập dự phòng lên tới 432 tỷ đồng – chiếm 58% tổng giá trị đầu tư.
Các khoản đầu tư kém hiệu quả của Sabeco.
Nhìn vào các khoản mục đầu tư của Sabeco có thể phần nào hiểu được tại sao Sabeco lại có quyết định an toàn như vậy khi ngoài những khoản đầu tư vào các công ty phân phối sản phẩm tại địa phương, những lần “xắn quần lội chuyên môn người khác” của doanh nghiệp này đều nhận lại “trái đắng”.
Điển hình phải kể đến khoản đầu tư trị giá gần 217 tỷ đồng của Sabeco vào ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã phải trích lập gần 159 tỷ đồng. Khoản đầu tư hơn 136 tỷ đồng vào DongA Bank cũng khiến công ty phải trích lập 111,5 tỷ đồng, tương đương 81,8% giá trị đầu tư.
Ngoài ra, Sabeco cũng mạnh tay đổ tiền vào một nhà băng khác là Eximbank, không kể đến tình hình kinh doanh giảm sút như OCB hay DongABank thì những bất đồng giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank cũng khiến nhà điều hành Sabeco “đau đầu” xử lý khoản đầu tư trên.
Bên cạnh đó, công ty cũng phải trích lập dự phòng ở một loạt các khoản đầu tư vào mảng tài chính – ngân hàng – chứng khoán như PVI Sài Gòn (76% giá trị đầu tư), Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 – doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể (65%), Chứng khoán Đại Việt (86%), Du lịch Dầu khí Phương Đông (67%),…
Mới đây, đại diện Sabeco cho biết công ty đã chính thức nộp hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Hiện phương án chốt giá cổ phiếu Sabeco niêm yết trên sàn vẫn phải chờ ý kiến chính thức từ phía Bộ chủ quản.Hiện nay, cổ đông lớn nhất của Sabeco là Bộ Công Thương với tỷ lệ sở hữu tính đến cuối năm 2015 là 89,59%. Theo kế hoạch đưa ra, Nhà nước sẽ thoái 53,59% cổ phần tại Sabeco để thu về 1 tỷ USD và phần còn lại 36% sẽ thoái trong năm 2017.Đối với một doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán, Sabeco ngày càng trở thành món hàng được nhiều nhà đầu tư săn đón, chưa kể những yếu tố hấp dẫn vốn có của “ông lớn’ này trên thị trường hiện nay.