Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ dừng dự án điện hạt...

Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ dừng dự án điện hạt nhân

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng việc xem xét dừng dự án điện hạt nhân ở thời điểm này là “đúng lúc và cần thiết”.

Chiều 10/11, Quốc hội họp riêng nghe Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trình bày dự thảo nghị quyết về việc dừng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết nêu trên.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Lê Hồng Tịnh (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường) cho rằng việc xem xét dừng dự án điện hạt nhân ở thời điểm này là “đúng lúc và cần thiết”.

Theo ông Tịnh, tính khả thi của dự án điện hạt nhân đến nay không còn, bởi theo kế hoạch xây dựng trước đây giá điện chỉ khoảng 4,9 cent/kWh, nay đã tăng lên trên 8 cent/kWh. Nếu dự án triển khai chậm thì có thể đội vốn thêm. Quan trọng hơn, việc giải quyết chất thải hạt nhân khi triển khai dự án là chuyện cần bàn, nhất là sau một số sự cố môi trường vừa qua.

“Nợ công của chúng ta đã sát trần cho phép, nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn thì nguy cơ tăng cao hơn nữa. Dừng lúc này còn hơn triển khai rồi mới dừng”, ông Tịnh bày tỏ quan điểm.

Về nguồn nhân lực đã được cử đi đào tạo để chuẩn bị cho dự án, ông Tịnh cho rằng, nhân lực chất lượng cao thì lúc nào cũng cần. “Trước mắt một số tổng công ty phát điện, nhà máy điện đang triển khai có thể sử dụng nguồn nhân lực này, không để lãng phí”, ông Tịnh nói và cho biết có nhiều quốc gia như Nam Phi tính toán dừng các dự án điện hạt nhân khi khâu chuẩn bị gần hoàn tất; hoặc Đức lên kế hoạch bỏ nhiều nhà máy điện hạt nhân vì vấn đề an ninh, xử lý chất thải…

dai-bieu-quoc-hoi-noi-ve-viec-xem-xet-dung-du-an-dien-hat-nhan-1

Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt. Ảnh: Q.H

Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt cho hay, nếu Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân thì EVN đã tính toán triển khai các dự án khác, có thể là điện khí, điện mặt trời, điện gió. Tỉnh đã đề nghị Trung ương cho tiếp tục một số dự án vì khu vực đất dự kiến làm nhà máy điện hạt nhân “rất đẹp”, người dân đồng thuận đến chỗ ở mới để tránh thiên tai, có điều kiện sinh sống tốt hơn.

Theo ông Việt, để chuẩn bị cho dự án hạt nhân thì Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư tuyến đường ven biển Ninh Thuận, rồi tái khởi động dự án hồ Tân Mỹ (trên 200 triệu m3). “Nay nếu không làm dự án hạt nhân nữa thì những dự án này vẫn phát huy rất tốt cho Ninh Thuận”, ông Việt nói.

Về du học sinh đã được cử đi học về điện hạt nhân, ông Việt cho biết: “Các em khi học xong sẽ được bố trí vào làm việc tại nhà máy, chương trình, ban quản lý dự án của EVN. Các em có thể yên tâm tiếp tục học tập và không phải lo lắng đầu ra”.

Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII bế mạc ngày 14/10, Ban chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ lưỡng, toàn diện các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương triển khai dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận; nhất trí cao với tờ trình của Bộ Chính trị, giao cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ngày 25/11/2009, với 382 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 77,48%), Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, mỗi nhà máy có hai tổ. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW.

RELATED ARTICLES

Tin mới