Chiều nay (12/11), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi, 70 kg sừng tê giác là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật, tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).
Buổi lễ tổ chức tiêu huỷ 2 tấn ngà voi ở Sóc Sơn
Buổi tiêu huỷ đã được tổ chức rất chu đáo với trên 150 cảnh sát tham gia bảo vệ hiện trường và rất đông cán bộ, công chức các bộ, ngành liên quan, khách mời và hàng ngàn người dân địa phương hiếu kỳ theo dõi.
Cuối ngày, theo Hội đồng tiêu hủy quốc gia, Hội đồng đã tiến hành tiêu hủy thành công trên 2 tấn ngà voi, trên 70 kg sừng tê giác và một số mẫu vật xương gấu, xương hổ bằng phương pháp nghiền và đốt hoàn toàn.
Theo đại diện Ban Tổ chức: “Lượng ngà voi và sừng tê giác này là tang vật của các vụ buôn bán trái phép bị tịch thu. Phương pháp tiêu hủy thực hiện theo công đoạn nghiền nhỏ, đốt trong lò đốt cháy thành tro 100%, sau đó chôn lấp toàn bộ tro. Địa điểm tiêu hủy tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cầm trên tay 2 sừng tê được đem ra tiêu huỷ.
Trước khi tiêu hủy, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và cơ quan y tế Việt Nam đã lấy mẫu các vật phẩm được tiêu huỷ để kiểm tra, xác định đúng sản phẩm bị tiêu huỷ là các mẫu vật ngà voi, sừng tê giác thật.
Hội đồng tiêu hủy trước đó đã chỉ đạo việc tiến hành lấy mẫu giám định ADN ngà voi, sừng tê giác theo quy định của CITES trước sự chứng kiến của đại diện các cơ quan nhà nước, các đại sứ quán tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế và các cơ quan Thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.
Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác, xương hổ, xương gấu thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong chống tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã và không cho phép tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định: “Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác là biện pháp xử lý cuối cùng về mẫu vật các loài hoang dã bị buôn bán trái pháp luật thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã khác, đồng thời là thông điệp trong chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng không tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc phi pháp“.
Xử lý một phần bằng máy cắt.
Đã có nhiều ý kiến người dân cho rằng, việc này là lãng phí, thậm chí có người cho rằng nên tổ chức bán đấu giá để thu tiền vào ngân sách nhà nước hay trợ giúp người nghèo. Tuy nhiên, Ban Tổ chức vẫn khẳng định đây là tang vật các vụ án trái phép, cần được tiêu huỷ hoàn toàn để khẳng định quyết tâm chống buôn bán trái phép các loại động vật, sản phẩm từ động vật hoang dã của Việt Nam và thực hiện đúng các cam kết quốc tế.
Hoạt động trên nằm trong một kế hoạch thực hiện các khuyến nghị của Hội nghị cấp cao Hà Nội về chống buôn bán trái phép các loại động vật, thực vật hoang dã (IWT) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, có cả phương án tổ chức, thực hiện các hoạt động tiêu huỷ ngà voi, sừng tê giác -như một dấu mốc tỏ rõ quyết tâm, cam kết của Chính phủ Việt Nam trước hội nghị này.
Rất đông người dân tò mò đến xem việc tiêu huỷ.
Việc tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác được cho là nhằm tạo tiếng vang về truyền thông và cũng nhằm nêu lên thông điệp: Việt Nam không khoan nhượng với buôn bán động vật hoang dã, truyền tải thông điệp đó tới người dân nhằm nâng cao ý thức người tiêu dùng, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ ngà voi và sừng tê giác.
Được biết, trước đây, Bộ NN&PTNT từng có đề xuất tổ chức tiêu hủy các mẫu vật sừng tê giác, ngà voi vào quý III năm 2016 tại Hoàng Thành Thăng Long hoặc khu vực tương đương tại Hà Nội.
Chuẩn bị cho việc tiêu huỷ
Theo Bộ NN&PTNT, việc tiêu hủy mẫu ngà voi, sừng tê giác đã được nhiều quốc gia thực hiện trong những năm gần đây như: Kenya, Hoa Kỳ, Pháp, Italy, Cộng hòa Séc, Philippines, Singapore, Trung Quốc…
Vào ngày 17.11 tới đây, Hội nghị Hà Nội IWT sẽ diễn ra tại khách sạn Lotte. Đây là hội nghị lần thứ 3 sau Hội nghị lần thứ nhất vào năm 2014 tại Anh và lần thứ 2 năm 2015 tại Botswana. Hội nghị Hà Nội IWT dự kiến có sự tham gia của các phái đoàn cấp cao của 54 quốc gia và 10 thể chế quốc tế, trong đó có một số nguyên thủ quốc gia, Hoàng tử Anh William, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thư ký CITES quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Tang vật các vụ án
Tại hội nghị sẽ thông qua tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán động vật, thực vật hoang dã, trong đó các quốc gia xác định buôn bán trái phép các loại động vật, thực vật nguy cấp là loại hình tội phạm nghiêm trọng, đồng thời xác định các giải pháp và các hành động cụ thể thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên, phát triển sinh kế bền vững.
Ngà voi bị phá hủy sau đó đem đốt.
Hiện nay, nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia buôn bán, nhập lậu nhiều ngà voi, sừng tê giác nhất thế giới. Riêng năm 2015, đã xảy ra hàng loạt vụ nhập lậu sừng tê giác và ngà voi với số lượng lớn qua các cảng biển tại Đà Nẵng, qua đường hàng không vào Việt Nam với số lượng sừng tê giác và ngà voi bị thu giữ hàng chục tấn.
Trong đó, vụ lớn nhất được phát hiện trong tháng 8/2015, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an) đã phối hợp với Cục Hải quan và Bộ đội Biên phòng Đà Năng kiểm tra, bắt giữ số hàng khoảng 8 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê nhập từ Mozambique và Nigieria quá cảnh qua Đài Loan về đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
Quang cảnh buổi tiêu huỷ.