Chính phủ vừa có văn bản trình Quốc hội về việc xem xét dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bảng quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2010
Nguồn tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết, chiều 10/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu trên.
Trong tuần này, Quốc hội cũng sẽ có thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Sau đó, dự thảo nghị quyết sẽ được đưa ra thảo luận ở hội trường. Dự kiến ngày 22/11, Quốc hội biểu quyết liên quan đến Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nội dung trên cũng được thể hiện tại báo cáo của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) ngày 8/11.
Báo cáo nói rõ về tiềm năng của thủy điện lớn và vừa hầu như đã bị khai thác hết, trong khi tiềm năng và trữ lượng khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo và điện hạt nhân đã bị lui tiến độ thực hiện. Do đó, yêu cầu phải phát triển nhiệt điện than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng là không còn lựa chọn nào khác.
Từng trao đổi với Đất Việt về nội dung trên, ông Nguyễn Bá Sơn, ĐBQH Đà Nẵng cho rằng đây là một quyết định sáng suốt.
“Tôi cho rằng không chỉ điện hạt nhân mà với bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng vậy. Khi chúng ta chưa chuẩn bị tốt về thiết bị, máy móc, công nghệ hay con người thì việc lùi thời gian để có thêm điều kiện chuẩn bị cũng là cần thiết”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ĐB Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai khẳng định, đối với nhà máy điện hạt nhân, ngoài yếu tố công nghệ ra thì con người vận hành đóng vai trò quyết định.
“Đây là một bài toán khó giữa lợi ích kinh tế và an ninh, an toàn hạt nhân. Nhiều người khi thảo luận cũng nói Ninh Thuận là vùng đất hẹp và nó lại nằm ở vị trí trung độ thấp nên khi xây dựng phải hết sức thận trọng.
Thực ra dư luận trên thế giới hiện nay cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Kể cả ý kiến cho rằng không nên tiếp tục phát triển điện hạt nhân nữa do rủi ro của nó quá lớn”, ông Quốc nhấn mạnh.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW, đã được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2009.
Theo dự kiến ban đầu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành trong năm 2020. Tuy nhiên, thời gian khởi công dự án đã được dời lại sau năm 2020.