Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thông qua một thay đổi quan trọng về quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát bán quân sự của Trung Quốc.
(Ảnh: Lam Yik Fei/Getty Images)
Theo một nguồn tin nội bộ tại trụ sở của lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân ở Bắc Kinh, một sự thay đổi lớn sắp diễn ra. Ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị nắm quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát bán quân sự, một động thái nằm trong bước tiếp theo của chiến dịch chống tham nhũng.
Khi nắm quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát bán quân sự, ông Tập Cận Bình có một bước tiến gần hơn để “hạ bệ” ông Giang Trạch Dân – cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, người đã thiết lập “văn hóa tham nhũng” ở Trung Quốc và chỉ đạo nhiều hoạt động vi phạm nhân quyền trên diện rộng.
Trên thực tế, cảnh sát vũ trang nhân dân vẫn còn nằm dưới trướng của ông Giang, mặc dù quyền kiểm soát của ông ta đã bị suy yếu vì vụ bắt giữ đồng minh cấp cao Chu Vĩnh Khang. Ông Chu bị kết án tù chung thân vào tháng 6 năm 2015.
Từ lâu, lực lượng bán quân sự đã trở thành tay sai đắc lực của ông Giang trong những phi vụ lạm dụng chức quyền và tranh giành quyền lực. Năm 2012, các quan chức Đảng Cộng Sản nước này triệu tập lực lượng này để ngăn chặn một kẻ đào ngũ và chuẩn bị cho một cuộc đảo chính. Ngoài ra, có rất nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng vũ trang và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thông đồng với các bệnh viện để mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm (phần lớn là các học viên Pháp Luân Công) và cung cấp cho ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng.
Một nguồn tin ở Bắc Kinh cho hay rất nhiều các phòng ban, bộ phận của lực lượng bán quân sự đã nhận được thông báo rằng ông Tập sẽ thông qua một sửa đổi pháp lý vốn đã được đề xuất tháng 3 năm nay. Theo sửa đổi này, lực lượng bán quân sự sẽ chỉ tuân theo thể chế quân sự, mà không nằm dưới sự điều hành của cả quân đội và Hội đồng nhà nước như hiện tại.
Vì ông Tập Cận Bình giữ chức Tổng chỉ huy quân đội nên khi đó các lực lượng vũ trang đều sẽ nằm dưới sự chỉ hủy trực tiếp của ông. Việc đưa lực lượng này tách khỏi sự kiểm soát của hội đồng nhà nước đồng nghĩa với việc các quan chức Trung Quốc không được phép sử dụng họ vào mục đích cá nhân.
Một trận chiến giành quyền kiểm soát
Vào tháng 2 năm 2012, lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân từ Trùng Khánh bao vây Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô để ngăn chặn cuộc đào thoát của Vương Lập Quân. Ông Vương từng là trợ thủ đắc lực của ông Bạc Hy Lai – cựu bí thư Đảng ở Trùng Khánh và là người trung thành với ông Giang (người đứng đằng sau cuộc điều động vụ bao vây). Vào ngày 20 tháng 3, ông Chu Vĩnh Khang xuất hiện để chỉ huy quân đội cảnh sát vũ trang gần Trung Nam Hải – trụ sở của giới lãnh đạo Trung Quốc, để tham gia vào một cuộc đảo chính nhưng không thành.
Mới đây, ông Tập Cận Bình buộc tội ông Bạc Hy Lai, ông Chu Vĩnh Khang và một cộng sự khác của ông Giang Trạch Dân đã tham gia vào âm mưu chính trị chia rẽ Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nếu bản dự thảo về sự thay đổi tiếp quản lực lượng bán quân sự được thông qua, nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính khác là rất thấp.
Một nguồn tin từ lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân cũng cho biết ông Tập “về cơ bản đã dọn sạch” các phần tử thuộc phe ông Giang trong giới lãnh đạo lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân. Ông đề cập tới việc điều tra ông Vương Kiến Bình – cựu chỉ huy lực lượng bán quân sự và là đồng minh chủ chốt của ông Chu Vĩnh Khang. Dù không có thông báo chính thức nào về việc điều tra ông Vương Kiến Bình, tờ báo South China Morning Post đưa tin ông này đã bị bắt vào cuối tháng 8.
Thông thường, cảnh sát vũ trang nhân dân có nhiệm vụ chính là canh giữ biên giới, cứu trợ, chữa cháy, cũng như chống bạo động và khủng bố. Vì vậy, lực lượng an ninh đã có hơn 600.000 binh lính được trang bị đầy đủ vũ khí tự động, xe bọc thép và trực thăng. Nhưng, dưới thời ông Chu Vĩnh Khang, người từng là cựu Bộ trưởng Công an, sau đó giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Chính trị – Pháp luật trung ương từ 2007 đến 2012, lực lượng cảnh sát bán quân sự thường xuyên được điều động để đàn áp các học viên Pháp Luân Công – môn khí công cổ truyền của Trung Quốc hiện phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
Trong báo cáo mới đây, các nhà điều tra quốc tế phát hiện rằng một số bệnh viện và bác sĩ của lực lượng cảnh sát vũ trang cũng có nhúng tay vào tội ác mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công.
Ông Tập Cận Bình đã thanh trừng rất nhiều các quan chức cao cấp của lực lượng vũ trang từng thăng tiến khi ông Giang Trạch Dân còn là nhân vật chính trị chủ chốt của Trung Quốc. Trong 2 năm qua, 12 sĩ quan, 11 thiếu tướng và 1 trung tướng đã bị hạ bệ. Còn trong khoảng thời gian chờ đến hội nghị chính trị quan trọng vào tháng 10, trên trang nhất của khắp các mặt báo Trung Quốc xuất hiện hàng loạt các cuộc thanh trừng khác.
Thực chất, thông tin về việc ông Tập Cận Bình sẽ sớm nắm quyền kiểm soát toàn bộ lực lượng bán quân sự đều nằm trong kế hoạch của ông nhằm đặt nền tảng cho việc “chiến đấu” với ông Giang Trạch Dân và giành toàn bộ quyền lực.