Những năm gần đây nền công nghiệp quốc phòng TQ đã có những tiến bộ rất lớn, kết quả này khiến người ta nghi ngờ về nguồn gốc công nghệ của TQ.
Tuy có nhiều kết quả lớn nhưng nhìn chung, Trung Quốc vẫn đang chỉ làm việc “nhái” lại công nghệ quân sự của các quốc gia khác
Công nghệ tàu ngầm Đức
Nghi vấn trên hoàn toàn có căn cứ khi tờ Qianzhan đưa tin, gần đây Hải quân Đức có thể đã chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ mới tàu ngầm phi hạt nhân Type 214 mà không cần sự chấp thuận từ chính phủ. Công nghệ này cho phép các tàu ngầm Trung Quốc “vượt mặt” Nga, Mỹ.
“Với công nghệ mới, tàu ngầm Trung Quốc có thể chạy tuần tra dưới nước với tốc độ 2-6 hải lý/h trong hơn 3 tuần với hệ thống pin nhiên liệu. Nếu nó sử dụng ống thông khí, nó có thể chạy tốc độ 6 hải lý/h trong 12 tuần, vượt 12.000 dặm”, nguồn tin trên báo cho biết.
Theo phán đoán của tờ Qianzhan, công nghệ mới mà Đức chuyển giao cho Trung Quốc chỉ có thể là hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) trên tàu ngầm Type 214. “Hệ thống AIP trên tàu ngầm Type 214 tốt hơn nhiều so với hệ thống tương tự của Trung Quốc. Với AIP Type 214, Trung Quốc có thể sử dụng tàu ngầm thông thường để làm những gì trước đây được thực hiện bởi tàu ngầm hạt nhân đắt tiền”, Qianzhan viết.
Nguồn tin cho biết thêm, nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ AIP Type 214 để cải tiến hệ thống động lực trên tàu ngầm phi hạt nhân Type 041 lớp Nguyên do nước này tự phát triển, có tham khảo tàu ngầm Kilo của Nga, theo báo Kienthuc.
Máy bay J-10 được phát triển theo nguyên mẫu IAI Lavi của Israel.
Phát triển nhờ Israel
Ngoài sự giúp đỡ từ Đức, sự tiến bộ của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong những năm gần đây còn do sự trợ giúp đắc lực từ việc chuyển giao công nghệ từ Israel. Hiện nay, dự án quân sự quan trọng nhất mà Trung Quốc đang thực hiện có sử dụng rộng rãi công nghệ của Israel là việc sản xuất máy bay tiêm kích hạng nhẹ J-10.
Israel cung cấp cho Trung Quốc mẫu dự án máy bay Lavi, bán một số mẫu máy bay riêng rẽ và rất có thể là đã bán cả công nghệ sản xuất một số hệ thống: hệ thống dẫn đường quán tính của các công ty “Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel” và “Taman INS”; hệ thống tác chiến điện tử “Elisra”; hệ thống điều khiển “Lir Sigler”/MBT; đài liên lạc vô tuyến ARC-740; trạm radar EL/M-2035 và EL/M-2032.
Israel cũng là nguồn cung cấp quan trọng nhất các tên lửa lớp “không đối không” và công nghệ chế tạo chúng cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã mua của Israel tên lửa “Piton-3” (ký hiệu của Trung Quốc là PL-8). Cuối những năm 1990, Israel cung cấp cho Trung Quốc các mẫu các tên lửa phiên bản hiện đại hơn là “Piton-4” tầm ngắn chuyên để chống lại các máy bay tiêm kích thế hệ 4 của Nga.
Một lĩnh vực hợp tác khác tương đối hiệu quả là sản xuất các máy bay không người lái. Các nguyên mẫu của máy bay không người lái trinh sát chiến thuật của Trung Quốc như W-30 và W-50 chính là “Searcher” của Israel, và trong quá trình chế tạo Trung Quốc đã sử dụng nhiều công nghệ của Israel.
Năm 2000, Trung Quốc đã nhận khoảng 200 máy bay không người lái chống radar tấn công “Harpy”. Một số nguồn tin còn cho rằng, hai nước tiến hành chung một dự án chế tạo riêng cho Trung Quốc tên lửa hàng không có cánh theo công nghệ Israel “Delaila” với tên gọi là “STAR-1”.
Phía Israel đã đánh giá một cách lạc quan triển vọng hợp tác quân sự với Trung Quốc, dù hiện nay châu Âu vẫn áp dụng lệnh cấm vận vũ khí với Bắc Kinh, tuy nhiên lện cấm này cũng bộc lộ nhiều sơ hở khiến Israel lách luật và tiến hành buôn bán vũ khí, thiết bị quân sự với Trung Quốc bất chấp phản đối của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu.
Không thể thiếu Ukraine
Theo thông tin được tờ Duowei News cho biết, Ukraine là khách hàng lớn nhất của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và sẽ trở thành đối tác công nghệ hàng đầu của nước này.
Ukaine đã xuất khẩu hơn 30 loại công nghệ quốc phòng tới Trung Quốc bao gồm cả tàu sân bay và các loại tàu lớn, máy bay huấn luyện siêu âm, công nghệ xe tăng và tên lửa không đối không. Nhờ những công nghệ này mà nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc tiến rất nhanh trong 10-20 năm trở lại đây.
Ngoài tàu sân bay Liên Ninh – vốn là tàu sân bay Varyag được đóng dưới dưới thời Liên Xô (sau thuộc sở hữu Ukarine, bán cho Trung Quốc với giá siêu rẻ), Trung Quốc cũng hợp tác với Ukraine để sản xuất động cơ DN/DA-80 cho tàu khu trục của Trung Quốc, động cơ diesel 6TD-2E dành cho xe tăng Al-Khalid được Trung Quốc phát triển cho Pakistan và động cơ Al-222 cho máy bay huấn luyện tiên tiến L-15 và công nghệ tên lửa dẫn đường.
Tiếp đến là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới hiện nay – Zubr. Trước hết, Trung Quốc rất hao tâm tốn sức để đặt vấn đề với Nga mua loại tàu này, tuy nhiên, đều thất bại. Ukraine một lần nữa đóng vai đấng cứu tinh khi nhà máy Morie ở Feodosya (Ukraine), trước đây lại là nơi chế tạo loại tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới này.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã chơi trội khi thanh toán toàn bộ khoản nợ của công ty này. Đồng thời đặt lên bàn đàm phán 350 triệu USD để mua về 4 tàu đổ bộ đệm khí “sao chép hoàn toàn từ Project 12322 Zubr của Nga với cái tên Project 958 Bizon. Điều đáng chú ý, trong 4 chiếc tàu, 2 chiếc sẽ được đóng tại Ukraine, còn 2 chiếc sẽ được Trung Quốc đóng với sự giúp đỡ, giám sát của kỹ sư Ukraine.
Ngoài ra, đã có những thông tin mập mờ việc Ukraine có thể sẽ trợ giúp Trung Quốc phát triển công nghệ máy phóng áp dụng trên tàu sân bay tương lai của Hải quân Trung Quốc.
Không chỉ Ukraine mà ngay cả Nga cũng gián tiếp giúp Trung Quốc phát triển công nghiệp quốc phòng của mình bằng những hợp đồng mua bán vũ khí. Đặc biệt sau khi Nga cung cấp giấy phép sản xuất tiêm kích Su-27 cho Trung Quốc với tên gọi J-11 đã mở đường cho một làn sóng sao chép vũ khí Nga một cách dữ dội.
Trung Quốc đã mua được từ Nga 76 chiếc tiêm kích Su-30MKK và 24 chiếc Su-30MK2. Sau đó, Trung Quốc đã tạo phiên bản song sinh của tiêm kích này thành J-16. Vũ khí tiếp theo Nga “giúp” công nghệ cho Trung Quốc là hệ thống phòng không HQ-9. Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành hàng loạt hành động sao chép vũ khí Nga từ gián điệp mạng.